Vay ngân hàng 10 chỉ nhận được 1: Hé lộ những “lỗ hổng”, (bài 3) Đâu là những thủ đoạn lừa đảo?

Nhóm P.V 17:54, 21/07/2024

Liên quan đến việc hàng chục người bị chiếm đoạt một khoản tiền lớn, nguy cơ mất đất, mất nhà với cùng phương thức nhờ người “môi giới” làm thủ tục thế chấp “bìa đỏ” vay ngân hàng, nhiều chuyên gia nhận định trường hợp này đã từng xảy ra trên cả nước. Đại diện ngành chức năng, cơ quan Công an đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo vay ngân hàng tương tự.

Bị cáo Lê Đức Pháp (nguyên cán bộ ngân hàng, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) lĩnh 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: INTERNET.
Bị cáo Lê Đức Pháp (nguyên cán bộ ngân hàng, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) lĩnh 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Internet

Trả giá

Giới chuyên môn chỉ ra, những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động “môi giới”, thế chấp “bìa đỏ” vay ngân hàng, lừa đảo người dân ký nhanh, ký ngay vào các văn bản không hiếm. Phần nhiều những vụ việc này liên quan đến cán bộ ngân hàng vi phạm đạo đức, quy trình quy định trong quá trình thẩm định, xem xét hồ sơ và giải ngân. Nhiều cán bộ ngân hàng đã phải trả giá cho việc làm của mình.

Cụ thể, Lê Đức Pháp (34 tuổi, cán bộ ngân hàng, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) dùng cách thức: Làm thủ tục vay vốn cho khách hàng, giải ngân sang một tài khoản Pháp nhờ đứng tên, sau đó rút toàn bộ tiền, chỉ đưa cho khách hàng một phần tiền và chiếm đoạt phần lớn số tiền còn lại. Sự việc bại lộ khi khách hàng nhận được thông báo từ ngân hàng về việc trả nợ gốc, lãi theo định kỳ và trình báo cơ quan Công an. Tháng 11-2023, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng tuyên Lê Đức Pháp lĩnh 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trần Thanh Hải tại cơ quan Công an. Ảnh: INTERNET.
Trần Thanh Hải tại cơ quan Công an. Ảnh: Internet

Một vụ việc khác cũng tại TP. Đà Nẵng, Trần Thanh Hải (29 tuổi, trú xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là cán bộ ngân hàng. Một khách hàng đã đến nhờ Hải giúp làm thủ tục đáo hạn ngân hàng và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản nhưng Hải lại làm giấy tờ chuyển sang tài khoản khác. Do tin tưởng Hải, khách hàng không đọc giấy mà ký luôn, đến khi không nhận được tiền, liên lạc với Hải bị chặn, vị khách hàng này trình báo cơ quan Công an và mới biết mình bị lừa. Ngày 16/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can, tạm giam đối với Trần Thanh Hải để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một cán bộ ngân hàng chia sẻ, ngay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, những sự việc tương tự còn tồn tại. Một số trường hợp người đi vay gửi tố cáo đến cơ quan Công an, cơ quan chức năng sớm và có đầy đủ bằng chứng nên được giải quyết. Nhưng cũng có không ít trường hợp người đi vay thiếu hiểu biết pháp luật, bằng chứng, nên phải chịu hậu quả pháp lý, thiệt hại về tiền, tài sản, mất đất, mất nhà…

Cảnh giác với các hành vi lừa đảo

Vay tiền, thế chấp “bìa đỏ” thông qua môi giới, sau đó bị người “môi giới” chiếm đoạt tiền chỉ là một trong các hành vi lừa đảo. Nhiều người còn bị mất quyền sử dụng đất khi quá tin tưởng “cò ngân hàng”.

Hành vi đang được cơ quan Công an cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo là: Ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng đất hoặc ủy quyền giao cho người khác thực hiện thủ tục đất đai để vay ngân hàng; thuê đứng tên làm hợp đồng vay tiền ngân hàng mua tài sản; giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có chương trình tri ân khách hàng, khoản vay ưu đãi, cần làm xác thực sinh trắc học…, đề nghị bị hại cung cấp mã xác thực OTP sau đó chiếm đoạt…

Theo thống kê của Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến phức tạp. Các phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu là: Thứ nhất, lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng thực hiện chỉ tiêu mở tài khoản thẻ ATM để vận động nhiều người mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp; sau đó thỏa thuận, thu mua tài khoản ngân hàng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc dùng làm cổng thanh toán phục vụ đánh bạc qua mạng.

Thứ hai, giải ngân bằng hình thức chuyển khoản, trực tiếp thanh toán cho người thứ 3 (người thụ hưởng), tráo chứng từ hoặc yêu cầu khách hàng ký vào chứng từ, sau đó in, viết thêm thông tin người thụ hưởng để chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, lập khống chứng từ của khách hàng, rút tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng để chiếm đoạt.

Thứ tư, yêu cầu khách hàng ký chứng từ khi làm thủ tục vay vốn; giả mạo chữ ký, sử dụng thông tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Thứ năm, nhận tài sản thế chấp ngân hàng không nhập kho, quỹ đưa đi cầm cố, vay vốn bên ngoài để chiếm đoạt tài sản.

Tự bảo vệ bản thân

Cơ quan Công an khuyến cáo, khi giao dịch tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, người dân cần nghiên cứu kỹ tài liệu, hợp đồng, biên lai… trước khi ký xác nhận; không ký xác nhận vào những tài liệu chưa ghi chép nội dung. Đồng thời thường xuyên kiểm tra tài khoản tiền gửi, tài khoản giải ngân, số dư tài khoản; kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan tới tài khoản mở tại các ngân hàng, thông báo ngay để ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khóa giao dịch của tài khoản; đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu với cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

Cơ quan Công an cũng đề nghị người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về mở, quản lý, sử dụng tài khoản ngân hàng, không trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Cảnh giác khi chia sẻ thông tin cá nhân và tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, nhất là đối với đối tượng không quen biết, lợi dụng danh nghĩa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng để khai thác thông tin tài khoản ngân hàng, nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuyệt đối không thực hiện những nội dung theo quảng cáo trên các trang mạng xã hội, bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng...



Tìm hiểu swap là gì