Đọc Nghị quyết Trung ương 4, tôi rất tâm đắc đến vấn đề phải kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách thực chất và đổi mới công tác cán bộ.
Đồng chí Phạm Văn Hùng |
Xung quanh việc tự phê bình và phê bình, việc Trung ương quyết định toàn Đảng tự phê bình và phê bình, các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trước, làm từ trên xuống dưới, thể hiện thái độ nghiêm túc, trách nhiệm nêu gương của Trung ương. Chắc chắn việc này sẽ có tác động tích cực đối với cấp dưới, với toàn Đảng và cán bộ đảng viên.
Tuy nhiên, công việc này cũng rất khó, không đơn giản. Trước hết phải làm cho mọi người nhận thức sâu sắc tự phê bình và phê bình là rất cần thiết, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng. Như Bác Hồ nói: “Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau…”. Mỗi đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm khắc, tự giác soi rọi lại mình, nhìn nhận lại mình. Các đồng chí khác mạnh dạn, thẳng thắn, chân thành góp ý phê bình để giúp đồng chí mình nhận thấy cả ưu và khuyết điểm, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, phát huy mặt tốt, ưu điểm. Đó là tình thương yêu lẫn nhau như Bác Hồ nói.
Hiện nay, có tình hình khá phổ biến là trong các cấp ủy, cán bộ, đảng viên hay nể nang, xuê xoa, dĩ hòa vi quý, ngại đụng chạm, dễ người dễ ta, hoặc bằng mặt không bằng lòng, như Bác Hồ nói: “Trong hội thì không nói, ngoài hội thì nhiều mồm…”. Chính đó là hiện tượng mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong Đảng, rất nguy hiểm. Việc phê, tự phê cũng chính là để khắc phục thực trạng trên và đạt mục đích như Bác nói, tức để đem lại đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Trong phê, tự phê cần động viên một số người thẳng thắn xây dựng khách quan vì lợi ích chung. Dám đặt ra, gợi ra những vấn đề gay cấn. Nếu được như vậy sẽ khơi gợi trong ban chấp hành, trong cấp ủy một không khí phê và tự phê tốt. Người chủ trì như bí thư cần phải nắm vấn đề và biết gợi ý đối với từng người được kiểm điểm. Trong Nghị quyết Trung ương 4 lần này có nêu việc lấy ý kiến góp ý, gợi ý trước khi kiểm điểm, tôi cho đây là biện pháp cần thiết. Ví dụ như Ban Thường vụ Thành ủy trước khi kiểm điểm nên lấy ý kiến như sau: đối với các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thì lấy ý kiến góp ý, gợi ý của lãnh đạo các ban của Thành ủy và Văn phòng Thành ủy. Đối với các đồng chí Thường vụ khác thì lấy ý kiến của các ban hoặc khối đồng chí đó phụ trách. Hay bên UBND TP, Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì lấy ý kiến các đồng chí sở ngành mà đồng chí đó phụ trách… Có thể giao cho đồng chí ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức hoặc Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra chủ trì nhưng không mời những đồng chí được kiểm điểm dự các buổi chuẩn bị này. Hoặc vai trò tham mưu của 3 ban xây dựng Đảng rất quan trọng đối với một cấp ủy. Đòi hỏi các đồng chí phụ trách các ban này phải có dũng khí, vì lợi ích chung, phải có trách nhiệm cao thì mới làm được vai trò tham mưu. Trong chỉ đạo để kiểm điểm phê, tự phê thì nên có trọng tâm, trọng điểm mà cụ thể là tập trung một số đồng chí và một số nội dung bức xúc liên quan đến trách nhiệm các đồng chí kiểm điểm. Việc sắp xếp thời gian hợp lý và cần thiết vừa tạo điều kiện cho cuộc kiểm điểm phê, tự phê tiến hành tốt mà cũng bảo đảm cho các đồng chí chỉ đạo công việc thường xuyên ở cơ quan mà những đồng chí này phụ trách.
Như vậy, sự gương mẫu của đồng chí Bí thư, Chủ tịch và một số cán bộ chủ chốt và việc chuẩn bị tốt kiểm điểm sẽ đưa đến cuộc kiểm điểm phê, tự phê có kết quả tốt đẹp. Dẫn đến mỗi đồng chí thấy rõ ưu, khuyết để phát huy, sửa chữa, khắc phục và từ đó đưa đến sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết, không chỉ đối với cấp trung ương mà cả với các cấp dưới. Trước hết cần xây dựng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo và quản lý, làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ theo chức danh đối tượng. Tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo và quản lý phải toàn diện. Bao gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực; phong cách lãnh đạo. Lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ và sự tín nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân làm thước đo.
Đánh giá cán bộ phải tập thể, ít nhất tập thể Ban Thường vụ cấp ủy đánh giá. Tránh nể nang, cục bộ, cảm tính trong đánh giá cán bộ. Cần xây dựng chế độ đánh giá cán bộ, có thể một hoặc hai năm/lần. Nếu làm được như vậy thì công tác quản lý cán bộ sẽ tốt, làm cơ sở, căn cứ cho việc bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, quy hoạch và đào tạo cán bộ.
Quy hoạch cán bộ cần có tầm nhìn cho cả trước mắt và lâu dài, không chỉ một nhiệm kỳ mà có thể vài nhiệm kỳ.
Về nguồn cán bộ: Ngoài đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, TPHCM còn có nguồn sinh viên, các trường ĐH-CĐ, cán bộ khoa học kỹ thuật cả khoa học tự nhiên và xã hội, trí thức, chuyên gia, đội ngũ công nhân trong các doanh nghiệp, xí nghiệp. Chú ý số xuất thân từ công nhân, đã được đào tạo. Trong quy hoạch cán bộ, không nên phân biệt cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, trong và ngoài khu vực Nhà nước.
Nghị quyết đã rõ, đúng và trúng, bây giờ chỉ còn hành động, tổ chức thực hiện với quyết tâm và phải nêu gương của cấp trên. Tôi rất tin nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống, giúp Đảng chuyển biến ngày càng tốt hơn.
PHẠM VĂN HÙNG
(Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM)