Hiệu quả từ việc phát huy quyền làm chủ

08:17, 10/01/2010

3 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2006-2010”  đã cho thấy hiệu quả thiết thực trên tất cả các mặt hoạt động. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ đều xây dựng được kế hoạch, tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung, nhiệm vụ của Đề án tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên...

 

Mỗi địa phương chọn từ 3-5 đơn vị để chỉ đạo điểm nhân ra diện rộng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như: thành lập tổ công tác, xây dựng các mô hình mang tính đặc thù từng vùng miền để kết hợp chỉ đạo nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên, T.P Thái Nguyên đã gắn với việc triển khai, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ với tổ chức các lớp tập huấn về công tác dân vận và MTTQ, các đoàn thể cho đội ngũ làm công tác này ở cấp huyện, xã. Đây là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân cùng thực hiện. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngày càng được các địa phương chú trọng. Các chủ trương, kế hoạch sau khi công khai bàn bạc đều được nhân dân đồng tình, phấn khởi đón nhận và ủng hộ. Từ đó tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong xã hội.

 

Thực hiện chủ đề năm 2009 của tỉnh là năm đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó lấy giao thông là đòn bẩy để thu hút đầu tư, các cấp chính quyền, ban, ngành của tỉnh và địa phương tập trung chỉ đạo, công khai để nhân dân biết được chủ trương của tỉnh. Các dự án triển khai đều được công khai phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư….Các hộ dân nằm trong vùng dự án bị ảnh hưởng phải thu hồi đất, di dời đều nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thuận thực hiện. Điều đó thể hiện rõ ở việc các địa phương tổ chức làm đường giao thông, công trình thuỷ lợi, nhà văn hoá, sau khi dân chủ bàn bạc với nhân dân, các hộ dân đều hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào rộng lớn có sức lan toả mạnh. Riêng năm 2009, nhân dân toàn tỉnh đã hiến hơn 600 nghìn m2 đất để làm đường giao thông, trình nhà văn hoá… tiêu biểu trong phong trào này là các huyện Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, T.P Thái Nguyên.

 

Nói về việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, anh Đào Văn Quân, Trưởng xóm Thống Nhất, xã Đức Lương (Đại Từ) cho rằng: “Xóm có 70 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Mặc dù điều kiện kinh tế các hộ trong xóm rất khó khăn, song khi xóm tổ chức họp dân triển khai chủ trương xây dựng nhà văn hoá để làm nơi sinh hoạt của cả cộng đồng, bà con rất phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình. Mỗi hộ đóng góp 60 nghìn đồng, chưa kể ngày công lao động. Sau hơn 2 tháng thi công, công trình hoàn thành. Ngày khánh thành nhà văn hoá cũng là ngày hội của cả xóm. Thông qua việc xây dựng công trình, tôi thấy tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt. Hay như khi xã có chủ trương làm đường cấp phối về xóm. Mặc dù đây là nguồn vốn Chương trình 135, nhân dân không phải đóng góp đối ứng, nhưng xóm vẫn tổ chức họp dân, thông báo về kế hoạch, phương án xây dựng. Các hộ dân đều hiểu công trình này là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng kinh tế khó khăn, vì thế các hộ trong xóm đều tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công, để con đường hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”.

 

Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” cho thấy việc thực hiện ở các địa phương còn chưa đồng đều, nhất là đối với các doanh nghiệp, công ty cổ phần. Vai trò giám sát của MTTQ, đoàn thể, ban thanh tra nhân dân chưa đủ mạnh, còn thiếu cơ chế, điều kiện hoạt động, năng lực và trình độ của cán bộ còn nhiều hạn chế, kết quả giám sát chưa cao…Vì thế, trong thời gian tới, từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt tới cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững và nhận thức đầy đủ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quá trình triển khai, thực hiện dân chủ ở cơ sở. Gắn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện cải cách hành chính nhằm xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện. Mở rộng dân chủ để tạo cơ chế cho nhân dân tự bàn bạc và quyết định trực tiếp các công việc của nội bộ cộng đồng dân cư.

 

Đối với khu vực doanh nghiệp cần chú trọng vận động cán bộ, công chức, người lao động phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2010 của tỉnh là “Phát triển kinh tế công nghiệp và làng nghề; xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ là khâu đột phá; tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; chỉ đạo tổ chức thực hiện thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII”.