Sau cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, đã có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, chế độ sở hữu và cơ chế quản lý doanh nghiệp, dẫn đến vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong một số doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên có 62 chi, đảng bộ trực thuộc, trong đó có 47 đơn vị được chuyển đổi sang mô hình mới (43 đơn vị chuyển sang công ty cổ phần, 4 đơn vị là công ty TNHH một thành viên). Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, về cơ bản bộ máy cán bộ lãnh đạo chủ chốt vẫn tiếp tục tham gia lãnh đạo đơn vị, vì vậy qua khảo sát đánh giá hàng năm của Đảng bộ khối, vẫn có trên 77% số cấp uỷ chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt mỗi tháng một lần và có 76% nội dung sinh hoạt đã bám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống công nhân, lao động.
Qua khảo sát ở 38 đơn vị, hiện có 24 công ty, đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm giám đốc, tổng giám đốc, có 2 đơn vị đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐQT, về cơ bản bảo đảm tính tập trung, thống nhất cao và hiệu quả. Còn lại ở các đơn vị khác đồng chí bí thư đồng thời là giám đốc, phó giám đốc điều hành, hoặc là trưởng phòng... Theo đánh giá của Đảng uỷ Khối, số cán bộ này hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực sự phát huy đúng vai trò lãnh đạo. Đây là một trong những khó khăn mà thực tế ở một số tổ chức cở sở Đảng đang “vận dụng”. Và nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, kinh doanh... thì công tác xây dựng Đảng sẽ dễ bị lu mờ, thậm chí tiềm ẩn các nguy cơ mất dân chủ, đặc quyền, đặc lợi. Trong khi về nguyên tắc Đảng nắm công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức xây dựng và ra nghị quyết.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty CP Xi măng Cao Ngạn cho biết: “Chuyển sang công ty cổ phần, công tác cán bộ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp do Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị quyết định, Đại hội đồng cổ đông sẽ bầu ra Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị quyết định bộ máy lãnh đạo công ty (trừ công ty cổ phần Nhà nước chi phối). Như vậy dù có đủ phẩm chất chính trị nhưng không có tiền vốn, không nắm cổ phần của công ty thì không thể nắm quyền lãnh đạo, một khi phiếu biểu quyết không nắm trong tay đảng viên thì vị trí vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp hiệu quả rất thấp. Nếu trong một công ty cổ phần mà đa số đảng viên, cấp uỷ viên chỉ là người lao động mà không phải là cổ đông thì mọi ý kiến chỉ đạo chỉ đạt được ở mức tham gia và phối hợp, những chủ trương quyết sách thật sự của Công ty không phải do cấp uỷ và đảng viên quyết định”. Còn đồng chí Bí thư Đảng uỷ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Huy Hoàng phân trần: “Sẽ càng khó khăn hơn nếu như đồng chí bí thư lại không trong Hội đồng quản trị mà chỉ là trưởng một phòng nào đó của Công ty, cho dù ở đó đồng chí chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc có quan tâm tạo điều kiện thì cũng không thể nói là thuận lợi trong việc lãnh đạo và phối hợp với Hội đồng quản trị, ban giám đốc trong mọi việc, nhất là xây dựng chiến lược phát triển của công ty, việc sắp xếp bộ máy và công tác cán bộ...”.
Một trong những khó khăn nữa là: Chuyển sang công ty cổ phần đa số các doanh nghiệp đã tiến hành sắp xếp lại đội sản xuất, giảm đầu mối và số biên chế nên số đảng viên ở các bộ phận không đủ thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép hoặc phải thành lập chi bộ với nhiều đảng viên ở các bộ phận khác nhau, từ đó đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập trong việc tập trung đảng viên sinh hoạt cũng như xây dựng nội dung, chương trình sinh hoạt phù hợp cho tất cả đảng viên ở các bộ phận khác nhau.
Hiện nay ở trong các đảng bộ cơ sở các công ty cổ phần còn 80,8% số tổ sản xuất; 11% số đội sản xuất; 11,9 số phân xưởng; 51,5% số chi nhánh; 40,9% số xí nghiệp chưa có chi bộ. Thậm chí còn 22% số tổ sản xuất; 2,5% số đội sản xuất; 7,1% số phân xưởng; 3% số chi nhánh và 9% số xí nghiệp thành viên chưa có đảng viên nên đã hạn chế vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Về chất lượng đội ngũ cấp uỷ không đồng đều, qua khảo sát còn 25% số bí thư chi bộ trình độ chuyên môn trung cấp trở xuống; 64% có trình độ sơ cấp lý luận hoặc chưa qua các lớp đào tạo lý luận; 5,2% số cấp uỷ hạn chế về năng lực, phương pháp điều hành sinh hoạt chi bộ, trong đó có 0,4% xếp loại yếu kém.
Nguyên nhân là một số cấp uỷ và tổ chức đảng chưa nhận thức rõ sự thay đổi sở hữu và cơ chế quản lý, vẫn quen với cách lãnh đạo khi còn là doanh nghiệp Nhà nước; năng lực, tính tiên phong gương mẫu của một số ít cấp uỷ chi bộ trong đó có bí thư chi bộ còn hạn chế, chưa đủ sức thuyết phục dẫn đến chất lượng sinh hoạt thấp; không chủ động hoặc ít được đơn vị tạo điều kiện nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong một số công ty cổ phần bị phai nhạt.
Vậy đâu là giải pháp? Năm 2005, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 140-QĐ/TW quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước, đó là: Là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng và tuyên truyền, vận động các thành viên trong công ty thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy định của của công ty...bảo đảm lợi ích hợp pháp của cổ đông và người lao động....
Mới đây (tháng5-2008), Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó thực hiện chủ trương tiêu chuẩn hoá, nhất thể hoá chức danh cán bộ chủ chốt trong từng loại hình doanh nghiệp. Đối với công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối và không có vốn Nhà nước, cán bộ chủ chốt bổ nhiệm theo hướng Chủ tịch HĐQT, hoặc giám đốc, tổng giám đốc đồng thời là bí thư cấp uỷ.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần phát hành sách Thái Nguyên cho biết: “Ở đâu lãnh đạo công ty (HĐQT) coi trọng công tác xây dựng Đảng thì ở đó duy trì tốt nền nếp sinh hoạt dân chủ, công tác tư tưởng, giáo dục chính trị được coi trọng và phát huy trí tuệ tập thể. Đảng có một chức năng rất quan trọng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định đó là chức năng giám sát, vì vậy đảng viên phải biết nâng cao trình độ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình”.
Đồng chí Hoàng Văn Sinh, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp cho biết: “Vấn đề là sau các chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn, cấp uỷ Đảng, lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp phải vào cuộc thực sự, phải xây dựng tiêu chuẩn nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ Đảng viên phấn đấu rèn luyện để đảm bảo đủ điều kiện phẩm chất, năng lực, uy tín, tiền vốn, đủ tâm, tầm, tài để nắm quyền lãnh đạo công ty. Có như vậy tổ chức cơ sở Đảng trong công ty cổ phần mới thực hiện được vị trí vai trò của Đảng cầm quyền”.
Thực tế công tác xây dựng Đảng trong công ty cổ phần đã và đang được các cấp uỷ Đảng rất quan tâm, điều đó thể hiện bằng các chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp. Mặc dù quá trình tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn gặp khó khăn, song nếu như cấp uỷ cơ sở, lãnh đạo công ty nhận thức đúng, coi trọng công tác này đúng mức, chắc chắn sẽ bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo đúng định hướng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Muốn vậy, bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao trình độ cả về lý luận và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thực sự xứng đáng là hạt nhân chính trị, nhân tố lãnh đạo trong doanh nghiệp.