Nhớ ngày Bác về thăm bệnh viện

14:48, 13/03/2010

50 năm đã trôi qua nhưng các thế hệ cán bộ công nhân viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên không thể nào quên dấu ấn ngày 13/3/1960 - ngày Bác Hồ về thăm bệnh viện.

 

Hình ảnh của Bác và những lời căn dặn ân cần của Người ngày ấy như vẫn đâu đây, tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ cán bộ bệnh viện gắn bó với nghề, dốc lòng phục vụ người bệnh, xứng đáng với sự quan tâm và lòng tin yêu của Bác

 

Tháng 7/1951, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập Bệnh viện Liên khu Việt Bắc để “phục vụ y tế dân công, phục vụ kháng chiến kiến quốc”. 19 tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc đã được Bệnh viện đào tạo cán bộ y tế và chỉ đạo công tác y tế dân công phục vụ kháng chiến kiến quốc.

 

Hòa bình lập lại, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, ngày 1/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 268/SL thành lập Khu tự trị Việt Bắc, từ đó Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc với nhiệm vụ khám chữa bệnh tuyến cuối cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Cũng từ đó, người dân Việt Bắc có Bệnh viện chăm lo sức khỏe. Bệnh viện khu tự trị Việt Bắc là niềm tin cậy của nhân dân trong khám chữa bệnh và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh.

 

Ngày 13/3/1960, là một ngày đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã về thăm Bệnh viện khu tự trị Việt Bắc. Giản dị trong bộ ka ki, Bác ân cần thăm hỏi mọi người, Bác không vào Hội trường mà đến với khoa Nhi trước, nơi đang điều trị các cháu nhỏ bị bệnh. Tại đây, Bác căn dặn các cán bộ y tế “Phải chăm lo chữa bệnh cho các cháu chóng béo khỏe”. Khi tới thăm các bệnh nhân tại khoa Ngoại, Bác dừng lại rất lâu để động viên một bệnh nhân bị bỏng nặng, người bệnh từ chỗ ngỡ ngàng vì bất ngờ được gặp Bác, rồi đến xúc động nghẹn ngào khi được nghe Bác hỏi: “Hiện giờ cháu có đau đớn lắm không?”, sự lo toan, ân cần ấy đã xóa đi khoảng cách giữa một vị lãnh tụ với người dân bình thường, làm cho người bệnh thấy gần gũi, thân thương. Tình cảm và sự quan tâm ấy như một liều thuốc quí nâng đỡ tinh thần người bệnh.

 

Đến thăm Bệnh viện, từ lãnh đạo đến nhân viên, từ bác sĩ đến y tá, hộ lý đều được Bác hỏi thăm, động viên, khích lệ, được Bác trao đổi về chế độ thuốc men, chăm sóc y tế cho bệnh nhân. Bác căn dặn “Người ốm thường khó tính, phải nấu thức ăn thế nào cho ngon miệng, người bệnh mới ăn được, mà có ăn được người bệnh mới mau khỏi”.

 

Từ khi  Bác về thăm, Bệnh viện như được tiếp thêm luồng sinh khí mới trong phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bệnh viện luôn luôn là tâm điểm chăm sóc và phục vụ sức khỏe cho nhân dân các dân tộc, các tỉnh trong khu vực.

 

Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc, Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc có thêm nhiệm vụ mới phục vụ và tham gia chiến đấu, cấp cứu phòng không, cứu chữa người bị thương do giặc Mỹ ném bom sát hại. Nhiều cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất ác liệt đã được cán bộ công nhân viên Bệnh viện tổ chức thực hiện xuất sắc. Ngày 17/10/1965 giặc Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy, 280 người bị thương được đưa tới Bệnh viện, các cán bộ y tế Bệnh viện đã làm việc quên mình cứu chữa từng người, khắc phục thương vong.

 

Ngày 23/7/1968, phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi được thành lập, Bệnh viện được trao thêm nhiệm vụ là nơi thực hành chính của nhà trường. Những sinh viên y khoa, bác sĩ tân khoa là con em nhân dân các dân tộc các tỉnh Miền núi phía Bắc và cả các bác sĩ chuyên tu Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từng được thực hành chuyên môn, tu nghiệp tại bệnh viện, có kiến thức chuyên môn vững vàng và mang theo mình hành trang là tình cảm và những lời căn dặn của Bác Hồ về phục vụ quê hương, phục vụ các chiến trường.

 

Ngày 26/3/1976 Bộ Y tế có quyết định số 275/BYT-QĐ tiếp nhận Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc và đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. 20 năm sau, do yêu cầu nhiệm vụ và quản lý  ngày 29/4/1997 Bộ Y tế có quyết định 747/BYT-QĐ đổi tên Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

 

Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc xưa giờ đã trở thành Bệnh viện Đa khoa Trung ương hạng I, với 800 giường bệnh, 38 khoa phòng và trung tâm; 812 CBVC. Trong đó có: 2 Phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 59 thạc sĩ, 6 bác sĩ CKII, 31 bác sĩ CKI, 115 bác sĩ, 4 dược sĩ CKI, 4 dược sĩ đại học và hàng trăm các điều dưỡng đại học, cao đẳng, trung học khác. Bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc; là bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đào tạo các thầy thuốc có trình độ đại học và trên đại học; nghiên cứu khoa học về sức khỏe và bệnh tật người dân Miền núi.

 

Trong những năm qua, bệnh viện không những là địa chỉ tin cậy của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, tật mà còn là nơi đào tạo, nâng cấp trình độ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực. Ngoài ra bệnh viện còn thường xuyên cử các đoàn cán bộ y tế về các vùng căn cứ địa Cách mạng năm xưa, những vùng còn nhiều khó khăn để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân

 

Trong khám chữa bệnh hàng ngày bệnh viện khám từ 800 đến 1.000 người bệnh, điều trị nội trú thường xuyên từ 700 - 900 bệnh nhân, điều trị ngoại trú cho hơn 2.000 người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, hen phế quản.

 

Đặc biệt thực hiện Cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với truyền thống là đơn vị được Bác về thăm, mỗi cán bộ công nhân viên  Bệnh viện học tập tư tưởng của Bác dường như sâu sắc hơn; làm theo tấm gương Bác Hồ sát thực, hiệu quả hơn; noi gương Bác Hồ được tự giác, thường xuyên hơn. Do đó, những năm qua, Bệnh viện đã duy trì tốt các kỹ thuật tiên tiến  phục vụ người bệnh như: Phẫu thuật cột sống, phẫu thuật Phaco, phẫu thuật nội soi các bệnh lý về tim mạch, tiết niệu, sản phụ khoa, tai mũi họng; xử trí chảy máu dạ dày qua nội soi; xạ trị colbalt 60 điều trị ung thư; điều trị Baserdow bằng Iot 131. Tiến hành lọc máu liên tục, thay máu sơ sinh. Triển khai các kỹ thuật mới như: Phẫu thuật thay khớp háng bán phần và toàn phần, mổ dẫn lưu não thất; mổ vá khuyết hổng hộp sọ; phẫu thuật nối lệ tỵ một thì trong chấn thương đứt lệ quản, mổ quặm thẩm mỹ 2 mí; phẫu thuật lấy dị vật xuyên não, phẫu thuật điều trị nội soi ổ khớp; mổ nối đứt rời cánh tay, cẳng tay, bàn tay; mổ khối u nội sọ…

 

Thực hiện lời Bác dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đội ngũ y, bác sĩ luôn gần gũi người bệnh, lắng nghe sự phản ánh của người bệnh; hướng dẫn dùng thuốc chu đáo cho bệnh nhân; thực hiện chăm sóc toàn diện để  người bệnh thêm tin tưởng, gần gũi với thầy thuốc và nhân viên y tế.

 

Trong hoạt động hàng ngày, noi theo tấm gương của Bác, Bệnh viện triệt để thực hành tiết kiệm; sử dụng hợp lý vật tư tiêu hao; sử dụng có hiệu quả trang thiết bị; hạch toán chi phí đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Cũng chính từ những việc làm đó, sơ kết hai năm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên là một trong 63 đơn vị có thành tích tiêu biểu được nhận phần thưởng của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 2009, Bệnh viện đã được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Cờ thi đua xuất sắc; Bộ Y tế công nhận là Bệnh viện xuất sắc toàn diện.

 

Hôm nay tròn 50 năm ngày Bác về thăm Bệnh viện, mỗi cán bộ công nhân viên ở đây lại xúc động bồi hồi khi nghĩ đến công lao trời biển của Người và thầm hứa sẽ cố gắng hết sức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với tình cảm, niềm tin yêu của Bác.