Một số di tích lịch sử quan trọng ở Khu di tích lịch sử ATK

12:58, 29/02/2012

ATK Định hóa - trung tâm Thủ đô kháng chiến năm xưa đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Khu di tích AtK Định Hóa với hàng trăm điểm di tích đã được Chính phủ xác định là “Quần thể di tích quan trọng vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã sống và làm việc tại ATK Định Hóa hầu hết thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định… “ Định Hóa không có nhà dân nào không có cơ quan ở… Định Hóa là ATK tuyệt mật nhằm bảo đảm an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc và ít phải di chuyển. Các quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ phần lớn đều quyêt dịnh trên đất Định Hóa”.

 

Lán Bác Hồ ở Tỉn Keo: Lán nằm dưới chân đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình. Từ Tỉn Keo có con đường  mòn hiểm trở qua đèo De sang Tân Trào (Tuyên Quang). Ở Tỉn Keo có lán làm việc, lán ở của Bác và nhà giành cho các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác nghỉ trưa. Xung quanh các lán đều có nhiều hầm, đường hào để tránh máy bay hoặc rút về phía sau nếu cần.

 

Tỉn Keo là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Thường vụ Trung ương Đảng. Tại đây ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua phương án tác chiến mùa xuân năm 1954 của Tổng quân ủy và quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói về sự kiện lịch sử diễn ra tại Tỉn keo đã khẳng định: Không có quyết định của Bộ Chính trị tại Tỉn Keo thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Lán Bác Hồ ở Khuôn Tát. Lán nằm trên đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát xã Phú Đình. Đây là nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng giữa Bác với các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội; là nơi Bác đã viết nhiều tài liệu quan trọng về củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 15/1/1954, trước khi lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội, Tổng chỉ huy kiêm Chính ủy mặt trận Võ Nguyên Giáp đã đến Khuôn Tát chào Bác. Bác Hồ đã thể hiện sự tin tưởng cao ở tài năng của Đại tướng, Bác nói: Tổng tư lệnh ra mặt trận tướng quân tại ngoại trao cho chú toàn quyền. Và khi chia tay bác dặn; Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Thấm thía lời dặn dò của bác và xét diễn biến thực tế trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc và đó được coi là một quyết định quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

 

Đồi Nà Mòn: thuộc xóm Đồng Hoàng, xã Phú Đình. Trong  những năm 1948, 1949, 1950, và 1953 là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh và văn phòng Trung ương Đảng ở và làm việc. Ngôi nhà của Tổng Bí thư ban đầu làm bằng tre, gỗ, lợp lá cọ nền đất, đến khoảng năm 1950 được thay thế bằng nhà sàn. Nhà ở vị trí cao trên đồi Nà Mòn, được che phủ bởi nhiều cây rừng lớn, phía sau là  rừng rậm có hệ thống hầm tránh máy bay đào sâu vào lòng núi. Phía bên phải vào đầu những năm 1950 là nơi đặt Tòa soạn Báo Sự Thật. Cách vài chục mét phía chân đồi có nhà ở của cán bộ giúp việc, người thân trong gia đình đồng chí Bí thư. Nà Mòn là nơi tổ chức nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng; nơi ra đời nhiều chủ trương, đường lối, văn kiện kết luận quan trọng của Đảng ta để lãnh đạo cuộc kháng chiến; nơi xuất bản, phát hành các văn kiện, tài liệu báo sự thật của Đảng…

 

Những di tích trên nay đã được tôn tạo và là địa chỉ đỏ để các thế hệ con cháu tìm về nguồn cội.