Theo những người già trong làng thì nơi này có tên Đồng Sầm vì trước đây xóm nghèo lại hoang vắng nên cuộc sống của người dân luôn bị bao trùm bởi sự u tối của đói nghèo, lạc hậu... Thế rồi, những đảng viên của Chi bộ Đồng Sầm, An Khánh, Đại Từ đã đốt lên ngọn lửa trong từng người dân để họ từ bỏ tự ti, khao khát làm giàu, xây dựng đời sống mới...
Đã hẹn làm việc trước với các đồng chí đảng viên của Chi bộ Đồng Sầm, xã An Khánh (Đại Từ) nên đầu tháng 11, chúng tôi “đội mưa” để về miền quê này. Con đường đất chạy từ cánh đồng làng Ngò vào mãi chân đập Rộc Bị hôm đó bùn đất lầy lội hơn mọi ngày vì bà con Đồng Sầm đang tập kết vật liệu để san ủi nền đường, chuẩn bị bê tông hóa gần 2,7km đường trục của xóm. Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Sơn đợi chúng tôi tại nhà văn hóa xóm khi gặp đã động viên, chia sẻ ngay: Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm vậy mà hôm nay mùng 7 trời vẫn mưa làm nhà báo vất vả quá. Chuyện đường sá khó đi, mưa gió nhanh chóng qua và anh Sơn vào việc: Đồng Sầm rộng gần 2km2 nhưng chưa tới 10 ha đất ruộng nên thời điểm trước năm 2000 trong 131 hộ thì có tới phân nửa hộ thiếu đói, đất rừng rộng nhưng cũng không đem lại hiệu quả kinh tế nhiều vì ngoài trồng chè giống cũ còn lại bà con bỏ đất hoang hóa. Kinh tế thì vậy còn đời sống văn hóa cũng chẳng khá hơn, trong xóm 60% hộ nghèo và cận nghèo, chuyện sinh con thứ ba, chuyện trẻ trong độ tuổi bỏ học đều có... Xóm làng nhiều hạn chế nên các đảng viên rất day dứt, nhất là những đảng viên lão thành mới nghỉ chế độ và chúng tôi quyết tâm sẽ thay đổi làng quê.
Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, 6 năm trở lại đây, Đồng Sầm đã có những thay đổi đáng kể, trở thành một trong những khu dân cư tiêu biểu của huyện Đại Từ. Cụ thể, trong phát triển kinh tế, bà con đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để đưa các loại vật nuôi, cây trồng giống mới, năng suất cao vào sản xuất. Hiện xóm có gần 10 héc ta đất ruộng chủ động được nước tưới để sản xuất 3 vụ/năm; 11ha chè, 30ha rừng trồng và trong chăn nuôi đã xuất hiện một số mô hình bán công nghiệp. Về văn hóa-xã hội, Đồng Sầm cũng đã đạt được những bước tiến: Từ năm 2002 đến nay các đoàn thể chính trị, xã hội đều đạt trong sạch vững mạnh; xóm không có người sinh con thứ ba, không có người mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, trong đó có 7 em đã đỗ đại học chính quy; 89 hộ được công nhận gia đình văn hóa, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 36 hộ. Tự hào hơn là năm 2005 bà con ở đây đã tự nguyện đóng góp tiền, vật liệu, ngày công để xây dựng nhà văn hóa xóm trị giá trên 45 triệu đồng làm nơi hội họp, sinh hoạt tập thể.
Điều mà những đảng viên ở Đồng Sầm làm cho khu dân cư không chỉ có vậy mà họ còn tập hợp tư liệu, tìm gặp các nhân chứng để viết sách về truyền thống cách mạng của quê hương, những phong tục, tập quán hay của địa phương để tuyên truyền, giáo dục con em. Các đảng viên như: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Chín, Lê Văn Nguyên, Trương Thị Hai mặc dù tuổi cao song họ luôn là những tấm gương trong phát triển kinh tế hộ, xây dưng gia đình văn hóa và tiên phong trong những công việc chung của làng.
Khi nói về những kinh nghiệm đem lại những thành công như hôm nay, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch: Nhiều đảng viên là cựu chiến binh, sĩ quan quân đội nghỉ hưu nên với bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ họ đã thực sự tạo niềm tin, sự quyết tâm cho cấp uỷ cũng như toàn thể đảng viên trong Chi bộ. Do vậy, công việc dù khó, phức tạp đến mấy nhưng khi đã thống nhất được trong Chi bộ và đặc biệt là nhận được sự đồng tình của các đảng viên lão thành thì đều hoàn thành. Đơn cử năm 2007, Chi bộ chúng tôi đưa ra ý định bê tông hóa đường trục của xóm nhưng khi đưa ra cuộc họp xóm mở rộng lại có nhiều ý kiến không đồng ý hiến đất, đóng góp và cho rằng việc làm nay chưa cần thiết. Sau buổi họp xóm đó, một số đảng viên cũng nản nhưng các đảng viên lão thành lại quyết tâm và đề nghị cấp uỷ phân công đảng viên đến từng nhà vận động, giải thích và sau nhiều ngày “thuyết giáo” của các đảng viên cuối cùng cũng nhận được sự đồng tình của 100% số hộ!
Tính Đảng trong từng đảng viên ở Đồng Sầm đã được phát huy và họ thực sự đã, đang là những tấm gương sáng về mọi mặt để nhân dân ở đây học tập, noi theo và hy vọng rằng những người “đốt lửa”, “giữa lửa” này sẽ con đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho làng quê của mình.