Vũ Hưng là bí danh hoạt động cách mạng của cụ Vũ Văn Uyển (1901 - 1964), thuộc lớp những người cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Hà Nam, cùng thời với nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến. Quê Hà Nam, nhưng cuộc đời cách mạng của cụ gắn bó với ATK Định Hóa.
Cụ Vũ Hưng, nguyên Chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh Thái Nguyên (1954 - 1957), nhưng trước đó từ năm 1935 đến khi hòa bình, cụ liên tục nhiều khóa là Bí thư Huyện ủy Định Hóa, nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn là An toàn khu (ATK) trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Sinh năm 1901 tại làng Thận Tu, tổng Yên Khê nay là xã Yên Nam, cụ Vũ Hưng quê gốc ở làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên. Sinh trưởng trong một gia đình Nho học, người cha là Vũ Văn Phú theo phong trào Văn thân yêu nước, cho nên từ nhỏ cụ sớm giác ngộ cách mạng. Từ những năm 1925, 1926, ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lan tới Hà Nam, tài liệu sách báo có nội dung tiến bộ nhờ các ông Trần Tử Yến, Nguyễn Hữu Tiến đã đến được với nhiều thanh niên trong vùng. Hai làng Lũng Xuyên, Thận Tu cách nhau một quãng đồng. Lũng Xuyên lại là cái nôi cách mạng, là chỗ đi về của những người yêu nước.
Năm 1927, tại đình Lũng Xuyên, Chi hội Việt Nam CMTN đầu tiên ở Hà Nam do ba người chủ chốt là Trần Tử Yến, Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Hưng... thành lập. Ngày 21-1-1931, cũng tại Hội nghị Lũng Xuyên, có đại biểu Xứ ủy về dự, hội nghị bầu Ban tỉnh ủy chính thức có bảy người. Cụ Vũ Hưng, Tỉnh ủy viên được phân công phụ trách phong trào huyện Lý Nhân. Để giữ bí mật, một cơ sở yêu nước ở Mạc Hạ đã dùng thẻ thuế thân của người làng là Đỗ Văn Đoài, cho ông Vũ Hưng hoạt động. Chi bộ Đảng bí mật đầu tiên ở Lý Nhân mang tên "Thảo Bốc", chính là chữ Mạc Hạ viết ngược. Lịch sử Đảng bộ Hà Nam và Lịch sử Đảng bộ Thái Nguyên (xuất bản năm 2000 - 2003) còn ghi danh cụ Vũ Văn Uyển là Hai Cao.
Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đấu tranh diễn ra trên toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực dân Pháp và tay sai ráo riết đàn áp cách mạng, nhiều đảng viên bị bắt tù đày, một số cơ sở bị vỡ. Để tránh địch khủng bố, cụ Vũ Hưng và người bạn là Vũ Đình Chiêm cũng người quê Hà Nam tạm lánh lên vùng Định Hóa (Thái Nguyên) hoạt động, tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Cụ để lại người vợ ở quê là cụ bà Lê Thị Thanh cùng người con nhỏ. Sau đó, cụ Thanh cũng bị mật thám và tay sai bắt thẩm vấn nhiều lần và bị giết hại trong trận bom chợ Đệp. Với tinh thần của người chiến sĩ cộng sản, các cụ vừa làm thuê kiếm sống, đi sâu giác ngộ quần chúng nhất là đồng bào các dân tộc ở Định Hóa. Chỉ hai năm (1931 - 1932), đã gây dựng được nhiều cơ sở trung kiên ở xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa. Bắt liên lạc được với cơ sở Đảng ở địa phương, cụ Vũ Hưng được phân công hoạt động ở vùng Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai. Đó là những năm tháng gian khổ sát cánh cùng đồng chí, đồng bào vận động chống bắt phu, phản đối chính sách thuế khóa vô lý của thực dân và tay sai. Phong trào nhen nhúm ở mỏ than Làng Cẩm, Phấn Mễ. Có một số hào lý ở Phú Bình cũng ngả theo cách mạng.
Đặc biệt, cuộc đấu tranh của dân phu Định Hóa làm đường chợ Chu - Thành Cóc thắng lợi, có tiếng vang ra ngoài huyện. Được biết cuộc đấu tranh này do các đồng chí đảng viên bí mật lãnh đạo, các đồng chí ở La Bằng (Đại Từ) tìm cách liên lạc. Cuối năm 1938, hai cơ sở cách mạng ở La Bằng và Quán Vuông - Bảo Cường (Định Hóa) do đồng chí Vũ Hưng xây dựng đã liên lạc được với nhau (LSĐBTN trang 94).
Đầu năm 1940, cụ Vũ Hưng trở lại Hà Nam tìm cách bắt liên lạc với Đảng để có sự giới thiệu chính thức với tổ chức Đảng ở Thái Nguyên. Đây là lần thứ ba, cụ tìm cách liên lạc với Đảng kể từ khi bị khủng bố, phải lánh lên Định Hóa. Về đến xã Hưng Công (Bình Lục) cụ được gặp cụ Nguyễn Bá Ương (cụ Ương cũng lên Việt Bắc, sau được Trung ương điều động về Hưng Yên hoạt động). Qua nhiều lần thử thách, cụ Vũ Hưng được gặp ông Trần Tử Bình và được giới thiệu gặp đồng chí Hoàng Quốc Việt. Từ Hà Nam, cụ Vũ Hưng được trao nhiệm vụ trở lại Định Hóa. Đồng chí Hoàng Quốc Việt còn cử ông Trịnh Bá Song, cán bộ Xứ ủy lên Định Hóa kiểm tra thực tế, sau đó cụ được Xứ ủy giới thiệu chính thức với cơ sở Đảng ở Võ Nhai. Sau đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt phân công cụ Vũ Hưng phụ trách phong trào Định Hóa. Hoạt động của cụ Vũ Hưng bị mật thám săn lùng ráo riết.
Tài liệu Lịch sử Đảng bộ Thái Nguyên ghi rõ: "Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (tháng 5 năm 1941, chỉ sau ba tháng về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử đồng chí Trương Văn Thiết, Nông Văn Quang, cán bộ tỉnh ủy Cao Bằng mang thư của Người về liên lạc với đồng chí Vũ Hưng. Đến Định Hóa, đúng lúc địch vây bắt đồng chí Vũ Hưng cho nên hai người liên lạc phải quay trở lại Cao Bằng". Cũng theo tài liệu do Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa soạn thảo: Sau gần một năm bị truy lùng, ngày 17-7-1941 (tức ngày 16-6 Tân Tỵ) ông Vũ Hưng sa vào tay giặc. Ông bị giải về nhà lao Thái Nguyên, đích thân tên mật thám Phô-gie (Phogere) tra tấn. Sau một tuần, chúng giải ông về Hà Nội kèm theo một công văn do tên phó cẩm cảnh vụ đặc biệt Thái Nguyên Rây-ne-gat-xtong (Rei nert gastôn) gửi Thanh tra cảnh sát Bắc Kỳ. Không thu được lời khai, chúng giải ông về Nam Định, Hà Nam để tìm nhân chứng. Tại Hà Nam, được các ông lý trưởng Thận Tu (Duy Tiên), lý trưởng Mạc Hạ (Lý Nhân) là người được cách mạng cảm hóa từ trước, không công nhận, chúng phạt ông ba tháng tù nhưng tên thống sứ Bắc Kỳ Đen-san (P.Delsalle) lại ra Quyết định số 871 - SCB ngày 24-10-1941 xung cụ vào "đội lao công đặc biệt" ở nhà tù Hà Giang, sau chuyển về "Căng" Bá Vân, thực chất là để chúng tiếp tục giam cầm. Trong tù, sau những thử thách, cụ liên lạc được với chi bộ Đảng, tham gia làm kinh tế để nuôi những chiến sĩ tù đày. Cuối năm 1944 được ra tù, do chưa kịp nhận mật khẩu, lại trải qua nhiều thử thách, lần này, lần thứ năm đi tìm Đảng, cụ bắt liên lạc được với tổ chức, tiếp tục hoạt động. Cách mạng Tháng Tám thành công, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Thái Nguyên có tám người, cụ Vũ Hưng, Tỉnh ủy viên tiếp tục là Bí thư Huyện ủy Định Hóa, cụ còn giữ trọng trách này trong nhiều khóa.
Định Hóa là huyện miền núi phía tây tỉnh Thái Nguyên, giáp với chiến khu Tân Trào là cửa ngõ đi vào căn cứ địa Việt Bắc. Trước giải phóng, châu Định Hóa có chín tổng, 33 làng, đời sống bà con các dân tộc rất cơ cực. Thực dân Pháp xây dựng ở đây nhà tù Chợ Chu là nơi giam cầm khổ sai các chiến sĩ cách mạng. Là địa bàn quan trọng nên Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) được Trung ương chọn là nơi xây dựng An toàn khu (ATK), đặc biệt Định Hóa và Đại Từ được chọn là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô Hà Nội.
Nhận nhiệm vụ ở một địa bàn quan trọng, cụ Vũ Hưng đã cùng Đảng bộ và nhân dân làm tốt nhiệm vụ Trung ương và tỉnh tin cậy giao phó. Việc xây dựng và bảo vệ ATK Trung ương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên, trong đó có Đảng bộ ATK Định Hóa. Có thể nói, cụ Vũ Hưng là người trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ trong những năm tháng gay go gian khổ nhất tại Định Hóa. Trực tiếp chỉ huy mũi chống càn Thu Đông năm 1947, khi Pháp tổ chức tiến công bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Xây dựng tình cảm quân dân như cá với nước, giáo dục bà con các dân tộc nêu cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, đặc biệt các xã có đại bản doanh như Điềm Mặc, Đồng Thịnh, bảo vệ an toàn Trung ương và Bác Hồ. Đến đầu những năm 1947, hầu hết các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ đều có ở căn cứ địa Việt Bắc (ATK). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc ở các xã Điềm Mặc, Phú Đình (Định Hóa), Tràng Xá (Võ Nhai)... Ngày 6/12/1953, tại bản Tỉn Keo dưới chân Đèo De, núi Hồng (Định Hóa), Bác Hồ và Trung ương Đảng đã họp, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bác và Trung ương Đảng còn chọn xã Đồng Thịnh là nơi có địa hình gần giống với thung lũng Điện Biên, để Trung đoàn 46, Đại đoàn 308 diễn tập thực binh, chuẩn bị phương án tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
(Nguyễn Thế Vinh)