- Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Lê Thị Thu Ba điểm chỉ các vụ án vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng trong thời gian dài và đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan.
Chiều 23/10, tại phiên họp QH ở hội trường, lần lượt Bộ trưởng Công An, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã đọc các báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ, báo cáo công tác của VKSNDTC và TANDTC.
Bức xúc phạm pháp về môi trường
Theo Bộ trưởng Lê Hồng Anh, tình trạng vi phạm về môi trường đáng báo động vì có tới 70% khu công nghiệp, 90% cơ sở sản xuất không có xử lý nước thải. Nhiều vụ nhập khẩu rác thải với số lượng lớn.
Thẩm tra các báo cáo trên, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH đã điểm chỉ các vụ vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, xảy ra khá phổ biến trong thời gian dài, gây hậu quả xấu về nhiều mặt.
Đó là vụ nhập khẩu 700 tấn phế liệu tại TP.HCM, vụ chôn lấp chất thải trái phép của công ty Huyndai – Vinashin tại Khánh Hòa, vụ xả chất thải trái phép ra sông Thị Vải của công ty Vedan tại Đồng Nai, việc gây ô nhiễm kênh Ba Bò ở Bình Dương, vụ xả chất thải trái phép ra sông Hồng của công ty Miwon tại Phú Thọ.
Theo bà Thu Ba, các vụ vi phạm trên chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, gây bức xúc trong nhân dân. “Báo cáo chưa nêu rõ nguyên nhân của tình trạng trên, chưa chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, xử lý không nghiêm, những khó khăn trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này”.
Về tỷ lệ thanh thiếu niên học sinh, sinh viên phạm tội có chiều hướng gia tăng, bà Thu Ba lo ngại: “Đây là vấn đề đã được nêu ra trong báo cáo năm 2007 nhưng trong năm 2008, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật đối với đối tượng này chưa đạt được kết quả như mong muốn. Báo cáo chưa làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên, chưa đề ra biện pháp cụ thể nhằm hạn chế gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật trong đối tượng này”.
Chủ nhiệm UB Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ phân tích toàn diện nguyên nhân gia tăng tội phạm, nhất là các nguyên nhân về cơ chế, chính sách, pháp luật, về tổ chức, quản lý, điều hành, về công tác cán bộ và kỷ luật công vụ, đặc biệt là các tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm trong thanh thiếu niên để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.
Tung tin thất thiệt làm rối thị trường
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trình bày cho biết an ninh kinh tế đã xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp hơn, tập trung ở các lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Theo Bộ trưởng, tình hình nhập siêu, lạm phát làm cho giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao, thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động bất lợi, xuất hiện việc tung tin thất thiệt làm rối loạn thị trường, gây tâm lý hoang mang cho nhân dân, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát.
Đáng chú ý, tội phạm kinh tế ngày càng phức tạp, có ổ nhóm lập công ty để đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tiền của các chủ tàu thuyền… Đáng chú ý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thực hiện các hợp đồng kinh tế giữa trong nước với nước ngoài gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Để tháo gỡ, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tăng cường bảo vệ và đảm bảo an ninh kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực thị trường chứng khoán, cổ phần hóa và mua bán cổ phiếu, ngân hàng, dầu khí, khai thác khoáng sản, chỉ đạo các ngành củng cố an ninh nội bộ, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh…
“Chính phủ đã đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, quản lý kinh tế, thị trường chứng khoán, tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, quản lý môi trường”, Bộ trưởng nói.
Ngày 24/10, đại biểu QH dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên.