“Với những người cao tuổi ở Bình Thuận, thời khắc quê hương được giải phóng 35 năm trước đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm. Chứng kiến cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc nhân dân mình được hưởng hôm nay, chúng ta càng thêm biết ơn trước sự hy sinh máu xương của lớp lớp những người đi trước, để non sông nước Việt được nối liền một dải vẹn toàn…” - bác Phan Lâm, 69 tuổi, ở phường Đức Long (T.P Phan Thiết) đã tâm sự với chúng tôi như vậy trong niềm xúc động nghẹn ngào.
Ngược dòng lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, trước khí thế cách mạng hừng hực tiến công, tinh thần của quần chúng nhân dân ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ và Nam bộ sôi động hẳn lên. Tin chiến thắng từ khắp nơi dội về cổ vũ quân dân ta. Chớp thời cơ thuận lợi và với tinh thần chủ động, ngày 4/4/1975, Tỉnh ủy Bình Thuận hạ quyết tâm: Giải phóng Ma Lâm (chi khu quận lị Thiện Giáo) và các ấp dọc đường 8, Quốc lộ 1A, áp sát Phan Thiết; sau đó sẽ phối hợp với đại quân giải phóng Phan Thiết và toàn tỉnh. Đêm mùng 7 rạng ngày 8/4/1975, các lực lượng của ta đánh vào chi khu Thiện Giáo. Mặc dù địch chống trả quyết liệt nhưng đến khoảng 20 giờ cùng ngày quân ta đã làm chủ và giải phóng hoàn toàn quận lị này. Sau khi Ban chỉ huy Quân giải phóng Bình Thuận được thành lập (ngày 9/4), quân ta chia làm 2 cánh tiến đánh giải phóng đường 8 và đoạn Quốc lộ 1A (phía Bắc Phan Thiết). Ngày 14/4/1975, phối hợp với đại quân ta, quân dân các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận đã chủ động tiến công và nổi dậy, giải phóng Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Hải Ninh. Bọn địch ở đồn Cây Táo rút chạy trước ngày 17/4 và bọn địch ở Tà Zôn (Thuận Phong) cũng phải tháo chạy. Khoảng 20 giờ ngày 18/4, Lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 và lực lượng tại chỗ của ta đã vượt qua cầu Phú Long tiến vào Phan Thiết. Suốt ngày 18/4, Bộ chỉ huy Quân giải phóng Bình Thuận cho pháo 105, ĐKB, H12 pháo kích mạnh mẽ vào tiểu khu Bình Thuận, căng Ê-xê-pic, Lầu Ông Hoàng gây sát thương cho địch, tạo ra nhiều đám cháy nổ lớn, khiến cho địch phải hoang mang, rối loạn; góp phần tích cực cho đại quân ta tiến vào Phan Thiết. Đến 2 giờ ngày 19/4, quân ta đã làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Phan Thiết. 9 giờ sáng hôm ấy, Ủy ban Quân quản tỉnh Bình Thuận đã vào tiếp quản Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được giải phóng.
Trải qua nhiều ngày đêm chiến đấu anh dũng, liên tục tiến công và nổi dậy, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang là giải phóng quê hương, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên mùa Xuân đại thắng năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Tỉnh Bình Thuận xứng đáng và tự hào với 12 chữ vàng mà Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã phong tặng: “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”…
Trải qua 35 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã và đang đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đưa địa phương thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Cuộc sống của người dân ổn định và được nâng lên về mọi mặt. Đặc biệt, là một tỉnh có tiềm năng to lớn và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch lịch sử - văn hóa, Bình Thuận đã khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, điều kiện này. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ngày càng nhanh. Đưa chúng tôi đi tham quan T.P Phan Thiết với nhiều dãy phố xây dựng khang trang, hiện đại dọc hai bên bờ con sông Cà Ty hiền hòa chảy, thăm tháp Chàm Poshanư (còn gọi là tháp Phú Hải, chiếc tháp cổ nhất Việt Nam với 1.200 tuổi) hay các khu du lịch Mũi Né, Hòn Rơm nổi tiếng nằm bên bờ biển trong xanh, các đồng nghiệp của Báo Bình Thuận không giấu được niềm tự hào. Với riêng tôi, lần đầu tiên được đặt chân tới đây, cảm nhận khu du lịch Mũi Né có vẻ đẹp đến mê hồn bởi những cồn cát vàng nhấp nhô, trải dài tưởng như bất tận, cùng với đó là những bãi biển hoang sơ, cảnh quan hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong lành, như bãi Ông Địa, bãi Trước, bãi Sau. Dọc các bãi cát ven biển là những làng du lịch, khách sạn, biệt thự và nhiều công trình thể thao, giải trí. Đến đây, du khách có thể tắm biển, nghỉ dưỡng, chơi thể thao, du thuyền trên biển, du ngoạn kết hợp săn bắn, câu cá… Được biết hiện nay, mỗi ngày khu du lịch Mũi Né đón hàng nghìn lượt khách đến du lịch, nghỉ dưỡng.
Anh Lê Hồng Văn, Tổng Biên tập Báo Bình Thuận thông tin thêm những con số ngắn gọn nhưng hết sức có ý nghĩa về sự phát triển của tỉnh trong thời gian gần đây: Cơ cấu kinh tế của Bình Thuận đã chuyển dịch đúng hướng, với tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm xấp xỉ 80%. Tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và cảnh quan được khai thác hiệu quả đã đưa du lịch trở thành một thế mạnh của tỉnh. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2009 tăng 16 lần so năm 1990. Ngay trong quý I/2010, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của toàn tỉnh vẫn đạt hơn 385 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý có thêm 18 dự án được chấp thuận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký hơn 900 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án 100% vốn nước ngoài được cấp Giấy phép đầu tư… Càng đi và nghe, chúng tôi càng cảm nhận tỉnh bạn làm du lịch quá tốt, việc thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt được những kết quả rất khả quan. Lại thầm nghĩ, mảnh đất Thái Nguyên quê mình cũng có nhiều tiềm năng to lớn, điều kiện thuận lợi giống với Bình Thuận để phục vụ công cuộc dựng xây và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đặc biệt là tiềm năng, điều kiện về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dồi dào. Điều quan trọng được đặt ra là chúng ta khai thác, sử dụng, phát huy những thứ ấy như thế nào để vừa mang lại hiệu quả cao nhất có thể, vừa bảo đảm tính bền vững…
Trong thời kỳ đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai tàn bạo, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã viết nên những trang sử oai hùng. Và, trong sự nghiệp phát triển toàn diện, vững chắc của tỉnh hôm nay cũng như mai sau, truyền thống tốt đẹp, hào hùng ấy vẫ giữ nguyên giá trị. Với Thái Nguyên - trung tâm Thủ đô kháng chiến, vùng căn cứ địa cách mạng Việt Bắc năm xưa - chúng ta cũng luôn tự hào về điều này.