Gặp người Thái Nguyên tham gia giải phóng Kon Tum

09:06, 25/04/2010

Ở cái tuổi xấp xỉ 60, nhưng trông ông còn khá rắn rỏi, nước da đen sạm, khoẻ khoắn đặc trưng của người dân vùng đất nắng gió Tây Nguyên. Ông là Trần Mạnh Long, người con của quê hương Thái Nguyên, từng sống và chiến đấu quên mình để bảo vệ mảnh đất Kon Tum trong giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, giờ là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum.

Hôm chúng tôi gặp ông, rất tình cờ lại đúng vào dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khi ông từ Kon Tum về thăm quê, thăm họ hàng, anh em đồng đội cũ tại huyện Đại Từ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, kỷ niệm năm xưa giờ lại ùa về với các ông, những cựu chiến binh đã một thời vào sinh ra tử vì tự do, độc lập của dân tộc. Hoà chung cảm xúc đó, chúng tôi được nghe rất nhiều kỷ niệm về thời gian ông Long tham gia chiến đấu giải phóng Tây Nguyên và những tháng ngày ở lại xây dựng Kon Tum, nơi ông vẫn coi là quê hương thứ hai để ra sức cống hiến và sống những năm tháng cuối đời đầy ý nghĩa.

 

Tháng 5 năm 1971, người thanh niên Trần Mạnh Long (xóm Ngọc Linh, xã Phục Linh- huyện Đại Từ) ra nhập quân ngũ, mang trong mình quyết tâm góp một phần sức lực đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương. Lúc này cả huyện Đại Từ quê ông có cả một Đại đội (120 chiến sỹ) cùng tham gia huấn luyện chuẩn bị quân lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Cả Đại đội được phiên chế vào Trung đoàn 66, đơn vị chủ công 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Được biết, cả Thái Nguyên lúc đó có một tiểu đoàn tham gia quân tăng cường vào Nam, đó là Tiểu đoàn 35B, Sư đoàn 304. Những năm tháng ông Long và đồng đội tham gia chiến đấu tại Kon Tum là một trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Long nhớ lại: Trận đánh giữ cao điểm Non Nước ở thị xã Kon Tum là trận đánh ghi đậm trong tâm trí tôi nhất. Đó cũng là trận đồng đội mình hy sinh nhiều, bản thân tôi cũng bị thương khá nặng. Đây là trận đánh mà tương quan lực lượng của ta và địch chênh lệch nhau quá lớn. Ta ít mà địch thì quá đông. Quân địch đã dùng hoả lực mạnh, chủ yếu là súng phun lửa bắn xối xả về phía quân ta hòng đẩy lực lượng ta ra khỏi cao điểm Non Nước. Lúc này tôi bị thương vào đầu và chân, không còn biết phương hướng nữa. Đáng lẽ phải lùi ra khỏi vòng vây của giặc lửa thì lại cứ chạy trở vào. Mãi sau chúng tôi mới rút được ra ngoài và bị thương rất nhiều. Sau này khi kiểm tra sức khoẻ tôi mới biết mình bị thương tật 41%. Ngoài trận đánh chốt giữ cao điểm Non Nước, ông Long còn trực tiếp tham gia đánh trận Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972 rồi những trận chiến ác liệt chốt giữ các cao điểm khác tại thị xã Kon Tum và tham gia chiến đấu giải phóng Buôn Ma Thuột cũng như cả vùng Tây Nguyên rộng lớn.

 

Sau giải phóng miền Nam, ông về quê xây dựng gia đình và tham gia khóa học 2 năm tại Trường quân chính Tây Nguyên với cấp hàm trung tá, chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Năm 1988, ông đã quyết định đưa vợ con từ Đại Từ - Thái Nguyên vào Kon Tum sinh sống. Tâm sự với chúng tôi, ông Long nghẹn ngào: Kon Tum là mảnh đất tôi gắn bó suốt quãng thời gian chiến tranh ác liệt nhất, là nơi nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại. Đây cũng là nơi tôi bị thương và có nhiều kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời. Bởi vậy, tôi đã quyết định ở lại Kon Tum để xây dựng cuộc sống gia đình và thực hiện ước nguyện chăm sóc phần mộ của những đồng đội mình đã hy sinh.

 

Một điều rất trùng lặp như là cơ duyên khi người con trai cả trong ba người con của ông Long đã ra nhập quân đội và cũng được phiên chế vào Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 Anh hùng với chức vụ chính trị viên, Phó Đại đội 14, đơn vị mà hơn 30 năm trước ông Long đã từng gắn bó. Người con gái thứ hai của ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum và người con trai út hiện làm việc tại Công ty viễn thông quân đội tại địa phương.

 

Là người nặng lòng với quê hương, nên năm nào ông Long cũng cùng vợ con lặn lội từ Kon Tum về Đại Từ thăm anh em, họ hàng và đồng đội cũ. Mỗi lần về quê, những kỷ niệm thời thơ ấu lại dội về trong ông, thôi thúc ông sống những tháng ngày còn lại thật ý nghĩa.