Cựu TNXP Thái Nguyên: Truyền thống và nghĩa tình

16:50, 12/07/2007

Đúng 57 năm trước, ngày 15-7-1950, tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) Đội thanh niên xung phong Công tác Trung ương do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập đã ra đời, với mục tiêu "Phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước và làm trường học lớn đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng".

Ngay sau khi thành lập, dọc đường hành quân đi phục vụ Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, Đội tiếp tục tuyển quân bổ sung biên chế. Chiến dịch Biên giới thắng lợi, Cao Bằng giải phóng, cửa khẩu biên giới thông thương, Đội được giao nhiệm vụ tham gia khôi phục Quốc lộ 3 từ Cao Bằng đến Thái Nguyên và làm đường Bắc Sơn-Đình Cả-Thái Nguyên để tiếp nhận hàng viện trợ của nước bạn. Bên cạnh đó là chốt giữ, sửa chữa ứng cứu cầu đường bị máy bay địch bắn phá để bảo đảm giao thông trên các tuyến đường huyết mạch ra mặt trận. Hàng trăm đoàn viên, thanh niên Thái Nguyên đã hăng hái gia nhập các liên phân đội TNXP Trung ương thời kỳ gian khổ mà hào hùng ấy.

Thời kỳ này, tỉnh Thái Nguyên thành lập 3 Đại đội TNXP mang phiên hiệu C.211, C.212, C.213 trực thuộc Ty giao thông và 3 phân đội TNXP tại Phú Lương, Đồng Hỷ và T.X Thái Nguyên. Nhiệm vụ của lực lượng TNXP khi ấy là chốt giữ xan lấp hố bom, ứng cứu cầu đường trên tuyến Quốc lộ 3 từ Chợ Mới đến Bờ Đậu, đường 13A, đường Giang Tiên-Linh Nham, đường Km31-Quán Vuông-Phú Minh và các trọng điểm bắn phá giao thông của máy bay địch như đường Đèo Khế, phà Minh Lập... Đến đầu năm 1954, một số đơn vị được điều động lên Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại chiến trường ác liệt này, TNXP Thái Nguyên đã phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, hăng hái vượt qua khó khăn, bám cầu, bám đường và sát cánh cùng bộ đội phục vụ các chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Chính Phủ, tỉnh Bắc Thái (cũ) đã thành lập Đội TNXP 91, gồm các Đại đội 911, 912, 913, 914, 915 với quân số hơn 3.000 người. Với khí thế của tuổi trẻ, chỉ một ngày sau khi thành lập, Đội 91 đã hành quân lên làm đường Na Rì-áng Toòng; tiếp đó là tham gia xây dựng các tuyến đường chiến lược Bắc Kạn-Na Rì; Nà Phặc-Đèo Gió-Ngân Sơn, Chùa Hang-Hợp Tiến; đường tránh Nam Tiến-Suối nước và cầu ngầm Đa Phúc. Chốt giữ ứng cứu cầu đường bảo đảm giao thông ở các trọng điểm bắn phá của địch ở ngầm Bến Tượng, cầu ngầm Đa Phúc. Tham gia đào hầm, đắp trận địa pháo, bảo vệ thành phố, giải tỏa hàng quân sự... Phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đã có hàng trăm TNXP Thái Nguyên hy sinh vì Tổ quốc, nhiều người đã góp một phần máu xương để làm nên chiến thắng. Riêng thế hệ TNXP chống Mỹ đã có trên 70 cán bộ, đội viên TNXP Thái Nguyên đã anh dũng hy sinh, điển hình là 60 liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự tại Ga Lưu Xá ngày 24-12-1972.

Hòa bình lập lại, các đơn vị TNXP hoàn thành nhiệm vụ, trở lại với đời thường. Trang sử truyền thống vẻ vang của lực lượng TNXP đã được ghi vào lịch sử dân tộc. Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng cho lực lượng TNXP Việt Nam. Tuy vậy, phải đợi đến năm 1999, với Quyết định số 104 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với cán bộ, đội viên cựu TNXP thì một lần nữa, cựu TNXP mới được kết nối lại trong một tổ chức Hội để cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống và tổ chức các hoạt động nghĩa tình.

Trong tổng số gần 4.000 cựu TNXP trên địa bàn tỉnh hiện nay, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, éo le; song việc thực hiện chính sách cho cựu TNXP còn gặp nhiều khó khăn do nhiều ngành, nhiều cấp quản lý, nhiều cán bộ, đội viên không lưu giữ được giấy tờ chứng minh, các đơn vị cũ đều đã giải thể... Trách nhiệm trước đồng đội, Hội cựu TNXP Thái Nguyên được thành lập tháng 7-2005, đến nay đã tư vấn để các cơ quan chức năng tặng kỷ niệm chương cho 5.600 cựu TNXP, công nhận 15 liệt sỹ, 81 thương binh, trợ cấp khó khăn cho 1.181 hội viên...

Những tấm gương nghĩa tình vì đồng đội phải kể đến cựu TNXP Nghiêm Xuân Đạo, 7 năm gánh vách trách nhiệm Trưởng ban liên lạc TNXP tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, làm hồ sơ công nhận 15 liệt sỹ TNXP chống Pháp. Là cựu TNXP Nguyễn Tứ Kiên và Lê Thị Thìa (thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ) đã tự nguyện bỏ công sức hàng tháng trời vận động tài trợ và tham gia xây dựng nhà tình nghĩa tặng đồng đội nghèo. Là cựu TNXP Vi Thị Hồng Thái (xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) đã vận động xây nhà tình nghĩa cho đồng đội đã bị ốm liệt giường nhiều năm. Là cựu TNXP Hoàng Thị Thuận (phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) nhận đồng đội nghèo không nơi nương tựa làm anh em để đăng ký hộ khẩu tại nhà mình, sau đó xin làm thủ tục trợ cấp mất sức để đồng đội ổn định cuộc sống...

"Còn rất nhiều tấm gương vì nghĩa tình đồng đội. Cũng còn rất nhiều vất vả, thiệt thòi của các cựu TNXP"-Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với chúng tôi tâm tư ấy, cũng là lời giải thích vì sao chủ đề: "Đoàn kết nghĩa tình đồng đội-gương sáng TNXP" được chọn là phong trào thi đua của cựu TNXP Thái Nguyên trong năm 2007 này.