Với những nền tảng được tạo dựng từ 35 mùa xuân chiến thắng, Kon Tum đang tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế
Ngày 16/3/1975 đã đi vào lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum như một dấu son chói ngời. Đó là ngày Kon Tum hoàn toàn giải phóng. Cùng với chiến thắng của các tỉnh Tây nguyên, việc giải phóng Kon Tum góp phần vào thắng lợi vẻ vang cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 35 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kon Tum đoàn kết một lòng, phát huy trí tuệ, sức lực; ra sức xây dựng quê hương ngày càng ổn định và phát triển.
Giữa tháng 3 đầy nắng, cánh đồng Kon-Trang-Kla, xã Đắk La, huyện Đắk Hà giống như một bức tranh nên thơ, giữa một vùng dân cư trù phú, với những ngôi nhà xây san sát và những vườn cây ăn trái xanh tươi. 200 ha đầm lầy hoang vu, ngổn ngang bom đạn sau ngày giải phóng, nhờ mồ hôi và máu của biết bao người khai phá, giờ đã trở thành vựa lúa, năng suất bình quân đạt từ 7- 8 tấn/ha.
Ông Hồ Mạnh, người dân thôn 1, xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum nhớ lại: “Cánh đồng này năm xưa toàn sình lầy, rừng, cây, là những hố bom chiến tranh để lại. Năm 1972, khu vực này là ranh giới nên bom đạn ném xuống rất nhiều. Trong quá trình khai hoang, cải tạo có mồ hôi công sức của nhân dân rất nhiều”.
Ngoài cánh đồng Kon-Trang-Kla, ngay những năm sau giải phóng, nhiều công trình thiết yếu khác cũng được nhanh chóng xây dựng, như cánh đồng Bà Tri, cánh đồng Hà Ra, công trình thuỷ lợi Đắc Uy… Đói rét, bệnh tật, sợ hãi, nhanh chóng bị đẩy lùi. Từ hoang tàn của chiến tranh, vùng đất Đắk Hà nhanh chóng vươn lên thành một điểm sáng kinh tế-xã hội trong toàn tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Tháng 10/1991, tỉnh Kon Tum được tái lập, trên cơ sở tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Với 57% dân số là bà con dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo đói cao, tỉnh xác định việc đầu tư để nâng cao mọi mặt đời sống cho bà con là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Giai đoạn 1998-2008, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 550 tỷ đồng từ các chương trình quốc gia và chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số này, phải kể đến hơn 310 tỷ đồng từ chương trình 135, đã được dùng để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, công trình thủy lợi nhỏ, trường học...; đồng thời hỗ trợ giống cây trồng, nông cụ sản xuất góp phần cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí ở các thôn làng.
Với những chương trình đầu tư lớn của Chính phủ vào lĩnh vực giao thông, đường Hồ Chí Minh đã nối Kon Tum với các tỉnh miền Trung. Các tuyến giao thông trọng yếu như quốc lộ 24, đường 40, các tuyến tỉnh lộ, đường đô thị Kon Tum và cả các tuyến vùng sâu vùng xa khó khăn trở ngại thuộc huyện Tu Mơ Rông, KonPlong, Đắk Glei… được cải tạo, nâng cấp, mở ra hướng phát triển thuận lợi cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng Kon Tum ổn định, phát triển. Giai đoạn 2006 -2009, tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 14,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 630 USD/năm, hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống dưới 20%.
Tập trung khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ổn định và hình thành hơn 16.000 ha lúa nước, hơn 10.000 ha cà phê, gần 32.000 ha cao su… Khu vực biên giới Mô Rai xa xôi của huyện Sa Thầy hôm nay cũng đã trở thành một vùng cao su trọng điểm, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp, như Công ty Cổ phần cao su Sa Thầy, Công ty TNHH Một thành viên Chư Mom Ray, làng thanh niên lập nghiệp, Công ty Cổ phần cao su Đắk Lắk. Ông Võ Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy khẳng định: “UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển cây cao su trong những năm tới; tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi dần đất trồng mì bạc màu sang phát triển cây cao su; Lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ giống, phân bón cho bà con phát triển cây cao su; Phối kết hợp với các ngành của tỉnh để mở các lớp tập huấn về kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng và chăm sóc cây cao su cho bà con; Nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế giỏi của các hộ nông dân”.
Đến nay, Kon Tum đã xác định được 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y gắn với huyện Ngọc Hồi; khu du lịch sinh thái Măng Đen gắn với huyện lỵ KonPlong; khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai gắn với thành phố Kon Tum. Trong đó, Khu sinh thái Măng Đen và cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang trong giai đoạn khởi động. Các khu công nghiệp ở thành phố Kon Tum bước đầu đi vào ổn định, với 90 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng…
Với những nền tảng được tạo dựng từ 35 mùa xuân chiến thắng, Kon Tum đang tự tin, vững bước vào Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 14 nhiệm kỳ năm 2010 - 2015. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế chính là mục tiêu trọng tâm hàng đầu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng tới. Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: “Tỉnh uỷ đã có nghị quyết về xác định 3 vùng động lực kinh tế là Măng Đen, Khu cửa khẩu quốc tế Bờ Y và vùng kinh tế năng động thành phố Kon Tum. Những năm qua tỉnh đã đầu tư nhiều nguồn lực, kêu gọi đầu tư để phát triển 3 vùng này. Ngoài ra chúng tôi còn chú trọng phát triển nông lâm nghiệp. Trong đó, chúng tôi sẽ phát triển cao su là cây thế mạnh. Ngoài các công ty, nông trường trồng tập trung thì chúng tôi phát triển theo hướng cao su tiểu điền. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ra một nghị quyết về hỗ trợ lãi suất đối với những hộ đầu tư vào trồng cao su tiểu điền”.
Tự hào về bề dày văn hóa đặc sắc, truyền thống Cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Kon Tum đang sát cánh kề vai, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng vùng cực bắc Tây Nguyên phồn vinh, vững mạnh; góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo./.