Việt Nam đã xây dựng Lộ trình cam kết giảm thuế, hoàn tất về cơ bản nghĩa vụ tự do hóa thuế quan đề ra trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 (AEM-43) đã diễn ra tại thành phố
Tại hội nghị, các bộ trưởng kinh tế đã xem xét những kết quả đạt được thời gian qua về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong tiến trình hội nhập kinh tế; nhất trí cho rằng hợp tác kinh tế ASEAN đang đi vào thực chất và chiều sâu, dựa trên khuôn khổ pháp lý của Hiến chương ASEAN, Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Lộ trình chiến lược về thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Về thương mại hàng hóa, các nước thành viên ASEAN mới gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã xây dựng Lộ trình cam kết giảm thuế, hoàn tất về cơ bản nghĩa vụ tự do hóa thuế quan đề ra trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tiếp tục ưu tiên xử lý các vấn đề về vệ sinh kiểm dịch, thuận lợi hóa thương mại, hoàn thiện quy chế cấp chứng nhận xuất xứ và các hàng rào phi thuế quan, để làm sâu sắc hơn hội nhập kinh tế ASEAN trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Về thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nhất trí áp dụng mức độ linh hoạt cần thiết để các nước thành viên có thể kết thúc đàm phán Gói cam kết thứ 8 về mở cửa thị trường dịch vụ trong ASEAN vào cuối năm 2011, đáp ứng tiến độ tự do hóa dịch vụ đề ra trong Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Về lĩnh vực đầu tư, các bộ trưởng thành viên Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN đã nhất trí đề nghị các nước còn lại thúc đẩy quá trình tham vấn trong nước, hướng tới việc chính thức đưa Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) và 10 Danh mục các biện pháp hạn chế đầu tư của các nước thành viên ASEAN, vào cuối năm 2011.
Đặc biệt, hội nghị đã thông qua việc đưa vào thực thi Mô hình cắt giảm/xóa bỏ các hạn chế đầu tư trong ASEAN, nhằm đưa ASEAN trở thành Khu vực đầu tư tự do vào năm 2015.
Ngoài các lĩnh vực hội nhập truyền thống, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng nhất trí sẽ tập trung nguồn lực phát triển trụ cột thứ 3 trong Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Để đối phó với những khó khăn và thách thức đang đặt ra trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và hội nhập kinh tế khu vực với kinh tế toàn cầu, các bộ trưởng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và Đông Nam Á để hoàn thiện hệ thống đánh giá, tính điểm cũng như xây dựng cơ chế rà soát giữa kỳ để đánh giá chính xác về tình hình và mức độ hội nhập kinh tế ASEAN, báo cáo kết quả tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm nay.
Các bộ trưởng cũng đã ghi nhận tình hình đàm phán và thực thi Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa ASEAN và các nước đối tác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ và thảo luận hướng xử lý các vấn đề còn tồn tại trong đàm phán, cũng như các biện pháp để duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Tại AEM-43, Việt Nam khẳng định hội nhập kinh tế ASEAN luôn là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại, cam kết luôn tích cực đóng góp nhằm xây dựng một Cộng đồng kinh tế ASEAN vững mạnh, hội nhập sâu rộng, khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong khu vực và quốc tế.
Hiện ASEAN là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và cũng giữ vị trí đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, sau Trung Quốc.
Bên lề AEM-43 đã diễn ra Hội nghị Khu vực Thương mại Tự do ASEAN lần thứ 25 (AFTA) và Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN lần thứ 14./.