Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan tổ chức tại Singapore, ngày 21-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN+1 với từng nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ và Hội nghị cấp cao Ðông Á.
Phát biểu ý kiến tại các hội nghị với ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Ðộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại đang ở vào giai đoạn phát triển rất tốt đẹp và các bên cần tích cực khai thác những lợi thế sẵn có, nhằm đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước đối thoại trên những lĩnh vực đôi bên cùng có lợi như kinh tế - thương mại, đối phó các vấn đề xuyên quốc gia như dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai cũng như tăng cường hợp tác về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nước đối thoại tiếp tục dành sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực cho ASEAN, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển khoa học - công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hòa bình và ổn định là nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia cũng như cả khu vực. Thủ tướng hoan nghênh các nước đối thoại đã tham gia một cách tích cực và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các nỗ lực hướng tới mục tiêu này. Khi tiếp xúc với Thủ tướng nước ta, lãnh đạo các nước đối thoại đã nhiệt liệt chúc mừng Việt Nam mới trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục đẩy mạnh và phát huy những thành tựu trong quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản trong năm qua. Theo hướng đó, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung kết thúc đàm phán về việc thiết lập Ðối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) tại Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần này để tiến tới ký kết AJCEP trong tương lai gần. Các nước ASEAN đánh giá cao hỗ trợ phát triển tích cực của Chính phủ Nhật Bản đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN. Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ 300 triệu USD và đào tạo 300 chuyên gia cho ASEAN trong lĩnh vực an toàn hàng hải, môi trường và khai thác bền vững các tuyến hàng hải. Nhật Bản cũng sẽ đóng góp thêm cho ASEAN 500 nghìn liều vắc-xin phòng cúm gia cầm. Hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác năng động và toàn diện, hướng tới kỷ niệm 35 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong năm 2008.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo hoan nghênh những kết quả tốt đẹp trong việc thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố về Ðối tác toàn diện ASEAN - Hàn Quốc, với nhiều hoạt động, dự án cụ thể được triển khai trên nhiều lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế, hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa... Hàn Quốc và ASEAN đã ký Hiệp định về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Hàn Quốc và Bản ghi nhớ thành lập Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, đồng thời tỏ quyết tâm sớm kết thúc quá trình đàm phán xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng thông báo dành năm triệu USD cho sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). Các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ với lãnh đạo Hàn Quốc về những diễn biến đáng khích lệ trong tiến trình đối thoại liên Triều và sáu bên thời gian qua, tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Ðộ, hai bên hài lòng ghi nhận những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Tuyên bố ASEAN - Ấn Ðộ về Quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung, và khẳng định quyết tâm đưa quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Ðộ đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Theo đó, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm sớm kết thúc đàm phán thành lập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Ðộ. ASEAN đánh giá cao vai trò quan trọng của Ấn Ðộ đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Ấn Ðộ và ASEAN còn nhiều, cần được mở rộng khai thác, nhất là trong các lĩnh vực mà Ấn Ðộ có lợi thế như khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, sinh học, dược phẩm, y học, công nghệ na-nô, nghiên cứu khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ðiều đáng chú ý là các nhà lãnh đạo của các bên đối thoại đều ủng hộ những cố gắng của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo để tăng cường liên kết và hội nhập khu vực; ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng như ASEAN+3, Cấp cao Ðông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Ðông Á lần thứ 3, với sự tham gia của mười nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia và New Zealand.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cùng chung nhận định Cấp cao Ðông Á đã trở thành một diễn đàn đối thoại và hợp tác có ý nghĩa quan trọng ở khu vực, góp phần thúc đẩy xu thế đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Ðông Á. Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường đối thoại chính sách về các vấn đề lớn cùng quan tâm, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo thuận lợi cho tiến hành hợp tác.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Cấp cao Ðông Á đã đạt được những bước tiến ban đầu đáng khích lệ. Trên cơ sở đó, các nước cần tích cực tìm kiếm các phương cách thích hợp để thúc đẩy và phát triển các hoạt động hợp tác cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định, nhất là giảm nhẹ thiên tai và phòng chống dịch bệnh vì đây là hai thách thức lớn hiện nay đối với các nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Ðông Á nhằm ứng phó các vấn đề toàn cầu đang nổi lên như năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu và đề nghị các nước ngoài ASEAN, với nguồn lực và kinh nghiệm của mình, sẽ dành sự hỗ trợ tích cực, thiết thực cho ASEAN trong các lĩnh vực này. Theo đó, Thủ tướng thông báo Việt Nam đang tích cực chuẩn bị đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước tham gia Cấp cao Ðông Á nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN và ASEAN+3 vào cuối năm 2008.
Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục triển khai hợp tác về năm lĩnh vực ưu tiên là: năng lượng, tài chính, giáo dục, phòng chống cúm gia cầm và giảm nhẹ thiên tai, nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện, tránh dàn trải nguồn lực. Cũng tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã dành thời gian trao đổi sâu về chủ đề năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, là những vấn đề toàn cầu mang tính thời sự cao, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế và khu vực để xử lý. Các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Singapore về biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm ứng phó với sự biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thông qua các biện pháp hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, tìm kiếm nguồn năng lượng mới và sạch... đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị thúc đẩy sớm đạt thỏa thuận quốc tế về giảm khí thải nhà kính sau năm 2012.
Về hướng phát triển tương lai của Cấp cao Ðông Á, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong Cấp cao Ðông Á và khẳng định Cấp cao Ðông Á sẽ là bộ phận không thể tách rời của cấu trúc khu vực, có quan hệ hữu cơ, bổ sung lẫn nhau với các cơ chế, diễn đàn hợp tác hiện có, nhất là ASEAN+3, vì mục tiêu thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ðông Á.