Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, lịch sử về những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha anh lớp trước chỉ được biết qua sử sách. Và hôm nay, được đi dọc chiều dài đất nước, đến với Đất mũi Cà Mau địa đầu phía Nam Tổ quốc, đến với chiến trường khói lửa năm xưa một lần nữa khắc sâu trong chúng tôi lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trước giờ lên đường, đồng chí Tổng Biên tập quán triệt đến các thành viên: “Đây là cuộc hành trình mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta sẽ đi trên con đường mà lớp lớp cha anh đã đi thuở trước, nhưng chúng ta được đi trong hoà bình, trong sự tự hào của người thắng cuộc, vì thế mỗi thành viên hãy tìm cho mình những cảm hứng sáng tạo để thai nghén các tác phẩm báo chí, phục vụ sự nghiệp giáo dục truyền thống…”
Địa danh đầu tiên chúng tôi đặt chân tới là Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh nằm trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Những ngày này, Đồng Lộc nhộn nhịp người viếng thăm, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Họ đến đây để tìm hiểu về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ đã gây ra với một đất nước ưa chuộng hoà bình như Việt
Trong cái nắng rát của miền Trung, chúng tôi đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9. Gió từ đỉnh Trường Sơn đổ xuống rít qua rừng dương, khiến chúng tôi có linh cảm đến những điều linh thiêng nhất đang hiện hữu nơi đây. Nhìn những ngôi mộ ghi rõ họ tên, quê quán và còn những ngôi mộ khuyết danh trải dài trên những quả đồi mới thấy hết sự hy sinh, mất mát để có chiến thắng là vô cùng lớn lao.
Tiếp tục cuộc hành trình theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi về với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng, gió và bạt ngàn cà phê, cao su. Giữa thành phố Buôn Ma Thuột thanh bình và sang trọng, thưởng thức ly cà fê mới thấy sự đượm đà, sánh quyện lòng người. Nơi đây, chiến tranh đã đi qua 35 năm, thế nhưng những dấu tích, những chiến công về trận chiến mở màn cho thắng lợi của Đại thắng Mùa xuân năm 1975 vẫn không phai mờ. Giữa trung tâm thành phố, Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột được xây dựng sừng sững như một niềm tự hào của cả dân tộc Việt
Điểm nhấn trong chuyến đi có lẽ là các địa danh Côn Đảo, Địa đạo Củ Chi và Đất mũi Cà Mau. Đây là những địa danh đã ghi sâu trong sử sách của dân tộc.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ xuyên qua bạt ngàn rừng đước, Đất mũi - mảnh đất cuối trời phía Nam Tổ quốc hiện ra trước mắt chúng tôi. Mặc cho nắng gió, cả đoàn ào tới, nắm từng bốc đất ôm vào lòng mà cảm xúc trào dâng. Nhà báo Văn Hiến, đã nếm thử vị đất nơi đây. Anh bảo: “Đất mặn lắm. Nó mặn không chỉ bởi nước biển mà con mặn bởi mồ hôi, xương máu của những người đi mở cõi, những người bảo vệ mảnh đất này đã đổ xuống…”
Một ngày, một đêm ở Côn Đảo, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến tội ác mà thực dân, đế quốc đã gây ra với nhân dân yêu nước, với các chiến sĩ cộng sản Việt
Cuộc hành trình xuyên Việt đã đọng lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Mỗi vùng đất chúng tôi đặt chân tới là một dấu mốc lịch sử, là niềm tự hào của người dân đất Việt. Và trong niềm tự hào ấy, chợt nhớ đến câu thơ trong bài “Đất nước” của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi: “…Ôm đất nước những người áo vải/Đã đứng lên thành những anh hùng/Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội/Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” mà thấy đất nước rất đỗi tự hào... Và, bộ phim phóng sự tài liệu "Ký ức Mùa Xuân đại thắng" mà Báo Thái Nguyên thực hiện, hoàn thành qua chuyến đi này, đã nói hộ chúng tôi bao đìeu cảm xúc.