- “Ô nhiễm môi trường là vấn đề mà người dân tuy kiến nghị nhiều lần nhưng không được cải thiện mà còn xảy ra nghiêm trọng hơn, nhất là ở TP. HCM, Hà Nội”, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm nói như vậy trong bản báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khóa XII sáng qua (16/10).
Theo ông Huỳnh Đảm, trong số 2.466 ý kiến, kiến nghị, phần lớn là những bức xúc, bất bình trước tình trạng nhiều nhà máy, như nhà máy của công ty Vedan ở tỉnh Đồng Nai, công ty Miwon ở tỉnh Phú Thọ, công ty cổ phần thuộc da Hào Dương ở TP.HCM, công ty khai thác vàng Bồng Miêu ở tỉnh Quảng Nam... xả chất thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường chỉ là một trong những vấn đề đã kiến nghị lâu nay nhưng mãi chưa được giải quyết.
Vì vậy, cử tri khẩn thiết mong Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm và sớm có giải pháp khắc phục.
Trong khi đó, tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng còn diễn ra phổ biến. Thời gian qua, có hàng trăm cây xăng dùng thủ đoạn tinh vi để móc túi người tiêu dùng nhưng chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nông dân: Lúa gạo nhiều nhưng vẫn tồn kho
Cũng theo ông Huỳnh Đảm, nông dân phàn nàn việc Chính phủ dự báo sai về tình hình an ninh lương thực và giá gạo thế giới nên đã tạm dừng xuất khẩu trong thời điểm giá gạo thế giới lên cao, gây thiệt hại cho nông dân.
Theo phản ánh của cử tri, sản xuất nông nghiệp vừa qua gặp nhiều khó khăn do giá vật tư cao, giá hàng nông sản lại thấp, có lúc không bán được. Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng được mùa nhưng vẫn tồn đọng.
Cử tri và nhân dân cũng phản ảnh về tình trạng nhiều nông dân không có đất sản xuất. Một số nơi nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và đất ở của nông dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, KCN, khu đô thị… nhưng đền bù chưa thoả đáng, nơi tái định cư không bảo đảm, không được đào tạo nghề, không có việc.
“Nguy cơ tái nghèo đang diễn ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng trăm nghìn hộ người nghèo còn ở nhà dột nát”, ông Huỳnh Đảm cho hay.
Giám sát của Quốc hội: Phải nêu rõ địa chỉ
Chủ tịch MTTQ cho hay, cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã thành lập nhiều đoàn giám sát.
Tuy nhiên, hầu như đoàn giám lại chưa phát hiện được những tiêu cực lớn. Việc theo dõi xử lý kiến nghị sau giám sát chưa hiệu quả.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát tối cao, nhất là về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, ô nhiễm môi trường, cổ phần hoá DNNN...
“Kết quả giám sát ở địa phương, đơn vị cần chỉ ra những mặt còn tồn tại, yếu kém và trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân, không nên chỉ ghi nhận thành tích và kiến nghị biện pháp khắc phục chung chung”, ông Huỳnh Đảm nhấn mạnh.
Cử tri đặc biệt lưu ý, tuy Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc sáp nhập các bộ nhằm tinh giảm đầu mối nhưng bộ máy vẫn còn cồng kềnh, số lượng cấp phó quá nhiều, biên chế không giảm, hiệu quả hoạt động không cao.
Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê, gây phiền hà cho dân như: đầu tư xây dựng cơ bản; cấp phép xây dựng nhà ở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chứng thực… Còn nhiều cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm.
Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá hiệu quả của cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là người đứng đầu.
Cử tri và nhân dân phản ảnh, vừa qua phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, thực thi nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để giải quyết các tình trạng trên.