Ngày 5-11-2007 Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại Hội trường về các báo cáo ngành tư pháp. Đại biểu QH Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH đã phát biểu ý kiến về vấn đề xử lý các tội phạm tham nhũng và việc giải quyết khiếu nại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
1. Về xử lý các tội phạm về tham nhũng:
Về tỷ lệ phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng: Mặc dù Đảng đã đánh giá là thời gian qua tham nhũng diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2007 số vụ án đã được khởi tố, điều tra chỉ có 406 vụ/826 bị can. Tổng giá trị thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra là 286 tỉ đồng, mới thu hồi được 70 tỉ đồng.
Chúng tôi cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả trên chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng xảy ra trong thực tế và kết quả này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Đa số các vụ án tham nhũng lớn đều do các cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành. Ở địa phương hiệu quả điều tra án tham nhũng còn rất hạn chế. Nhiều cơ quan điều tra cấp huyện hầu như không điều tra án tham nhũng nào. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi đề nghị Bộ Công an cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng tỉ lệ điều tra, khám phá các vụ án tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng chỉ thực sự có hiệu quả khi việc xử lý các vụ án tham nhũng phải phục vụ được một cách tốt nhất cho công tác phòng ngừa. Qua việc xử lý các vụ án tham nhũng lớn, các cơ quan tư pháp phải tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và đề xuất giải pháp cụ thể. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm tổng kết việc giải quyết những vụ án tham nhũng lớn trong thời gian qua.
Nhất là những vụ phạm tội có tổ chức, có sự móc nối với cán bộ có chức có quyền trong bộ máy Nhà nước để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và chỉ ra những chính sách cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước đã tạo ra sơ hở cho tội phạm tham nhũng, từ đó có giải pháp khắc phục.
Vấn đề thứ hai là những vướng mắc của Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án trong việc giải quyết đơn khiếu nại về bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án (hay còn gọi là khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm).
Theo quy định của điều 136 Hiến pháp thì các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng đơn khiếu nại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng gia tăng. Có nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, vượt cấp, bức xúc. Theo báo cáo, mỗi năm Tòa án các cấp nhận được đơn khiếu nại hơn 10.000 vụ việc. Trong năm 2007 VKSNDTC cũng nhận được khoảng gần 10.000 đơn.
Về nguyên nhân, với số lượng đơn hàng năm lớn như vậy có thể nhận định rằng số lượng công dân chưa thỏa mãn, chưa tâm phục khẩu phục với phán quyết đã có hiệu lực của Tòa án còn khá lớn. Vì họ cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình chưa được đảm bảo nên chưa nghiêm chỉnh chấp hành bản án theo quy định của Hiến pháp. Nhiều người còn tìm cách trì hoãn thi hành, tiếp tục khiếu nại nhất là trong lĩnh vực dân sự.
Về kết quả giải quyết, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng theo báo cáo thì hàng năm Tòa án các cấp cũng chỉ giải quyết được khoảng 70% số đơn khiếu nại. Tình hình này ở Viện kiểm sát cũng không khá hơn là bao nhiêu. Điều đó có nghĩa là hàng năm riêng ở Tòa án các cấp còn có khoảng trên 3.000 đơn khiếu nại chưa được xem xét. Và cũng không ai dám chắc là trong số đó hoàn toàn không có trường hợp nào oan sai. Đây là một thực tế đã tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa có giải pháp...
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu QH Lê Thị Nga đề nghị:
1- TANDTC, VKSNDTC nhanh chóng tổng kết việc giải quyết đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian qua để có giải pháp khắc phục; chú trọng kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH những vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của các cơ quan Tư pháp. Cần đặc biệt lưu ý việc phòng, chống hành vi lợi dụng việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để hoãn thi hành án thiếu căn cứ, tiếp tay cho những phần tử tiêu cực chạy án.
2- Quan điểm xuyên suốt của Nhà nước ta trong giải quyết khiếu nại là cơ quan có thẩm quyền phải nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, đảm bảo quyền khiếu nại của công dân nhưng phải có điểm dừng, phải đảm bảo tính ổn định của bản án đã có hiệu lực pháp luật để tạo điều kiện cho việc thi hành án.
Về mặt lý luận sẽ rất mâu thuẫn nếu chúng ta yêu cầu công dân vừa phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của Hiến pháp nhưng lại đồng thời cho phép công dân có quyền khiếu nại về tất cả các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu vậy thì sẽ làm mất tính nghiêm minh của bản án, gây khó khăn cho công tác thi hành án, đồng thời làm cho công dân coi việc giám đốc thẩm và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm như là một cấp xét xử thứ 3. Điều này là trái với thông lệ Quốc tế. Vì vậy đề nghị ủy ban tư pháp và ủy ban pháp luật của Quốc hội nghiên cứu kỹ những vấn đề này để tham mưu cho Quốc hội sửa đổi, bổ sung pháp luật về vấn đề này cho phù hợp.
3- Số lượng đơn khiếu nại sẽ ra tăng tỷ lệ thuận với việc tăng các vụ án được xét xử hàng năm. Nếu phải xem xét, giải quyết hàng chục nghìn đơn mỗi năm thì đội ngũ cán bộ để xem xét giải quyết đơn của TAND và VKSND sẽ là rất lớn, vượt quá khả năng thực tế của 2 ngành này. Nhưng nếu không xem xét để giải quyết hết đơn của công dân thì sẽ có những trường hợp bị oan sai mà không được phát hiện kịp thời. Vì vậy giải pháp tối ưu hiện nay theo chúng tôi là các cơ quan Tư pháp phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử để giảm bớt khiếu nại. Một vấn đề rất quan trọng nữa là, TANDTC phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám đốc án để qua đó sớm phát hiện các sai lầm trong bản án có hiệu lực để sửa chữa kịp thời. Với vai trò là người trực tiếp có thẩm quyền kháng nghị và có trách nhiệm giám sát việc giải quyết khiếu nại thì Viện kiểm sát cũng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này...