Còn đây di tích Chín hầm

09:37, 22/04/2010

Khu nhà tù Chín hầm được xây dựng tại núi Ngũ Phong và chỉ cách trung tâm T.P Huế khoảng 3km về phía Tây Nam nhưng suốt 5 năm tồn tại mà nhân dân Huế nói riêng và cả miền Nam nói chung không hề biết tới nơi "địa ngục trần gian" này.

 

Trước năm 1941, tại khu vực chân núi Ngũ Phong, thực dân Pháp đã xây dựng thành các hầm chứa vũ khí để cất giấu súng đạn chống lại phát xít Nhật. Đến đầu năm 1958, lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn thành công trong việc bắt giữ những cán bộ cộng sản nằm vùng và phá tan nhiều cơ sở cách mạng của ta từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Sài Gòn vào đến tận miền Tây Nam Bộ nên anh trai là tổng thống Ngô Đình Diệm rất hài lòng. Từ đó, Diệm đồng ý cho Ngô Đình Cẩn lập ra tổ chức mật vụ riêng mang tên "Đoàn công tác đặc biệt miền Trung và hải ngoại" hoạt động không chịu sự quản lý của chính quyền ngoại trừ thực hiện lệnh của Diệm. Trong thời gian ngắn, tổ chức mật vụ miền Trung đã xây dựng công khai và bí mật nhiều nhà tù xuyên quốc gia với các tên gọi khác nhau như: Trại Cần Thơ, trại Mang Cá, trại Vân Đồn và nổi tiếng nhất là khu nhà tù Chín hầm.

 

 Tại khu nhà tù Chín hầm, 8 cái hầm nằm trong lòng đất dùng để chứa súng đạn của Pháp trước đây được Ngô Đình Cẩn sai tay chân gia cố lại bằng những bức tường bê tông dày tới gần 1m và hệ thống cửa sắt kiên cố, nhiều tầng lớp. Đường đến các hầm được thiết kế lòng vòng qua các thung lũng của núi Ngũ Phong nên khi tù nhân được vận chuyển từ hầm này sang hầm khác không định hướng được mình bị đưa đi đâu, ở đâu. Mỗi hầm được thiết kế dài 10m, rộng 7m và được chia nhỏ thành từng buồng giam rộng khoảng 3m2 nên khi đóng cửa hầm lại người tù chỉ thấy một màu đen như mực, không phân biệt được ngày hay đêm. Trên đỉnh núi Ngũ Phong, Ngô Đình Cẩn cho xây dựng căn hầm thứ 9 để phục vụ cho việc quan sát và cũng là nơi Cẩn lên hóng gió, "thưởng thức" thành quả đàn áp phong trào yêu nước ở miền Nam và công trình đày ải con người này…

 

Hôm nay, đi giữa bạt ngàn màu xanh của thông và rực rỡ  sắc màu của nhiều loài hoa mọc tự nhiên trên núi Ngũ Phong, bước chân của chúng tôi cứ nặng dần vì đến mỗi hầm lại nghe ông Phan Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử Chín hầm nói về những hành động dã man, tàn ác của Ngô Đình Cẩn và bọn tay sai: Hầm số 1 được xây dựng ngay dưới chân núi, có độ âm nên lúc nào cũng ẩm ướt, nhớp nháp, Ngô Đình Cẩn còn sai cai ngục đổ thêm những thứ hôi thối, bẩn thỉu vào hầm nên chỉ sau một thời gian ngắn người tù bị lở loét đầy người. Căn hầm số 2 được xây dựng cao hơn nhưng cũng tối tăm và ngoài việc tù nhân bị tra tấn đến tan xương nát thịt, bị bỏ đói, bọn cai ngục còn thả rắn rết, chuột vào từng buồng giam rồi đóng cửa lại… Hầm số 8 thiết kế đặc biệt nhất để giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước. Tại đây Cẩn cho xây dựng phòng giam kiên cố bằng sắt thép, trong hầm chia ra thành các phòng nhỏ chỉ đủ chỗ kê một tấm ván rộng gần 90cm, dài 2m và chiếc xô để người tù đi vệ sinh. Những người tù đưa vào hầm số 8 không nhìn thấy ánh sáng trừ lúc cai ngục mở cửa vào tra tấn, hành hạ. Đồ ăn của tù nhân ở hầm số 8 không ôi thiu thì cũng bị cai ngục trộn lẫn 2 phần cơm và muối bằng nhau nên để nhuốt được người tù phải vo thành từng viên nhỏ rồi tự tay tọng sâu vào trong họng mình và nhắm mắt lại để cục cơm trôi xuôi… Trước sự tra tấn, hành hạ không còn nhân tính của Ngô Đình Cẩn và tay sai nhưng 12 chiến sĩ cách mạng bị nhốt trong hầm số 8 không ai đầu hàng cho dù có những người bị tra tấn, bỏ đói đến chết.  Trước khi nhắm mắt, các chiến sĩ cộng sản vẫn vận hết sức lực hô to: Anh em ơi hãy kiên trung, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng! Và đã có 9 cán bộ của ta bị giam trong hầm số 8 lần lượt hy sinh vì đòn roi của quân thù hoặc kiệt sức.

 

Trong cuốn hồi ký "Sống trong mồ" của ông Nguyễn Dân Trung (là 1 trong 3 người tù ở hầm số 8 còn sống) đã ghi lại trên 3.000 câu thơ của 12 đồng chí khi bị giam cầm ở nhà tù Chín hầm. Những vần thơ thể hiện sự hiên ngang, quật cường của những người chiến sĩ cộng sản và cả những lời trăn trối vọng lên trang nghiêm mà thống thiết: "Các anh ơi! Cố sống thoát một người; Về với đồng bào dù chỉ một người thôi; Để tố cáo kiểu hầm giam vô cùng tàn bạo"...

 

Nơi đau thương này hiện đã được tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) xây dựng thành Khu tưởng niệm và Tượng đài bất khuất di tích lịch sử Chín hầm để làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.