Bắt đầu từ ngày mai (11/11), trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, sẽ nghe các đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Đã có 21 lãnh đạo các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ nhận được câu hỏi chất vấn…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong nhóm nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Quốc hội dự kiến đưa ra 4 nhóm vấn đề nổi cộm nhất để Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời chất vấn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đó là nhóm nội dung thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ. Nhóm thứ hai là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Nhóm thứ ba liên quan đến việc bảo đảm an sinh xã hội. Nhóm thứ tư xoay quanh vấn đề thực thi quy định của pháp luật về mặt tư pháp, từ việc xử lý vi phạm pháp luật, lãng phí, tham nhũng… và cũng có thể có một nhóm vấn đề khác do Thủ tướng Chính phủ báo cáo thêm và trả lời xoay quanh việc chỉ đạo, điều hành chung, thực hiện cải cách hành chính.
Điểm mới tại các phiên chất vấn là không phải chất vấn từng Bộ trưởng mà chất vấn theo nhóm vấn đề. Cách làm này sẽ tập trung hơn, sôi động và thiết thực hơn, đồng thời giải quyết từng vấn đề thấu đáo hơn. Trong cùng một nhóm vấn đề, sẽ có nhiều Bộ trưởng cùng tham gia trả lời và người điều hành sẽ phải phân trách nhiệm trả lời cho từng người cụ thể. Điểm mới thứ hai là các Bộ trưởng sẽ không đọc báo cáo mà phải trả lời được "lần hứa" gần đây nhất trước cử tri, việc gì chưa làm được, việc gì đang làm nhưng chưa xong và sắp tới sẽ làm gì.
Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp các phiên nghe chất vấn và trả lời chất vấn trong các ngày 11, 12 và 13/11, buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 50, buổi chiều từ 13 giờ 55 phút trên Hệ thời sự chính trị tổng hợp.
Trước đó, tuần qua, Quốc hội tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng: thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009 với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chưa thống nhất cách thức chuẩn bị của Chính phủ với Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã. Nhiều "kẽ hở" trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản xử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành địa phương.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009 đuợc Quốc hội thông qua với tỷ lệ 87,63% tán thành đề ra các nhiệm vụ chính: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng linh hoạt trong điều hành lãi suất tỷ giá. Mục tiêu tổng quát là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Quốc hội thống nhất năm 2009 phấn đấu đạt tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%. Trên tinh thần những bài học vừa qua, Quốc hội thống nhất việc cần theo dõi chặt chẽ, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước, quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới, chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng từ bên ngoài.
Quốc hội cũng đã dành 1 ngày đề thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007 và được Đài TNVN và Đài THVN tường thuật trực tiếp cho thấy đây là lĩnh vực còn quá nhiều "kẽ hở". Đó là những yếu kém trong quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản dẫn đến lãng phí thất thoát và hiệu quả đầu tư thấp, tăng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu. Công tác quy hoạch rất quan trọng nhưng hiện vẫn là một khâu yếu.
Tình trạng tồn tại phổ biến hiện nay là lập quy hoạch chỉ để đủ thủ tục xin đầu tư, quyết định kế hoạch đầu tư chưa chuẩn bị được chu đáo, thiếu căn cứ khoa học, thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đô thị. Việc phê duyệt thực hiện quy hoạch, kế hoạch còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch của nhiều địa phương còn thấp, thiếu dân chủ, thiếu tính khả thi, tình trạng quy hoạch treo, thiếu công khai, thậm chí dấu quy hoạch để vụ lợi còn diễn ra trên diện rộng.
Các ngành, các cấp cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, coi trọng chỉ đạo xây dựng cơ bản và tổ chức thực hiện quy hoạch, coi quy hoạch là cơ sở để xúc tác, để xây dựng các kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản phát triển của Bộ, của ngành và địa phương. Một vấn đề khác đó là cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật còn sơ hở, trùng chéo, thậm chí có mâu thuẫn với nhau, thủ tục còn rườm rà, thời gian xem xét hồ sơ để đưa ra các quyết định thì kéo dài. Chúng ta đang thiếu một quan niệm thống nhất về đầu tư xây dựng cơ bản, không phân định rõ quản lý đầu tư và quản lý xây dựng… Những yếu kém trong quy hoạch, trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản dẫn đến lãng phí thất thoát và hiệu quả đầu tư thấp, nhiều dự án trong tình trạng nằm “chờ vốn” kéo dài, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, làm tăng bộ chi ngân sách, tăng lạm phát, tăng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, làm méo mó bức tranh phát triển của đất nước, hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
"Chính phủ chủ quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có phần dễ dãi", đây là cảm giác chung của các đại biểu Quốc hội về sự chuẩn bị của Chính phủ trong đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã. Đồng tình với chủ trương đổi mới của Chính phủ trong đề án này nhưng về cách thức chuẩn bị Đề án, đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ chưa chỉ ra được những ưu việt của mô hình mới, trước là để đại biểu nghiên cứu, biểu quyết, sau đó để tuyên truyền rộng rãi trước nhân dân. Phạm vi thực hiện thí điểm là quá rộng, chỉ nên tổ chức ở một phạm vi hẹp vừa đủ để có thể chấp nhận được kết quả thí điểm. Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân - những đối tượng chính sẽ bị điều chỉnh bởi Đề án này nhằm phát huy tính dân chủ.
Cũng trong tuần, Quốc hội hảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị; dự thảo luật bồi thuờng Nhà nước và thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009…