Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 4-12 báo Nước Mỹ ngày nay, tờ báo có số phát hành lớn nhất nước Mỹ, đăng bài viết khá dài của tác giả David Lin-chơ ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo bài báo, với tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 7,8% trong thời gian từ 2001-2006 và ba năm liên tục gần đây đạt hơn 8%, Việt Nam giờ đây đang trên con đường trở thành quốc gia châu Á mới nhất chuyển từ đất nước nghèo nàn thời thuộc địa thành một quốc gia phồn thịnh.
Không khí hoạt động nhộn nhịp tại các nhà máy công xưởng và người đi lại như mắc cửi trên các đường phố phản ánh rõ một thực tế là người Việt Nam hướng tới những ngày tháng tốt đẹp ở phía trước.
Thành tựu kinh tế rõ nét nhất của Việt Nam mà cả thế giới phải thừa nhận là từ năm 1993 tới nay, do kinh tế liên tục tăng trưởng, số người nghèo ở Việt Nam đã giảm tới hai phần ba.
Với hơn 80 triệu người tiêu dùng và một đội ngũ công nhân trẻ, được học hành, Việt Nam giờ đang trở thành một trung tâm thu hút sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia. Khối lượng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 vượt ngưỡng 10 tỷ USD và trong năm 2007, với lợi thế gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam có thể thu hút tới 12 tỷ USD đầu tư FDI. Kinh tế phát triển không chỉ cải thiện đời sống mà còn tạo cho công nhân và người dân Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn về công ăn việc làm với đồng lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.
Về quan hệ với Mỹ, sức hút của thị trường Việt Nam được thể hiện qua chuyến thăm hồi tháng trước của Bộ trưởng Thương mại Mỹ C. Gutierrez cùng phái đoàn 22 tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Mỹ trong đó có tập đoàn chế tạo ô-tô Ford, tập đoàn hóa chất Dow Chemical, Công ty 3M để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh lớn hơn tại Việt Nam.
Ông C. Gutierrez cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển rất nhanh và sẽ ngày càng được mở rộng. Kể từ khi ký hiệp định thương mại song phương năm 2001, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam và Mỹ giờ đây đã đạt hơn 10 tỷ USD, mặc dù Việt Nam vẫn than phiền về những cơ hội mở rộng buôn bán bị mất do phía Mỹ cố tình áp đặt các biện pháp bảo hộ như đối với tôm và một số mặt hàng hải sản khác của Việt Nam.
Một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam là ngành công nghiệp dệt-may với kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt khoảng 3,27 tỷ USD và có thể tăng hơn. Thế nhưng, cơ chế đặc biệt giám sát hàng dệt-may mà Bộ Thương mại Mỹ áp đặt đã và đang gây thiệt hại cho ngành này khi một số nhà bán lẻ Mỹ ngần ngại trong việc đặt hàng vì sợ bị áp đặt thuế cao chống bán phá giá.