Ðối với dân tộc ta, nhân dân ta, công đức và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Ðã có rất nhiều bài văn, bài báo, bài thơ, bài hát, bài ca dao, vở kịch, tấm ảnh và cả những bài luận văn có tầm cỡ ngợi ca đức tính tốt đẹp, công lao vĩ đại của Người. Có thể tóm tắt những lời ngợi ca ấy bằng bốn chữ “Ðức lớn, tâm đầy”.
“Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. (Tiến sĩ M.Amét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Khi nói về chữ Ðức ở Bác rất nên ghi lại những lời chân thành của cố Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. Cụ Phan gần Bác suốt cả chín năm kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc, cho nên cụ rất hiểu Bác. Cụ nói: "Gần Ông Cụ thì lòng dạ mình được sáng thêm, ý thức phục vụ nhân dân càng đầy thêm. Hồ Chí Minh như một trái núi nam châm, Bác có sức hút mãnh liệt lại có sức tỏa sáng rộng lớn".
Cố Tổng Thư ký Ðảng Xã hội Việt Nam, nhà khoa học Nguyễn Xiển cảm nhận được tấm lòng, đức độ của Bác qua những ánh mắt nhân hậu của Bác. Ông đã có một câu nói xuất phát từ trái tim của một nhà trí thức đã đi theo Bác Hồ từ những ngày đầu tiên: "Lá cờ đỏ sao vàng với cặp mắt Bác Hồ, đó là mùa xuân của dân tộc và cũng là mùa xuân của đời tôi".
Những ngày nước ta mới giành được chính quyền, nạn đói chưa dứt, lại lăm le giặc ngoại xâm, bao nhiêu là gánh nặng của quốc gia đặt lên đôi vai gầy của Bác. Nhiều đêm Bác thức với ngọn đèn chong. Ðồng chí Hoàng Hữu Kháng, một trong tám đồng chí bảo vệ Bác nhớ lại những năm tháng gian truân ấy: "Tính Bác rất dễ xúc động. Có một đêm Bác ngủ trên một căn gác của một ngôi nhà. Bốn giờ sáng, Bác thức giấc. Ngoài trời gió vun vút đập vào cửa kính. Ở trong phòng còn thấy lạnh, thế mà có tiếng trẻ em rao hàng cuối đường phố vọng lên. Bác mở cửa sổ ngó nhìn cho tới khi chú bé rao hàng đi khuất, Bác mới từ từ khép cửa lại".
Báo "Sống" số 1 ra ngày 6-1-1946 tại thủ đô Hà Nội viết về cái rét cuối năm 1945 và tấm lòng của Bác. Năm 1945 ấy, dân ta đã đói lại rét, mà cách mạng vừa mới thành công, việc nước còn ngổn ngang trăm mối. Chính phủ do Bác đứng đầu đang gắng sức giải quyết từng việc lớn. Trời rét lạnh lại có mưa phùn, nhìn trời nhìn đất, Bác nói: "Rét thế này, đêm qua có bao đồng bào đói rách chết bên đường".
Một đời lo việc nước, việc dân, Bác sống gương mẫu, nêu một lối sống "nhân văn cộng sản" cho mọi người trông vào và có thể noi theo. "Chúng tôi hiểu và nhận ra rằng: chính cái giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông. Ðịa vị càng cao, ông càng giản dị, trong sạch hơn. Hình như ông luôn luôn giữ được giá trị vĩnh viễn của người Việt Nam". (Nhà báo David Sten, Australia).
Ca dao dân gian có câu: "Ðếm sao cho hết vì sao; Kể sao cho hết công lao Cụ Hồ". Bác là người không chỉ đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc ta mà còn là người góp phần soi ánh sáng cho các dân tộc mạnh bước trên con đường tranh đấu của mình. R.Chandra, nhà văn hóa nổi tiếng Ấn Ðộ, một chiến sĩ hòa bình được thế giới yêu mến, viết: "Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao".