Ngày 16/10 tại London, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã ký bản ghi nhớ hợp tác giáo dục toàn diện với Bộ trưởng Đổi mới, Giáo dục Đại học và Kỹ năng (DIUS) John Denham và Bộ trưởng Trẻ em, Giáo dục Phổ thông và Gia đình (DCSF) Ed Balls của Anh.
Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục bao gồm ba nội dung chính: nâng cao trình độ giảng dạy của giáo viên đại học thông qua chương trình đào tạo tiến sĩ; Anh giúp Việt Nam nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, bao gồm xây dựng chương trình đào tạo tiếng Anh và giáo viên dạy tiếng Anh; nội dung thứ ba được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá quan trọng trong hợp tác giáo dục Anh-Việt Nam, đó là hợp tác để Việt Nam sớm hình thành những tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hiệu quả, từng bước triển khai kiểm định giáo dục bậc đại học và các bậc đào tạo khác tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết hai năm gần đây Việt Nam mới thực hiện việc kiểm định và khảo thí chất lượng giáo dục, trong khi Anh đã có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học gần 150 năm nay.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có buổi gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Phát triển quốc tế của Anh, ông Shahid Malik, cùng trao đổi các vấn đề liên quan sự trợ giúp của Chính phủ Anh cho giáo dục Việt Nam. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Malik cam kết giúp đỡ kinh phí thực hiện mô hình học hai buổi một ngày ở cấp tiểu học tại những vùng khó khăn của Việt Nam.
Cũng trong chuyến đi này, đoàn công tác của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Đổi mới, Giáo dục Đại học và Kỹ năng, tìm hiểu các khả năng hợp tác nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, cải tiến chương trình giảng dạy và cách đánh giá chất lượng đào tạo tại Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường học của Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Vang, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết Chính phủ Việt Nam mong muốn cải tiến và đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Anh, đưa ngôn ngữ này trở thành thế mạnh của Việt Nam trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam sẽ có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo trong công việc chuyên môn và học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh.
Trong thời gian làm việc tại London, đoàn công tác của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi thăm nhà Quốc hội Anh và Trường Đại học London (UCL - University College London)./.