Quyền lực công phải được sử dụng hiệu quả

11:00, 16/02/2012

  • Nhân rộng việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý

 

Vấn đề bố trí người đứng đầu, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng là một nhiệm vụ rất quan trọng đã được Đảng ta khẳng định từ lâu. Có làm tốt vấn đề này mới cụ thể hóa được nguyên tắc tập trung dân chủ, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong sinh hoạt Đảng cũng như trong lãnh đạo, quản lý, điều hành từng đơn vị, tổ chức cũng như cả đất nước, xã hội...

 

Tôi đề nghị nghiên cứu tổng kết, nhân rộng việc thực hiện thí điểm thi tuyển cạnh tranh các chức danh. Từ năm 2008 việc thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã được thực hiện ở tỉnh Long An, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An... Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ; đồng thời nhằm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 

Gần đây, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 30c như: Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Đặc biệt, nghị quyết nêu rõ thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thông qua thi tuyển không phải là vấn đề mới, điều còn lại là cương quyết tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, dân chủ và công tâm.

 

Mặt khác cần tăng cường công tác giám sát đối với người đứng đầu các cơ quan. Trong đó chú trọng công tác giám sát của Quốc hội, HĐND và tăng cường hoạt động giám sát, phản biện nhân dân trong điều kiện mở rộng và phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay, không có vùng cấm, ngoại lệ...

 

Cuối cùng là nâng cao văn hóa từ chức. Lâu nay trong đời sống chính trị nước nhà chưa làm quen với việc từ chức khi phạm phải sai lầm hay chịu trách nhiệm về những chuyện bê bối... Chúng ta chưa có thói quen, chưa xây dựng được văn hóa từ chức, mới chỉ có vài người bộc phát và nhiều khi vì tự ái cá nhân mà từ chức. Nếu khuyến khích một điều gì đó thuộc về thể chế dân chủ pháp quyền thì phải bình đẳng giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm. Muốn ai đó từ chức thì cái gốc là phải có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo quản lý. Trên cơ sở đó để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát. Thứ nhất, người lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ 1 -2 năm thì phải xin từ chức, coi đó như chuyện bình thường. Thứ hai, trong quá trình làm việc mặc dù chưa có sai sót nhưng anh cảm thấy không làm tốt được công việc thì xin từ chức để làm việc khác phù hợp hơn. Thứ ba, nếu mắc khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng thì phải xin từ chức trước khi cơ quan thẩm quyền kỷ luật. Xây dựng văn hóa từ chức là một quá trình phải minh bạch và sòng phẳng.

 

Quyền lực công, xét ở góc độ kinh tế - chính trị là một nguồn lực xã hội vô cùng lớn. Nó phải được sử dụng một cách hiệu quả và tương thích với xu hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng. Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền, đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ.

 

Diệp Văn Sơn

 

  • Phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng

 

Tôi rất vui khi nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay bởi vì nghị quyết đã đề cập đến những vấn đề thiết thân của mỗi người, mỗi đảng viên nói riêng cũng như của Đảng, của đất nước nói chung. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Trải qua 82 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

 

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 

Trong lĩnh vực âm nhạc, cùng với sự đổi mới của đất nước theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hoạt động âm nhạc do tư nhân tổ chức đã có nhiều đóng góp lớn trong nền âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tác động không tốt đối với hoạt động âm nhạc của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, chẳng hạn như dùng đồng tiền để lôi kéo những người muốn đi vào con đường âm nhạc, dùng đồng tiền và thế lực để làm sai lệch những kết quả bình chọn, tạo ra những kết quả ảo về những thành tựu không đáng có. Không ít cán bộ đảng viên bị đồng tiền lung lạc làm mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Một số cuộc thi sáng tác, ca hát, một số đảng viên ỷ chức quyền muốn quyết sao thì quyết tạo ra sự mất niềm tin về nghệ thuật trong công chúng. Giữa nói và làm chưa đi đôi với nhau. Một số đảng viên có con đi du học nước ngoài, với lương bổng hiện nay không biết nguồn tài sản nào để cho các cháu du học. Chính vì thế, việc Đảng ta yêu cầu kê khai tài sản được nhân dân đồng tình và mọi người còn mong muốn làm rõ những sự việc trong quá khứ.

 

Theo tôi nghĩ, một trong những vấn đề lớn hiện nay là làm thế nào để các phương tiện truyền thông đại chúng phát huy sức mạnh của mình trong công cuộc góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đi vào cuộc sống. Các phóng viên phải tỉnh táo trước mọi cám dỗ để hoàn thành sứ mệnh nhân dân luôn đặt niềm tin vào chức năng của mình, đừng để những cám dỗ không đáng có làm sai lệch thông tin. Tôi luôn hằng mong những cái tốt sẽ thắng những cái xấu.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên