Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi dự khai mạc SEA Games 25

16:31, 09/12/2009

Sáng 9/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường sang CHDCND Lào dự lễ khai mạc SEA Games 25, sự kiện thể thao lớn nhất của Đông Nam Á mà lần đầu tiên nước bạn Lào tổ chức.

 

Chuyến thăm Lào dự khai mạc SEA Games 25 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Bouasone Bouphavanh.

 

Lào đã chuẩn bị trong 2 năm, và đến thời điểm này, tất cả đã sẵn sàng cho lễ khai mạc SEA Games 25 vào tối nay 9/12 cũng như những cuộc tranh tài đỉnh cao của thể thao Đông Nam Á kéo dài trong một tuần.

 

SEA Games 25 diễn ra từ 9- 18/12, quy tụ 4.200 vận động viên của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thi đấu ở 25 môn thể thao với 379 bộ huy chương. Năm 2009 kỷ niệm 50 năm thành lập SEA Games, và đây là lần đầu tiên CHDCND Lào đứng ra tổ chức đại hội thể thao khu vực.

 

Việc Việt Nam hỗ trợ tích cực cho Lào trong quá trình chuẩn bị tổ chức SEA Games 25 thể hiện một trong những dấu ấn của sự khởi sắc quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào vốn đang ngày càng phát triển.

 

Trong thời gian ở Lào, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo CHDCND Lào nhằm tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện và tình đoàn kết đặt biệt Việt - Lào hiện đang ngày càng khởi sắc.

 

Hiện nay, hai nước đang triển khai thực hiện Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật năm 2009. Hai bên tăng cường cơ chế tiếp xúc trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước để thống nhất và định hướng cho việc thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.

 

Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao và các cấp ngành, địa phương, đặc biệt là các chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone từ 19-22/6/2006; chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từ 10-13/10/2006 đã mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hai nước sau khi cả hai nước kết thúc thắng lợi Đại hội Đảng ở mỗi nước.

 

Tần suất các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước từ sau Đại hội Đảng ở mỗi nước năm 2006 đến nay ngày càng cao. Tất cả các đồng chí lãnh đạo hai nước đã sang thăm chính thức lẫn nhau. Gần đây nhất, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummaly Sayasone từ 23-25/4/2009 càng khẳng định sự coi trọng của các nhà lãnh đạo cấp cao Lào trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam.

 

Về biên giới, hai bên đang xúc tiến triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới trên toàn tuyến. Dự án về hợp tác phát triển và ổn định vùng biên giới cũng như quản lý xuất nhập cảnh hai nước tiếp tục được thực hiện. Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Lào được duy trì chặt chẽ. Tới nay, hai bên đã tiến hành 5 kỳ giao lưu hàng năm với hiệu quả thiết thực.

 

Quan hệ kinh tế hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào trong 9 tháng năm 2009 đạt 310 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 125 triệu USD và nhập khẩu khoảng 185 triệu USD.

 

Con số kim ngạch thương mại song phương sẽ ngày một tăng, đến năm 2010 phấn đấu đạt 1 tỷ USD, năm 2015 tăng gấp đôi (đạt 2 tỷ USD), năm 2020 đạt 5 tỷ USD.

 

Tháng 1/2009, hai bên đã ký bản thỏa thuận về ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt - Lào năm 2009, tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế từ 0-50% đối với mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm tới thị trường Lào. Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì ở một trong 3 vị trí dẫn đầu về đầu tư tại Lào.

 

Trong những lĩnh vực hợp tác thì giáo dục đào tạo là lĩnh vực hợp tác lâu dài, chiếm tới gần 50% số vốn Việt Nam viện trợ hàng năm cho Lào. Năm 2009, Việt Nam dành 650 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam theo chương trình đại học, sau đại học và bồi dưỡng ngắn hạn. Hợp tác giữa các địa phương cũng được chú trọng thúc đẩy, đặc biệt là khu vực giáp biên và giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh với Vientiane, Champasak, Khamoune.

 

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như hợp tác trong Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia...