Đà Nẵng sau 35 năm giải phóng

15:59, 18/04/2010

Sau khi ta giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tam Kỳ, tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh của địch ở Đà Nẵng đã bị cô lập. Mặc dù vậy, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân đoàn 1 và quân khu 1 của địch vẫn khẳng định với giới quan chức ngụy quyền ở Sài Gòn rằng đây là cứ điểm bất khả xâm phạm, quân Bắc Việt không thể đánh chiếm.

 

Ngay sau đó, Ngô Quang Trưởng đã bố trí lại lực lượng gồm trên 74.000 quân chính quy và khoảng 60.000 dân phòng có trang bị súng đóng ở các vị trí then chốt tại Đà Nẵng. Sư đoàn thuỷ quân lục chiến của địch được tướng Trưởng lệnh chốt chặn tại cứ điểm quan trọng ở phía Tây Bắc Hoà Vang, liên đoàn biệt động quân số 12 chốt chặn tại Phú Lộc… Quân đông và được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân do Mỹ trang bị nên Ngô Quang Trưởng hy vọng cứ điểm Đà Nẵng sẽ cầm cự để rồi từng bước tái chiếm lại những vùng đất vừa mất. Nhưng y không ngờ đúng 7 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, Quân đoàn 2 - đơn vị chủ lực của ta - đã tấn công từ đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, các mũi giáp công khác đồng loạt nổ súng, lực lượng quân sự - chính trị tại địa phương cũng đã nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trong toàn thành phố. Qua hơn 4 tiếng tấn công dồn dập, đến 11 giờ 30 phút, Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 73.000 tên địch, thu giữ toàn bộ phương tiện, vũ khí của chúng...

 

Những ngày tháng Tư lịch sử này, trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn cán bộ của Báo Thái Nguyên đã có chuyến đi thực tế xuyên Việt để tuyên truyền về sự kiện trọng đại này của dân tộc cũng như sự bứt phá vươn lên của các tỉnh, thành phương Nam kể từ sau ngày giải phóng. Đối với Đà Nẵng, xe ô tô vừa qua hầm đường bộ Hải Vân, các thành viên trong đoàn đã thấy từ xa các toà nhà cao tầng và những khu phố hiện đại chạy dài bên bãi biển xanh ngắt. Tuy nhiên, do hành trình đã bố trí nên chúng tôi qua đường Hồ Chí Minh để đến với các tỉnh Tây Nguyên trước và khi quay ra Bắc mới có dịp ghé vào T.P Đà Nằng.

 

Từ Quốc lộ 1 nối vào T.P Đà Nẵng là một đại lộ với 4 làn xe và càng vào gần, sự hiện đại,  sự phồn thịnh lại hiện hữu rõ hơn trước mắt chúng tôi. Đến trung tâm Thành phố, các thành viên trong đoàn có những cảm nhận rất khác nhau về Đà Nẵng: Người đã đến giờ trở lại thật sự bất ngờ bởi Thành phố có quá nhiều đổi thay, còn người lần đầu đặt chân đến đây thì khẳng định thông tin qua các cuốn sách đã đọc, thông tin trên báo chí về Đà Nẵng chưa chuyền tải hết được các thành tựu to lớn của địa phương này sau 35 năm xây dựng, phát triển kể từ khi được giải phóng. Những thông tin tổng thể về Thành phố đã được các đồng nghiệp của Báo Đà Nẵng cho chúng tôi biết: Thành phố có diện tích 1.257,3 km2 với 8 quận, huyện; dân số trên 887 nghìn người; mức thu nhập bình quân là gần 2.000USD/người/năm; kim ngạch xuất khẩu đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD; thu ngân sách của Đà Nẵng đạt 8 nghìn tỷ đồng (năm 2009); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,6 tỷ USD và 2 năm liên tục Đà Nẵng được công nhân dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

 

Một trong những điều chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi ở Đà Nẵng chính là công tác quy hoạch đô thị và phát triển mạng lưới giao thông tĩnh trong nội thành. Các phân khu chức năng như: Khối cơ quan hành chính; khu thương mại - dịch vụ; khu dân cư… được Thành phố đầu tư xây dựng có sự chuyên biệt nên đô thị đông mà không ùn tắc. Các tuyến đường giao thông được thiết kế khoa học và đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại nên đã tạo ra không gian thoáng và nhiều quỹ đất có giá trị để Thành phố thu hút đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Ví dụ như hai bên bờ tả, hữu của sông Hàn, chính quyền Thành phố đã cho kè đê và làm 2 tuyến đại lộ chạy dọc theo sông, phối cảnh với đó là 3 cây cầu lớn được bắc qua sông Hàn trông xa vô cùng mỹ lệ. Cùng với đó là các đại lộ: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ và các tuyến đường vành đai cắt theo chiều dọc, chiều ngang của Thành phố nên việc đi lại ở Đà Nẵng vô cùng thuận lợi. Riêng đối với các tiềm năng du lịch về biển, rừng, di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề truyền thống, công trình thương mại… đều được T.P Đà Nẵng đánh thức và khai thác khá triệt để.

 

Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí về kinh nghiệm của Thành phố trong quá trình xây dựng, phát triển nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh đã cho biết: Thành công của Đà Nẵng hôm nay là nhờ vào đội ngũ cán bộ trong bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ cấp thành phố tới cấp phường, xã đã từng bước được chuẩn hoá và đoàn kết, thống nhất cao nên phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự. Cái được lớn hơn nữa là sự ủng hộ hết lòng của nhân dân nên các chủ trương, công trình, dự án khi Thành phố triển khai đều nhanh chóng được thực thi và mang lại kết quả cao. Ngược lại, mọi thành quả của sự phát triển đều hướng đến mục đích phục vụ nhân dân nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân Đà Nẵng ngày một tốt hơn…