Xây dựng Việt Bắc - Quân khu 1 thành khu vực phòng thủ vững chắc

11:28, 28/10/2007

Chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947 đã để lại nhiều bài học quý giá, vận dụng thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương vững chắc trên địa bàn Quân khu 1 trong tình hình mới.

Cách đây 60 năm, ngày 7-10-1947, thực dân Pháp với mưu đồ thâm hiểm, từ ba hướng bất ngờ mở cuộc tiến công chiến lược lên Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến thần thánh của cả nước. Thực hiện chủ trương chiến lược "đánh nhanh, giải quyết nhanh", thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947 nhằm bốn mục tiêu là: Chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực, phá hủy tiềm năng kháng chiến của nhân dân ta và dọn đường thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Ðại.

Song tham vọng nham hiểm của kẻ thù xâm lược đã bị thất bại nặng nề trước ý chí và quyết tâm cùng sức mạnh kháng chiến của quân dân cả nước nói chung và lực lượng vũ trang cùng nhân dân các dân tộc Việt Bắc nói riêng.

Trải qua 75 ngày đêm anh dũng, kiên cường chiến đấu (7-10-1947 đến 19-12-1947), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ T.Ư Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân Việt Bắc đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa Trung ương và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sang một giai đoạn mới.

Cùng với thời gian, chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947 đã trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947 đã để lại nhiều bài học quý giá, vận dụng thiết thực vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương vững chắc trên địa bàn Quân khu 1 trong tình hình mới.

Ngày nay, xu thế chung của thế giới là hội nhập, cùng hợp tác và phát triển. Nhưng âm mưu của các thế lực thù địch và bọn phản động đối với Việt Nam không hề thay đổi. Chúng luôn tìm mọi cách từ diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ đến sẵn sàng gây chiến tranh khi có thời cơ nhằm xóa bỏ Ðảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Vì vậy, vấn đề cấp bách bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, trong đó, phải xây dựng KVPT tỉnh (thành phố), huyện (quận) vững chắc.

Trước hết, mọi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt và nắm vững những quan điểm của Ðảng về quốc phòng an ninh theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ X; Nghị quyết T.Ư 8 (khóa IX); tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả tinh thần Nghị quyết 02/BCT (khóa VI) của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh (thành phố), huyện (quận) thành KVPT vững chắc và vận hành theo cơ chế Ðảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự và các sở, ban, ngành làm tham mưu xây dựng KVPT địa phương.

Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân tố chính trị, tinh thần cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, sẵn sàng đối phó và đánh trả thắng lợi chiến tranh kiểu mới của địch. Công tác giáo dục quốc phòng cần được quan tâm đúng mức cho mọi đối tượng. Phải tạo điều kiện cho tất cả cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng được học tập đầy đủ. Trong đó, cán bộ công chức, nhất là cán bộ chủ trì, những người được giao nhiệm vụ tham mưu, hoạch định chính sách, quy hoạch... giữ vai trò rất quan trọng.

Ðối với thế hệ trẻ, giáo dục kiến thức quốc phòng cần đi đôi với giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, truyền thống đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước, lòng yêu nước, yêu chế độ...

Xây dựng KVPT vững chắc dựa trên nền tảng thế trận lòng dân, phải làm cho dân hiểu, dân tin, củng cố vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với dân. Muốn vậy, chính quyền phải vì dân và do dân, cán bộ phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người dân Việt Bắc trước cách mạng rất nghèo khổ, được giác ngộ, tin ở Ðảng vì Ðảng đã đập tan xiềng xích thực dân phong kiến, mang lại tự do, cơm áo.

Trong kháng chiến, mặc dù có nhiều gian khổ, hy sinh, nhân dân vẫn một lòng theo Ðảng vì cán bộ và nhân dân miền xuôi và miền ngược đều đồng cam cộng khổ, chiến đấu cùng lợi ích. Ngày nay, khi đất nước đã có hòa bình, phát triển kinh tế từng bước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thế trận lòng dân trước hết cần xác định phát triển kinh tế mạnh mẽ phải đi cùng với giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chăm lo xóa đói, giảm nghèo; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, phát triển kinh tế; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số; chăm lo xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên trì giáo dục, nâng cao dân trí, chống truyền đạo trái pháp luật, bài trừ tệ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu và những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động.

Xây dựng KVPT địa phương vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, trong đó phải làm cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yêu chế độ, tin tưởng vào Ðảng, chính quyền, đoàn thể. Thế trận lòng dân còn phải được thể hiện rõ nét bằng sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân, phát huy phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trong quan hệ quân dân.

Sức mạnh của KVPT không chỉ là sự giác ngộ chính trị, mà còn là tiềm lực của cả địa phương và sức mạnh vật chất trong mỗi người dân. Khi thế trận lòng dân vững chắc, có thể phát huy được sức mạnh của toàn dân, giải quyết mọi tình huống.

Xây dựng KVPT vững chắc trên cơ sở kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội phải nằm trong quy hoạch tổng thể, gắn với quốc phòng, an ninh. Theo tinh thần Nghị quyết 02/BCT (khóa VI) của Bộ Chính trị: Xây dựng các tỉnh (thành phố), huyện (quận) thành KVPT vững chắc theo kế hoạch (quy hoạch) thống nhất của từng quân khu và chung trong cả nước. Cơ quan quân sự địa phương phải tham mưu cho cấp ủy và chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ về xây dựng KVPT tại địa phương, giúp các ban, ngành thực hiện thắng lợi công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Hiện nay, chúng ta có điều kiện thừa hưởng những thành tựu của khoa học, công nghệ để xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội cần được chuẩn bị để có thể chuyển hướng sử dụng. Các công trình cần được tính toán để mang tính lưỡng dụng: kinh tế kết hợp với quốc phòng và quốc phòng kết hợp với kinh tế. Các công trình kiên cố ở vị trí xung yếu, các công trình giao thông, điện lực, bưu điện, y tế... sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết.

Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân thật sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân. Tiếp tục xây dựng quân đội "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", chú trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của cả ba thứ quân trong điều kiện tác chiến mới, khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Bộ đội chủ lực quân khu phải giỏi cơ động tác chiến trong mọi địa hình đô thị, đồng bằng, trung du, rừng núi. Bộ đội địa phương làm nòng cốt giữ vững KVPT, biết vận dụng các hình thức chiến thuật phù hợp, giỏi tác chiến trên địa bàn của mình, có khả năng tác chiến hiệp đồng với bộ đội chủ lực. Lực lượng dân quân tự vệ, thời bình tham gia bảo đảm trật tự trị an ở địa phương, khi chiến tranh xảy ra, dựa vào làng xã chiến đấu cùng nhân dân bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, dùng cách đánh du kích tiêu hao, quần lộn với địch.

Theo tinh thần của Nghị quyết 02/BCT (khóa VI), trong KVPT, các lực lượng bộ đội địa phương, biên phòng, công an, dân quân tự vệ phải giữ vai trò nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; phối hợp chặt chẽ với lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khi thực hiện các hoạt động của KVPT trong thời bình cũng như khi có chiến tranh.

Ðể phát huy được sức mạnh tổng hợp của KVPT, ngay trong thời bình cần phải thường xuyên làm tốt các hoạt động huấn luyện, diễn tập KVPT, các hoạt động phối hợp hiệp đồng của các cơ quan, ban, ngành trong xử lý các tình huống tại địa phương.

Trong cơ chế thị trường, hệ thống chính trị ở địa phương vẫn luôn là cầu nối giữa quân đội và nhân dân. Ðể góp phần tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, các địa phương cần làm tốt công tác tuyển quân, tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho bộ đội trong sinh hoạt, rèn luyện, huấn luyện. Quân đội trong thời bình, một phần chủ yếu nằm ở trong dân.

Do đó, địa phương cần quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên, tạo điều kiện cho họ được huấn luyện thường kỳ và tham gia diễn tập KVPT, thực hiện đúng chính sách đãi ngộ đối với họ. Mặt khác, địa phương cũng cần làm tốt chính sách hậu phương quân đội, qua đó, giáo dục trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của thanh niên đối với Tổ quốc.

Lực lượng dân quân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã góp phần quan trọng trong bảo vệ trị an, chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ chính quyền cơ sở. Do vậy, cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nhận thức chính trị, giáo dục pháp luật, khả năng chiến đấu bảo vệ địa bàn, đồng thời chăm lo quyền lợi mọi mặt cho họ theo Pháp lệnh đã ban hành.

Sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quốc phòng - an ninh, trước hết là phải tiếp tục quán triệt những quan điểm, tư tưởng của Ðảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện hội nhập với thế giới và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục đưa tinh thần của Nghị quyết 02/BCT (khóa VI) của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Sự lãnh đạo phải gắn liền với công tác kiểm tra từng tổ chức đảng, từng đảng viên, nhất là người đứng đầu, khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng. Trong đó, tập trung nội dung phát triển kinh tế địa phương phải kết hợp với xây dựng KVPT, không vì lợi ích trước mắt mà vi phạm quy hoạch tổng thể. Từng bước xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các công trình quốc phòng trong KVPT then chốt theo kế hoạch thống nhất, được điều chỉnh qua mỗi giai đoạn (5 đến 10 năm) cho phù hợp.

Chăm lo xây dựng, củng cố LLVT trong KVPT cả về số lượng, chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ trị an trong thời bình, chiến đấu bảo vệ quê hương khi chiến tranh xảy ra. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người trong nguồn phát triển và mới được bổ nhiệm chức vụ.

Ðể nâng cao năng lực điều hành của chính quyền trong công tác quốc phòng - an ninh, ngoài việc phải triệt để chấp hành chủ trương, nghị quyết của Ðảng về xây dựng KVPT, xây dựng LLVT trong thời bình, còn phải chuẩn bị năng lực điều hành khi có tình huống phức tạp (thiên tai, thảm họa, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ hay chiến tranh...) xảy ra. Cần nâng cao chất lượng diễn tập KVPT tỉnh, huyện theo "cơ chế 02", chấn chỉnh khắc phục biểu hiện hời hợt, thiếu trách nhiệm hoặc hình thức phô trương.

Quá trình diễn tập cần thể hiện rõ vai trò điều hành của người đứng đầu chính quyền các cấp. Các cơ quan công quyền, các tổ chức phải thật sự vào cuộc, tham mưu đắc lực cho người đứng đầu, đề xuất phương án xử lý kịp thời, trúng, đúng các tình huống. Ðồng thời cũng đánh giá sức mạnh, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương, nhằm đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới.