Quảng Trị là tỉnh có số nghĩa trang liệt sĩ nhiều nhất trong cả nước (trên 70 nghĩa trang), trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 - mỗi nghĩa trang có trên 1 vạn ngôi mộ liệt sĩ.
Những ngày đầu tháng 4 này, trong không khí cả nước tưng bừng hướng tới kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong chuyến hành trình xuyên Việt, chúng tôi đã vào viếng mộ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, liệt sĩ với đầy đủ ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ đội chủ lực phần lớn là cán bộ, chiến sĩ của các Sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320...
Nghĩa trang nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng Quốc lộ 9; được nâng cấp từ Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 - 1984), cách trung tâm thị xã gần 6km về phía tây. Trước khu lễ đài chính là một tháp chuông với đường nét kiến trúc khá đẹp, bên trong treo một quả chuông đồng to, nặng gần 1 tấn, trên đó khắc 4 câu thơ đầy xúc động của Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu: "Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc/ Ngọn lửa anh linh rực đất trời/ Muôn dặm từng vang Đường số Chín/ Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi". Sau mấy hồi chuông thỉnh ngân vang, mỗi chúng tôi dường như thấy lòng mình thêm nhẹ nhàng, thanh thản. Tiếp đó, mọi người trong đoàn chia nhau đến thắp hương tại từng phần mộ liệt sĩ. Những khu mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ này được quy hoạch rất khang trang thành từng ô, từng khu rộng rãi hoặc theo từng địa phương. Tuy vậy, khu mộ liệt sĩ có danh không nhiều, đa số là liệt sĩ vô danh. Đặc biệt có một ngôi mộ chung rất lớn của 105 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 nằm ở trung tâm Nghĩa trang, bên cạnh đó còn có một số ngôi mộ chung của 8 hoặc 5 liệt sĩ.
Một nhân viên trong Ban quản lý Nghĩa trang đi cùng đoàn đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất xúc động về việc có những bà mẹ, những người vợ thẫn thờ cả buổi trước hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ ở đây mà không biết hài cốt của chồng, của con mình nằm nơi đâu. Bởi vậy, các bà, các chị đã thắp hương trên rất nhiều phần mộ, mong sao linh hồn những ngưười chồng, những đứa con của mình cảm thấy ấm lòng. Trong Nghĩa trang với hàng nghìn mộ liệt sĩ, những ngôi mộ ở gần thì còn thuận tiện, những ngôi mộ ở xa thường ít được hương khói. Chính vì thế những người trông nom Nghĩa trang thường cắt cử nhau đến thắp hương đều tại các ngôi mộ vào những dịp lễ, Tết. Họ luôn tâm niệm, dù người đã mất nhưng cái tình, cái nghĩa vẫn phải trọn vẹn, đủ đầy…
Cũng tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, chúng tôi được tìm hiểu thêm về chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến thắng Khe Sanh năm 1968.
Như chúng ta đã biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đờng chiến lược nối liền từ biên giới Việt Lào về tới thị xã Đông Hà (Quảng Trị). Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền
Trong thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn dân miền Nam từ đầu xuân đến nay. Cùng với những thắng lợi to lớn của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”...
Nhưng, chúng tôi cũng biết rằng, để có được chiến thắng oanh liệt ấy, biết bao cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội chủ lực, rồi lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích của tỉnh Quảng Trị đã ngã xuống trên mảnh đất này. Và đến hôm nay, sau 35 năm miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nước nhà được thống nhất, cả vùng đất đã thấm máu xương của các chị, các anh, vùng đất mà những năm xưa chỉ toàn bom mìn và gió Lào, cát trắng, đang hồi sinh mãnh liệt. Một màu xanh trù phú, ấm no của những cánh rừng cao su, của những vườn hồ tiêu đang ngày càng thêm rộng dài…