Trong sử sách, chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh ngày 21/4 là một chiến công chói lọi của quân ta trong cuộc Tổng tiến công dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
35 năm sau những ngày tháng Tư lịch sử ấy, thật may mắn cho chúng tôi khi được ông Đỗ Trung Tiến, Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Nai (nguyên cán bộ sư bộ Sư đoàn 6, Quân đoàn 4 Anh hùng, người từng tham gia trận đánh Xuân Lộc - Long Khánh suốt 12 ngày đêm khốc liệt) đưa đến thăm Tượng đài Chiến thắng Long Khánh được xây dựng uy nghi, hoành tráng ngay bên cạnh Quốc lộ 1, thuộc địa phận T.X Long Khánh hiện nay. Kể về những kỷ niệm chiến trường, ông như được trở lại với thời trai trẻ của chính mình cũng như bao đồng đội, nay người còn, người đã mất. Có lúc, giọng ông nghẹn lại bởi niềm xúc động dâng trào. Chắp nối từ những câu chuyện ông kể và tài liệu lịch sử của Quân đoàn 4 giúp chúng tôi phần nào hình dung rõ hơn về một chiến thắng đã xé toang “cánh cửa thép” của địch, để đại quân ta nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn 35 mùa xuân trước…
Sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tháng 3/1975, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung lần lượt được giải phóng. Sài Gòn bị uy hiếp. Trước tình thế đó, quân địch đã quyết định xây dựng các tuyến phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc ở phía đông trên trục đường số 1 dẫn vào Sài Gòn. Đây là hai tuyến phòng thủ trọng yếu của địch hòng ngăn chặn cuộc Tổng tiến công vũ bão, thần tốc của đại quân ta. Phòng tuyến Xuân Lộc cách Sài Gòn 80km được quân địch xem là "cánh cửa thép" cuối cùng bảo vệ đầu não của chúng. Mất Xuân Lộc là mất tất cả. Vì vậy, chính quyền Sài Gòn đã tập trung mọi nỗ lực cuối cùng hòng giữ cho được Xuân Lộc để tìm giải pháp chính trị.
Chúng bố trí tại đây một lực lượng mạnh gồm sư đoàn bộ binh 18, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an được chi viện hoả lực pháo binh, máy bay. Sau này khi chiến sự diễn ra ác liệt chúng còn được tăng cường thêm Lữ đoàn dù số 1, Trung đoàn bộ binh số 8, một Liên đoàn biệt động quân và một Trung đoàn thiết giáp. Lê Minh Đảo, sư đoàn trưởng sư đoàn 18 nguỵ luôn mồm hò hét "tử thủ bằng mọi giá", nhưng cuối cùng chúng cũng không sao chống đỡ được trước sức mạnh vũ bão của Quân giải phóng. Đơn vị mở toang "cánh cửa thép" Xuân Lộc chính là Quân đoàn 4 (tức Binh đoàn Cửu Long), do Thiếu tướng Hoàng Cầm (sau này là Thượng tướng) chỉ huy.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, chiến công đầu của Binh đoàn Cửu Long là đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long vào ngày 6/1/1975. Sau chiến thắng Phước Long, Binh đoàn Cửu Long cùng các đơn vị bạn liên tiếp thắng lớn trong các trận đánh giải phóng thị xã An Lộc, Chơn Thành, Lâm Đồng, Di Linh... Chấp hành mệnh lệnh của Quân uỷ Trung ương, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh miền quyết định mở chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc- Long Khánh (Đồng Nai) của địch. Khi ấy, tình hình chung trên chiến trường thuận lợi, nhưng đối với Binh đoàn Cửu Long lại gặp không ít khó khăn vì thời gian chuẩn bị chỉ được 6 ngày. Biết là khó khăn, ác liệt nhưng các cán bộ và chiến sĩ trong toàn Binh đoàn đã tự tin, chủ động bước vào trận chiến với khí thế "thần tốc" tranh trủ giành chiến thắng. Rạng sáng 9/4/1975, quân ta nổ súng tiến công địch ở tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh. Binh đoàn Cửu Long đã sử dụng một bộ phận bộ binh, toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn địch, thực hiện bao vây, chia cắt, diệt viện binh, giải phóng thị xã Xuân Lộc…
Giọng chùng xuống, ông Tiến nói về những mất mát, hy sinh của đơn vị trong trận chiến quan trọng này: Sau 5 ngày chiến đấu ác liệt, địch phản kích điên cuồng, ta vẫn chưa chiếm được các mục tiêu chủ yếu mà lại bị thương vong nặng, trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Địch đã sử dụng cả loại vũ khí mới CBU đốt không khí, sát thương diện rộng do Mỹ vừa mới cung cấp.
Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo Binh đoàn Cửu Long thay đổi cách đánh. Ngày 15/4, quân ta chuyển hướng đánh chiếm ngã ba Dầu Dây - Núi Thị và đoạn đường từ Trúc Tân đến Kiệm Tân trên đường 20. Ta nhanh chóng chiếm Dầu Dây - Núi Thị, uy hiếp sở chỉ huy quân đoàn 3 nguỵ, buộc chúng phải bốc một phần lực lượng từ Xuân Lộc chạy về Biên Hoà - Trảng Bom lập phòng tuyến mới. Số quân địch còn lại không đủ sức chống cự nên ngày 20/4 chúng đã phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc qua Bà Rịa về Biên Hoà. Và ngày 21/4/1975, tuyến phòng thủ Xuân Lộc bị Binh đoàn Cửu Long phá vỡ, “cánh cửa thép” trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn được mở toang. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn Cửu Long đã cùng lực lượng vũ trang Long Khánh giành thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh là trận mở màn rất có ý nghĩa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Chợt, ông Tiến ngước mắt lên, nhìn chăm chăm vào Tượng đài Chiến thắng Long Khánh. Tôn trọng giây phút riêng tư khi trở về với miền ký ức của ông, một lúc sau tôi mới hỏi: Thưa chú, trong trận đánh Xuân Lộc - Long Khánh 35 năm trước, chú có biết người đồng đội nào quê ở Thái Nguyên không, và những ai đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ác liệt này? Suy nghĩ một lát, ông chậm rãi: Những người lính quê ở Thái Nguyên đã sống, chiến đấu cùng tôi trong Binh đoàn Cửu Long năm xưa có nhiều đấy, nhưng vì khác đơn vị lẻ nên tôi không biết rõ họ tên, quê quán cụ thể. Với những cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này hiện nay phần mộ đều đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ…
Đúng lúc này, có mấy nam nữ thanh niên lên thăm Tượng đài Chiến thắng. Đôi mắt của người lính năm xưa nay tóc đã điểm nhiều sợi bạc sáng bừng lên niềm vui. Ông bảo với tôi: Tượng đài Chiến thắng luôn nhắc nhở mọi người về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến thần thánh và vĩ đại chống kẻ thù xâm lược, góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không được phép lãng quên những chiến công của lớp lớp cha anh đi trước để nước nhà được độc lập, thống nhất, nhân dân ta được hạnh phúc, ấm no trong cuộc sống hòa bình hiện nay… Vâng, chúng tôi cũng nghĩ vậy. Và tất cả cùng ngước nhìn lên Tượng đài Chiến thắng đang in hình sừng sững trên nền trời xanh thẳm.