Ngày 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Singapore dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 và các hội nghị liên quan.
Thủ tướng cho rằng, chủ đề của Hội nghị lần này đã phản ánh khá chuẩn xác bức tranh hiện nay khi châu Á là một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu và ASEAN là một trong những khu vực phát triển năng động. Trong suốt 15 năm qua, một trong những nội dung hợp tác chủ yếu và đặc biệt quan trọng của ASEAN là thúc đẩy tự do hóa kinh tế-thương mại và liên kết kinh tế nội khối. Kết quả hợp tác kinh tế trong ASEAN tuy đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhưng chưa thực sự tạo ra sự phát triển đột biến trong quan hệ kinh tế - thương mại. Thị phần thương mại nội khối mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng giá trị thương mại của cả khối. Mặt khác, từng nền kinh tế ASEAN chưa thật sự là những nền kinh tế lớn mạnh. Quan hệ kinh tế-thương mại giữa ASEAN với đối tác bên ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn, có vị trí ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh đó, tự do hóa kinh tế-thương mại của ASEAN với các đối tác kinh tế-thương mại lớn, quan trọng là một lựa chọn đúng đắn nhằm tạo môi trường kinh doanh rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp của ASEAN cũng như của đối tác. Theo hướng này, từ năm 2002 trở lại đây, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác nội khối, ASEAN đã khởi động các tiến trình liên kết kinh tế rộng hơn, thông qua đàm phán xây dựng các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với một loạt đối tác quan trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh: Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó có việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong 12 năm qua, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN không ngừng tăng nhanh. Riêng kim ngạch thương mại năm 2006 đạt hơn 20 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2005, chiếm một phần tư kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Các nước ASEAN hiện có gần 1.000 dự án đầu tư đang triển khai ở Việt Nam, với số vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD, chiếm gần 20% vốn đầu tư các dự án nước ngoài đang triển khai ở Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng có hơn 120 dự án đầu tư đang triển khai ở các nước thành viên ASEAN với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Việt Nam cũng đã và đang tích cực mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước ngoài ASEAN, trong đó có các nước đối tác của ASEAN. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Từ tháng 1-2007, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và từ tháng 10-2007 được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Thủ tướng cũng cho rằng, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh các liên kết kinh tế nội khối. Ðồng thời ASEAN cũng cần tích cực đàm phán với các đối tác ngoài ASEAN để hình thành các FTA rộng lớn hơn. Phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020, các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia + New Zealand và Liên minh châu Âu (EU) sẽ dần được hình thành. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế giữa ASEAN với nhiều đối tác lớn và quan trọng khác như Hoa Kỳ, LB Nga, Canada... cũng sẽ ngày càng được tăng cường, góp phần tích cực vào phát triển thương mại giữa ASEAN và các đối tác.
Theo Thủ tướng, để liên kết kinh tế nội khối và việc đàm phán xây dựng các FTA cùng phát triển nhanh, hỗ trợ và thúc đẩy nhau, ASEAN và các đối tác cần nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết đã có và tiếp tục đề ra các sáng kiến mới nhằm đẩy nhanh tiến trình liên kết kinh tế nội khối, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ về kinh tế sẽ tạo tiền đề cho tất cả các thành viên phát huy được thế mạnh riêng của mình... Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình khởi động, đàm phán và thực hiện liên kết nội khối cũng như các khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với các đối tác là rất quan trọng, do đó chính cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố trực tiếp làm cho các FTA có sức sống và có ý nghĩa.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda, và Chủ tịch Khu vực châu Á của Tập đoàn Merrill Lynch.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp ông Kuroda, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hợp tác hiệu quả với ADB, nhất là hỗ trợ của ADB trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam trong các lĩnh vực giao thông, điện lực và xây dựng trường học. Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của ADB trong tư vấn chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo... Thủ tướng đề nghị ADB xem xét tiếp tục hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là các dự án lớn về giao thông như xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai và Hà Nội - Lạng Sơn.
Chủ tịch ADB Kuroda đã cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp; đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và cho rằng để tiếp tục duy trì tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng và cải cách kinh tế. Chủ tịch Kuroda nhất trí với đề nghị của Thủ tướng và bày tỏ mong muốn giúp đỡ Việt Nam trong đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...