Gặp những người tham gia giải phóng Phú Yên

08:16, 01/04/2010

Nói đến chiến dịch giải phóng Phú Yên người ta nhớ ngay tới “Chiến dịch đường 5 Phú Yên xuân 1975”. Sự kiện quân, dân Phú Yên chặn đánh tan rã Ngụy quân ở Tây Nguyên có ý nghĩa đóng góp rất lớn vào chiến dịch thần tốc tiến quân giải phóng miền Nam. 

 

Sau khi thất thủ Buôn Mê Thuột, Tổng thống Ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co cụm về đồng bằng các tỉnh duyên hải miền Trung. “Chiến thắng đường 5 Phú Yên xuân 1975” của quân và dân ta đã phá vỡ chiến lược co cụm cố thủ tuyến duyên hải miền Trung, làm đảo lộn thế trận của ngụy quân, tạo ra thế và lực giải phóng Phú Yên, tiến tới giải phóng toàn miền Nam.

 

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, người đã tham gia giải phóng Phú Yên, những ngày này, đang bận rộn hoàn tất tham luận nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng quê hương. Ngoài 70 tuổi nhưng ông còn rất tinh anh, nhanh nhẹn. Ông say sưa kể về những năm tháng oanh liệt chiến đấu giải phóng quê hương. Ông Mười khẳng định, nói đến chiến dịch giải phóng Phú Yên là phải nhắc tới “Chiến dịch đường 5 Phú Yên xuân 1975”.

 

Ông Trần Văn Mười nhớ lại: “Nếu như chúng ta không đập tan cánh quân của Ngụy từ Tây Nguyên xuống thì chúng ta sẽ phải tổ chức phòng thủ các tỉnh duyên hải miền Trung. Tất nhiên chúng ta sẽ thắng lợi, nhưng chậm hơn và có thể sẽ đổ thêm xương máu. Cho nên, việc Phú Yên chặn đánh tan rã Ngụy quân ở Tây Nguyên có ý nghĩa đóng góp rất lớn vào chiến dịch thần tốc tiến quân giải phóng miền Nam.

 

Đúng 10 giờ sáng ngày 1/4, tỉnh Phú Yên được giải phóng trong niềm vui mừng khôn siết của người dân đất Phú. Nhắc đến thời khắc lịch sử quan trọng này, ông Nguyễn Duy Luân, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Sở Chỉ huy tiền phương xuân 1975 bồi hồi nhớ lại: “Biết chắc quân địch sẽ sớm thất bại, nên nhân dân Phú Yên luôn nóng lòng chờ đón ngày giải phóng. Chỉ một ngày sau khi giải phóng, điện lại sáng, bệnh viện, trạm xá hoạt động trở lại. Người dân hồ hởi, phấn khởi trở về quê hương, ổn định cuộc sống”.

 

Còn bà Nguyễn Thị Hiệp, năm nay 70 tuổi, nguyên là y sĩ của tỉnh đội Phú Yên. Nhớ lại niềm vui của ngày giải phóng, nhưng bà không quên nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống trong ngày vui đoàn tụ: “Bản thân tôi không nghĩ quê hương lại được giải phóng sớm như vây. Lúc nghe tin giải phóng, chúng tôi vô cùng vui mừng, ôm nhau khóc, nhưng chưa thể về nhà vì còn nhiều việc phải làm. Mình là cán bộ quân y có trách nhiệm ở lại để tiếp quản và chăm sóc bệnh binh”.

 

35 năm sau ngày giải phóng, Phú Yên bây giờ đã đổi thay, là tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế Nam Trung bộ với 3 khu công nghiệp tập trung Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc sông Cầu thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước. Các con đường số 5, số 7... một thời ác liệt nay đã là Tỉnh lộ 645, Quốc lộ 25,  được mở rộng tạo sự thông thương giữa miền xuôi với miền ngược. Những công trình thủy điện Sông Hinh, sông Ba Hạ, thủy điện Đá Đen, Krông Ba... đã và đang hòa vào lưới điện quốc gia. Phú Yên đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những địa phương đóng vai trò quan trọng trong thực hiện phát triển kinh tế xã hội khu vực duyên hải Nam Trung bộ./.