Tán thành các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

07:15, 05/08/2011

Chiều 4/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc nên việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là cần thiết.

 

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ nhằm 3 mục đích lớn: Thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, về bảo vệ Tổ quốc, về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Ghi nhận những thành quả cách mạng và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới đất nước; Thể hiện lại một số nội dung và kỹ thuật trình bày, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

 

Đáng chú ý, về chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp; Khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu lực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, với sự phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực Nhà nước.

 

Về chế độ kinh tế, sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

 

Về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp tiếp tục khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

 

Về tổ chức bộ máy Nhà nước, với Quốc hội, khẳng định đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, thực hiện quyền giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; xác định rõ hơn nội dung những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định.

 

Với Chủ tịch nước, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thực hiện vị trí, vai trò là nguyên thủ quốc gia, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

Với Chính phủ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ hơn ở tầm hiến định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, cac cơ quan tư pháp.

 

Với chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng nghiên cứu xác định rõ hơn địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 27 thành viên, trong đó đứng đầu Ủy ban là Chủ tịch Quốc hội.

 

Tán thành các nội dung sửa đổi, bổ sung

 

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với những nội dung cơ bản về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu sửa đổi Hiến pháp và 6 quan điểm chỉ đạo về nội dung sửa đổi cũng như phương pháp, cách thức tiến hành và các định hướng lớn được nêu trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


 

Các đại biểu đều nhất trí, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, thể hiện bản chất tiến bộ, dân chủ của xã hội, Nhà nước, nhân dân, do đó chỉ nên quy định những vấn đề quan trọng, có tính chất nền tảng và những vấn đề liên quan đến những thiết chế lớn trong xã hội để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp. Những chủ trương, chính sách cụ thể thì do luật và văn bản pháp luật quy định.

 

“Một trong những nhược điểm khiến Hiến pháp của nước ta sửa nhiều lần là do nhiều vấn đề quy định quá cụ thể, gây vướng mắc trong tổ chức, thực hiện và khi cần thay đổi lại phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Hiến pháp nên quy định chung với các nguyên tắc, định hướng lớn, còn những vấn đề khác thì quy định chung, theo hướng mở”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị.

 

Về các định hướng lớn, các đại biểu đề nghị làm rõ và đủ trong Hiến pháp các tổ chức quan trọng trong hệ thống chính trị như Đảng, Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện và làm rõ hơn một số nội dung như cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực…

 

Các đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rẳng, việc xây dựng nhà nước pháp quyền thế nào cho bền vững đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm đến những vấn đề nguyên lý, nguyên tắc về kiến trúc, kết cấu. Các đại biểu nhất trí, phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn cẩn trọng rồi mới xem xét có sửa đổi hay không và sửa đổi những nội dung nào.

 

Cùng quan tâm đến nội dung sửa đổi vệ bộ máy nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, gốc trọng tâm của việc sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn là tổ chức bộ máy Nhà nước, do đó cần tập trung công sức để tổ chức lại Nhà nước.

 

“Chúng ta cần tổ chức bộ máy Trung ương với cơ chế kiểm soát quyền chặt chẽ để không phân quyền nhưng không lạm quyền, đồng thời nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương và đưa phạm trù chính quyền địa phương vào Hiến pháp”, đại biểu Lịch đề nghị.

 

Theo kế hoạch sơ bộ, tháng 10/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất, sau đó sẽ hoàn thiện, chỉnh lý và công bố lấy ý kiến nhân dân từ tháng 3/2012 và dự kiến tháng 10/2013, sẽ trình Quốc hội thông qua.