Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cựu chiến binh

10:20, 07/03/2010

Toàn văn kết luận quan trọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới

 

Ngày 4/3, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Sau đây là toàn văn Kết luận quan trọng này:

 

Sau khi xem xét báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận như sau:

 

I. Tình hình thực hiện Nghị quyết

 

Sau khi có Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, các cấp uỷ đảng đã có nhiều biện pháp tích cực lãnh đạo, triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác cựu chiến binh.

 

Quán triệt các quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Cựu chiến binh Việt Nam ngày 18/10/2005; Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cựu chiến binh; ban hành chính sách đối với quân nhân tham gia chống Pháp, chống Mỹ chưa được hưởng chế độ, tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động của Hội Cựu chiến binh, kịp thời động viên, phát huy được vai trò của cựu chiến binh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc, hoạt động có hiệu quả, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ chế độ, góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội; giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; vận động, tập hợp, phát huy vai trò tích cực của cựu quân nhân ở cơ sở; tham gia công tác đối ngoại nhân dân...

 

Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục khẳng định là một đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, được cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao; nhất là việc tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở và hoà giải trong nhân dân.

 

Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục, đó là:

 

- Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, một số ít cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm của Đảng về cựu chiến binh và công tác cựu chiến binh, chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên việc triển khai thực hiện Nghị quyết nên kết quả còn hạn chế.

 

Sự phối hợp của một số cơ quan chức năng trong hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh chưa chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, có mặt chưa phù hợp với thực tiễn; một số nơi triển khai chậm, chưa thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh.

 

- Hội cựu chiến binh một số nơi quán triệt chưa sâu sắc chức năng, nhiệm vụ của Hội nên thiếu tích cực, chủ động trong việc tham mưu với cấp uỷ đảng, phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể. Tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh chưa được rộng khắp trong các cơ quan, doanh nghiệp, chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; còn một số ít cựu chiến binh thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới.

 

II. Nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết

 

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) và Kết luận này của Ban Bí thư (khoá X), tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hôi các cấp, của cán bộ, đảng viên đối với công tác cựu chiến binh và hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã nêu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

2. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của cựu chiến binh trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân...góp phần bảo đảm sự đồng thuận xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

 

3. Các cấp uỷ đảng chỉ đạo hội cựu chiến binh cùng cấp chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết, liên tịch phù hợp với chức năng, nhiệm cụ của hội; xác định rõ trách nhiệm, cơ quan chủ trì; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả.

 

4. Kết hợp chặt chẽ việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", động viên cựu chiến binh nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới.

 

5. Chăm lo xây dựng tổ chức hội cựu chiến binh trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động. Chú trọng tới các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các đơn vị sự nghiệp và các loại hình doanh nghiệp đang còn lúng túng trong tổ chức và hoạt động. Tích cực tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân.

 

6. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới.

 

III. Tổ chức thực hiện

 

1. Các cấp uỷ đảng, Đảng đoàn Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh căn cứ nội dung Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng để triển khai tổ chức thực hiện.

 

2. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, ngày 12/12/2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cựu chiến binh để bổ sung, điều chỉnh chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cựu chiến binh và hội cựu chiến binh thực sự đi vào cuộc sống.

 

3. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế ở các cấp hội cho phù hợp; cơ cấu nhân sự tham gia cấp uỷ cơ sở; tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; chế độ tiền lương, phụ cấp của cán bộ quân đội đã nghỉ hưu tham gia công tác hội các cấp cho phù hợp với đặc thù của Hội Cựu chiến binh và Luật Cán bộ, công chức.

 

4. Hội cựu chiến binh chủ động tham mưu với cấp uỷ đảng, làm nòng cốt tập hợp, đoàn kết, vận động cựu chiến binh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 08/01/2002 của Bộ Chính trị (khoá IX) và nội dung Kết luận này của Ban Bí thư (khoá X), xây dựng thành chương trình, kế hoạch hoạt động ở từng cấp.

 

Hội Cựu chiến binh chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các ngành chức năng cùng cấp làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để tập hợp những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương, đơn vị sinh hoạt trong các câu lạc bộ cựu quân nhân ở cơ sở. Chính quyền địa phương, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để các câu lạc bộ cựu quân nhân ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.

 

5. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kết luận, hằng năm, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; định kỳ 3 năm tiến hành sơ kết và sau 5 năm tổ chức tổng kết trên phạm vi toàn quốc.

 

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ.