Cử tri đề nghị tiếp tục giám sát trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước về tình trạng sử dụng đất chưa đúng mục đích, phát triển hạ tầng, tình hình lạm phát…
Sáng 11/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục buổi làm việc tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ.
Cuộc tiếp xúc diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở và thân thiện. Các cử tri quận Tây Hồ bày tỏ vui mừng trước thành công tốt đẹp của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII; đánh giá cao và tin tưởng bộ máy nhân sự cấp cao của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, từ nay đến cuối năm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin tưởng tuyệt đối cao trong nhân dân cả nước.
Về các vấn đề quản lý phát triển đô thị, cử tri quận Tây Hồ đặc biệt đánh giá cao Chính phủ vừa phê duyệt Bản quy hoạch chung phát triển Thủ đô định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kỳ vọng Bản quy hoạch này sẽ nâng cao chất lượng công tác quản lý xây dựng đô thị, đất đai, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước về tình trạng sử dụng đất chưa đúng mục đích, phát triển hạ tầng cơ sở công cộng, dự án xây dựng quy hoạch treo đang gây lãng phí và an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đa số cử tri mong muốn Quốc hội và Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa về phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục, làm giảm tình trạng quá tải trong trường công lập khối mầm non. Cử tri Trần Văn Khánh, phường Tứ Liên nêu ý kiến: “Hiện nay, một số trường mầm non ở trong các khu dân cư đang thiếu. Do vậy các phụ huynh rất lo. Người dân rất bức xúc đi xin cho các cháu hết chỗ này đến chỗ khác mà trường thì lại nhỏ bé và đông. Nếu đi gửi bên ngoài, dân phát triển thì lại nhiều ở tư nhân thì không bằng được so với nhà nước. Cho nên tôi đề nghị nên quan tâm đến các cháu để sau này đấy là tương lai của đất nước, thực hiện theo lời dạy của bác Hồ”.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các ý kiến của cử tri quận Tây Hồ đóng góp chân thành, thẳng thắn với Quốc hội. Tổng Bí thư cũng điểm lại các sự kiện lớn của đất nước vừa diễn ra năm ngoái và từ đầu năm đến nay để làm rõ sự thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 và đặc biệt kết quả quan trọng mà kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII đạt được, khẳng định là thắng lợi to lớn và toàn diện của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và trả lời một số ý kiến kiến nghị tâm huyết của cử tri đối với các hoạt động của Quốc hội và hứa sẽ chuyển những vấn đề cử tri quan tâm đến các diễn đàn Quốc hội và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội.
* Tiếp tục công tác tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, sáng 11/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội của TP HCM đã có buổi tiếp xúc với hơn 300 cử tri quận 4.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự hài lòng với kết quả của kỳ họp, đặt lòng tin vào các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan Quốc hội vừa được bầu. Cử tri tiếp tục phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến tình hình lạm phát gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và việc phải sớm cải cách chính sách tiền lương. Cử tri quận 4 còn có nhiều kiến nghị liên quan đến luật pháp như: Phải giải quyết tình trạng các văn bản hướng dẫn thi hành luật ban hành chậm khiến luật chậm đi vào cuộc sống, chế tài của một số luật cần mạnh hơn để đủ sức răn đe, một số luật khác cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế như Luật Lao động…
Một lần nữa, cử tri TP HCM mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Biển, đề cao vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chủ quyền biển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Trong năm nay, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sẽ thông qua luật quan trọng là Luật Biển, cùng với các luật về đường cơ sở, biên giới quốc gia các khóa trước đã thông qua. Như thế, hệ thống luật quốc nội cơ bản hòan chỉnh, làm cơ sở để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta, cùng với các cơ sở của luật pháp quốc tế…
Vấn đề chủ quyền, chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, quốc gia nào cũng thế. Chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật đó - phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Song song với bảo vệ chủ quyền thì đồng thời phải giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Hai mục tiêu này hòan toàn thống nhất, không mâu thuẫn nhau”./.