Bắc Sơn - Đình Cả - Thái Nguyên, những địa danh thân thuộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, tại vùng căn cứ địa cách mạng này, ngày 27-9-1940 quân và dân ta đã tiến hành trận đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.
Từ Thái Nguyên theo quốc lộ 1B đi hướng Lạng Sơn, qua thị trấn Bắc Sơn (Lạng Sơn) bốn cây số đến chân đèo Tam Canh rẽ phải theo con đường nhựa qua địa phận các xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn khoảng 10 cây số, là đến xã Hưng Vũ của huyện Bắc Sơn. 67 năm trước, ngày 27-7-1940 tại nơi đây đã diễn ra một sự kiện lịch sử, các chiến sĩ cách mạng Châu Bắc Sơn và nhân dân xã Hưng Vũ đã anh dũng nổi dậy, tự vũ trang tiến đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn - cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo.
Trong chuyến công tác lên huyện Bắc Sơn, chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn để nhờ giúp đỡ và được anh Dương Công Học, cán bộ của Bảo tàng đưa chúng tôi về thăm xã Hưng Vũ. Dọc đường vào xã, đến thôn Nông Lục, anh Học đã dẫn chúng tôi vào thăm di tích đình Nông Lục. Đình được kiến trúc theo kiểu đình làng cổ, lợp ngói âm dương, nằm ngay ven đường, trên một khu đồi nhỏ, xung quanh là cánh đồng, hiện đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo. Cách UBND xã Hưng Vũ không xa, là đồi Mỏ Nhài. Ngược con đường dốc xoáy vòng theo đồi, trên đỉnh đồi bằng phẳng có Đài tưởng niệm ghi dấu những chiến công oanh liệt của ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940). Đây là một trong số những di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Lạng Sơn.
Dưới thời Pháp thuộc, xã Hưng Vũ nằm trong Tổng Bắc Sơn, châu Bắc Sơn, với địa hình là một thung lũng lớn, hai bên lại có rừng núi đá cao vút, nên về quân sự, có vị trí chiến lược quan trọng trong toàn bộ khu vực. Chính vì vậy tại thôn Mỏ Nhài, vào năm 1885 thực dân Pháp đã cho xây dựng một khu đồn binh rất kiên cố gọi là Đồn Mỏ Nhài. Đồn được xây dựng trên một quả đồi cao án ngữ và kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ thị trấn Bắc Sơn đi vào Vũ Lăng, đỉnh đồi khá bằng phẳng và rộng, trên đó là cả một hệ thống đồn, bốt, hầm hào rất kiên cố, xung quanh được bao bọc bởi tường đá dầy, hàng rào dây thép gai chằng chịt và chỉ có duy nhất một con đường để lên xuống. Đây được coi là biểu tượng cho sức mạnh của thực dân Pháp trên đất Bắc Sơn. Từ vị trí đỉnh đồi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn trong vòng bán kính vài ki-lô-mét. Với vị trí lợi hại và được xây dựng phòng thủ kiên cố như vậy thì việc đánh đồn Mỏ Nhài không phải là việc dễ dàng.
Ông Hoàng Doãn Thạch, 86 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Xuân Giao, xã Hưng Vũ, nguyên là chiến sĩ Đội du kích Bắc Sơn tham gia đánh trận đồn Mỏ Nhài nhớ lại: “Lúc đó lực lượng của ta tuy còn rất yếu, vũ khí thì thô sơ. Thật không ngờ ta lại có thể đánh chiếm đồn chớp nhoáng như vậy”.
Trước khi đánh đồn Mỏ Nhài, ngày 22-9-1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn. Sau vài trận chống cự yếu ớt, quân Pháp rút chạy tán loạn qua Điềm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tan rã ở nhiều nơi. Quan quân giặc ở Bắc Sơn hoang mang lo sợ. Trong bối cảnh đó, một số đồng chí cán bộ cách mạng: Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức... ở trại giam Lạng Sơn đã phá nhà tù của địch trở về địa phương, tiếp tục tìm đến với tổ chức Đảng để hoạt động cách mạng.
Đứng trước tình thế chín muồi cho cuộc khởi nghĩa vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, vào tối ngày 26-9-1940, tại đình làng Nông Lục (xã Hưng Vũ), Chi bộ xã Hưng Vũ đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí Châu uỷ Bắc Sơn: Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức để thảo luận, phân tích tình hình và quyết định phương hướng, hành động đánh đồn Mỏ Nhài và thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa.
Sau khi đã thảo luận, sáng ngày 27-9-1940, cuộc hội nghị quan trọng giữa các tổ Đảng Bắc Sơn và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn về đã trao đổi tình hình, thông qua chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay trong ngày hôm ấy. Giờ khởi nghĩa đã được chọn vào lúc chập tối từ 7 giờ 30 đến 8 giờ. Mục tiêu đấu tranh đầu tiên là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài.
Vào chập tối ngày 27-9-1940, hưởng ứng chủ trương của Ban chỉ huy khởi nghĩa, nhân dân các dân tộc xã Hưng Vũ cùng nhân dân xã Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Trấn Yên và Ngự Viễn đã có mặt tại địa điểm tập trung, với trang bị vũ khí thô sơ: Súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm 3 bộ phận sẵn sàng chờ lệnh đánh chiếm đồn Mỏ Nhài theo ba hướng đã định. Giờ hành động đã tới, 8 giờ tối 27-9-1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chính thức bùng nổ. Theo các hướng tấn công, đoàn quân khởi nghĩa dũng cảm xông lên, vừa nổ súng, vừa làm công tác địch vận, kêu gọi binh lính trong đồn về theo cách mạng. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hưng Vũ, nhân dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ... gây hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa trên các hướng tấn công góp phần hạ đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn. Đồn Mỏ Nhài đã bị quân khởi nghĩa chiếm được sau một thời gian tấn công chớp nhoáng, nghĩa quân đi kiểm soát khắp nơi, binh lính địch hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền địch bị tan rã. Khởi nghĩa Bắc Sơn kết thúc thắng lợi. Tin chiến thắng truyền đi khắp nơi, nhân dân các dân tộc Hưng Vũ và các làng lân cận vô cùng phấn khởi, nô nức cùng nhau kéo về đồn Mỏ Nhài rất đông để dự cuộc mít tinh do Ban chỉ huy khởi nghĩa tổ chức tuyên bố thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, mọi trật tự an ninh xã hội ở các thôn xóm, làng xã từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm.
Vũ khí của đội du kích Bắc Sơn dùng để bảo vệ và chống lại thực dân Pháp trong cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn. |