Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại kỳ họp thứ 4: Góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp

09:49, 16/11/2008

Kỳ họp thứ 4, QH khoá XII diễn ra từ ngày 16-10 đến 15-11-2008, đã tập trung bàn thảo và quyết nghị nhiều nội dung, vấn đề quan trọng của đất nước trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tham gia các hoạt động của kỳ họp.

Tham gia xem xét, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) Đánh giá chung của Đoàn ĐBQH Thái Nguyên khi tham gia thảo luận cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng khá, kiềm chế được lạm phát, sản lượng lương thực và giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng (đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay). Một số chính sách an sinh xã hội của Chính phủ đã giãn được sức dân. Để thực hiện tốt hơn kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009, các đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ tiếp tục đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ, đủ mạnh trong việc phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn theo giá tăng, giảm của thế giới, có sự chọn lọc kỹ hơn những đối tượng được hưởng chính sách bù giá xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho nhân dân.

Tham gia công tác xây dựng pháp luật: Xây dựng pháp luật là nội dung chiếm nhiều thời lượng nhất tại mỗi kỳ họp QH. Tại kỳ họp thứ 4, QH đã dành 21 buổi thảo luận về các dự án luật (trong đó có 14 buổi thảo luận ở Hội trường và 7 buổi thảo luận tổ). Các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên đã tham gia khoảng 30 lượt ý kiến góp ý tại các buổi thảo luận tổ và 6 lượt phát biểu thảo luận, góp ý tại Hội trường. Ý kiến tham gia thảo luận của các ĐBQH Đoàn Thái Nguyên tập trung phân tích làm rõ hơn các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau và đề nghị điều chỉnh, bổ sung để các dự án luật khi ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhiều ý kiến góp ý đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các ĐBQH tham gia thảo luận. Đó là về lộ trình thực hiện y tế toàn dân của dự án Luật Bảo hiểm y tế, ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị thực hiện lộ trình theo kiểu cuốn chiếu cho các đối tượng cần hỗ trợ như nông dân, cận nghèo, sẽ có một tỷ lệ phần trăm của những nhóm đối tượng này được Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế ngay từ năm 2010 và tăng dần cho những năm sau, đến năm 2014 thì sẽ đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Tham gia hoạt động giám sát: Tại kỳ họp thứ 4, QH đã tổ chức giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. Tham gia thảo luận về kết quả giám sát, ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, khẳng định những kết quả tiến bộ và không né tránh những tồn tại yếu kém. Sau khi phân tích những hậu quả gây ra do tình trạng thực hiện một số dự án quá chậm, ĐB Đỗ Mạnh Hùng chỉ ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do chất lượng của khâu lập dự án chưa đạt yêu cầu. Thứ hai, kinh nghiệm và năng lực trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án rất hạn chế. Thứ ba, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là một khâu phức tạp, khó thực hiện do cơ chế, chính sách không phù hợp, mâu thuẫn, thiếu nhất quán giữa các loại dự án, giữa các địa phương và giữa các thời điểm thực hiện đã gây rất nhiều khó khăn cho quá trình triển khai dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, chậm trễ bàn giao mặt bằng, gây lãng phí, thất thoát khá lớn. Từ những phân tích trên, ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần thực sự thay đổi tư duy về cách làm, khắc phục bệnh nể nang, cào bằng để tránh đầu tư dàn trải. Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung 6 nghị định liên quan đến bồi thường GPMB để hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất và ổn định. Bộ Nội vụ sớm có văn bản quy định hướng dẫn về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Ban bồi thường GPMB.

Tham gia hoạt động chất vấn: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là một hoạt động chính trị quan trọng của mỗi kỳ họp, được cử tri cả nước quan tâm, chờ đợi. Tại kỳ họp lần này, Thủ tướng Chính phủ và 7 Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn. Trước đó, Chính phủ đã nhận được 307 chất vấn bằng văn bản của 131 ĐBQH. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có 8 chất vấn bằng văn bản và 3 chất vấn trực tiếp tại Hội trường (trong đó có 3 chất vấn dành cho Thủ tướng, 1 chất vấn Bộ GD - ĐT, 3 chất vấn Bộ Tài Nguyên - Môi trường, 2 chất vấn Bộ Tài chính, 1 chất vấn Bộ Kế hoạch - Đầu tư và 1 chất vấn Bộ Y tế). Nội dung các chất vấn tập trung vào các vấn đề cử tri rất quan tâm như: Chủ trương chuyển đổi mô hình trường học  mầm non; về việc để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng, kéo dài tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế thời gian qua; về giải pháp khắc phục và chấm dứt tình trạng thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản khá phổ biến ở các địa phương hiện nay; về tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân... 

Tham gia xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng: Tại kỳ họp thứ 4, QH đã thảo luận đề nghị của Chính phủ về thực hiện thí điểm Đề án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã. Có thể nói đây là vấn đề mới, vấn đề lớn và rất quan trọng tại kỳ họp lần này. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện quan điểm cơ bản đồng tình với chủ trương thực hiện Đề án.

Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng đây là vấn đề lớn nên việc thí điểm là cần thiết nhưng khi thực hiện phải có cơ sở pháp lý, phải có nghị quyết của QH mới làm được. Bên cạnh đó, các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ nên thực hiện thí điểm ở quy mô vừa phải để thuận lợi cho việc rút kinh nghiệm và điều chỉnh; cần làm rõ vấn đề chức năng của HĐND huyện, quận bàn giao như thế nào cho hợp lý khi không còn tổ chức này nữa (đặc biệt là chức năng giám sát hoạt động về tư pháp, hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) để vừa tránh sự chồng chéo vừa đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện thí điểm.