Sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải vào ngày 6/8/2024, bài viết "Phổ Yên: Hơn 4.000m2 lúa, hoa màu nghi bị “hạ độc” thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là "nguồn cơn" sự việc. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã gặp, trao đổi với bà Chử Thị Hường và đại diện gia đình bà Vũ Thị Lai, đều ở xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên). Đây là 2 hộ đang có tranh chấp về quyền sử dụng 4.000m2 đất nêu trên.
Hơn 4.000m2 lúa, hoa màu gia đình bà Chử Thị Hường gieo cấy trên diện tích đang xảy ra tranh chấp bị cháy khô và chết, hiện chỉ còn bãi đất trống. |
Bà Chử Thị Hường cho biết, bà vốn là công nhân của Công ty Chè Bắc Sơn. Năm 1988, bà được đơn vị giao khoán 1,1ha đất thuộc lô số 9 Đầm Mương, trong đó có diện tích 4.000m2 đang tranh chấp. Việc giao, nhận đất khoán lúc bấy giờ có các ông, bà: Nguyễn Thị Sớm, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Văn Thắng, Đào Thị Hồng… là cán bộ, công nhân của Công ty Chè Bắc Sơn cùng thời gian nhận khoán đất với bà Hường, biết và xác nhận.
Cũng theo bà Hường, năm 2003, bà đi xuất khẩu lao động, ở nhà ông Vũ Đình Yên (chồng bà Hường) đã cho ông Hoàng Mạnh Quân mượn khoảng 1.000m2, ông Trần Văn Hai mượn 1.000m2, bà Vũ Thị Lai mượn 4.000m2 để canh tác. Đến năm 2016, bà Hường đi làm ăn xa về, đòi lại đất để canh tác, các ông Hoàng Mạnh Quân, Trần Văn Hai đã trả lại đất mượn, còn bà Lai không trả và nói rằng diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi được hỏi về các giấy tờ liên quan đến việc giao khoán, cho mượn đất, bà Hường không đưa ra được loại giấy tờ nào, với lý do bảo quản không tốt nên đã bị mối mọt.
Còn theo đại diện gia đình bà Vũ Thị Lai: Bà Lai có hợp đồng giao khoán của Công ty Chè Bắc Sơn đối với phần diện tích 4.000m2 vào năm 1998. Trong quá trình canh tác, bà Lai có mua thêm 3.000m2 đất nông, lâm trường của một hộ liền kề. Năm 2016, tổng diện tích 6.795m2 đất nông, lâm trường mà bà Vũ Thị Lai canh tác được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, đại diện gia đình bà Vũ Thị Lai cho rằng, việc bà Hường cho bà Lai mượn đất canh tác trước đó là không có cơ sở.
Tuy nhiên, khi nhận được thông tin này, bà Chử Thị Hường lại cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trên là chưa đúng. Bởi tại thời điểm đó, diện tích đất này vẫn là của Công ty Chè Bắc Sơn, đơn vị chưa trả ra để UBND tỉnh giao về cho địa phương quản lý.
Khi tiếp nhận thông tin về việc tranh chấp giữa 2 hộ dân nêu trên, UBND xã Minh Đức đã tổ chức 2 buổi hòa giải nhưng không thành công. Sau đó, vụ việc được Tòa án nhân dân TP. Phổ Yên thụ lý giải quyết. Vì là đất đang tranh chấp, nên tháng 6-2024, khi bà Chử Thị Hường thuê máy móc làm đất để canh tác, UBND xã Minh Đức đã lập biên bản yêu cầu dừng và giữ nguyên hiện trạng đất, nhưng bà Hường vẫn thực hiện gieo cấy.
Theo ông Nguyễn Hải Chiều, Chánh án Tòa án nhân dân TP. Phổ Yên: Hiện nay, hồ sơ vụ việc tranh chấp 4.000m2 đất có nguồn gốc nông, lâm trường của 2 hộ bà Chử Thị Hường và bà Vũ Thị Lai đang được đơn vị thụ lý giải quyết. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra phán quyết về quyền sở hữu đối với phần diện tích 4.000m2 trên. Thời điểm này, Tòa án chưa thể đưa ra kết luận.
Từ thực tế vụ việc, các cấp, ngành có thẩm quyền cần sớm làm rõ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, tránh tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài.
Cuối tháng 7-2024, hơn 4.000m2 lúa và hoa màu gia đình bà Chử Thị Hường gieo cấy trên diện tích đang xảy ra tranh chấp bị cháy khô và chết. Trước đó, ngày 21 và 22-7, gia đình bà Hường cùng một số người dân địa phương phát hiện 1 thiết bị bay không người lái phun chất lỏng lên diện tích cây trồng này. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang làm rõ vụ việc. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin