"Vạch đường đi từng bước từng giờ"

11:25, 28/02/2012

Đã 65 năm nhưng nền đất như còn ấm dấu chân Người. Vẫn còn đó cây đa cổ thụ, cây râm bụt Bác trồng. Chính nơi đây, 65 năm trước, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã “Vạch đường đi từng bước, từng giờ” cho cách mạng Việt Nam đến ngày “Kết vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Địa danh ấy đã đi vào lịch sử và đối với những người con của Thái Nguyên, An toàn khu (ATK) Định Hóa mãi là niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của vùng quê cách mạng.  

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thực dân Pháp với những vũ khí, trang bị hiện đại điên cuồng tìm kiếm nơi di tản của Bác và Chính phủ ta. Thu Đông 1947, bọn địch đã đánh vào cánh đồng Cảm Tra nhưng bị bộ đội du kích diệt trên trăm tên phải rút chạy. Sau này giặc Pháp ném bom Thanh Định, Bình Yên (là 2 xã thuộc huyện Định Hóa) vẫn không phát hiện ra nơi Bác ở và làm việc. Bởi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Địch cũng không ngờ ở chỗ (giáp ranh) bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi "Chùa rách, bụt vàng".

 

Ngày 20 tháng 5 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến an toàn khu (ATK) Định Hóa. Địa danh đầu tiên Người đặt chân là đồi Khau Tý thuộc xóm Nạ Tra, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) thuộc huyện Định Hóa. Sở dĩ Người chọn Định Hóa làm nơi ở, nơi làm việc bởi ở đó không chỉ có phong thủy hữu tình: Trên có núi/ Dưới có sông/ Có đất ta trồng/ Có bãi ta vui, mà Định Hóa còn là địa điểm thuận tiện cho việc: Tiện đường sang bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương. Nhưng trên hết Bác chọn Định Hóa là bởi ở đó Bác được sống một cuộc sống giản dị và gần những người đồng bào, đồng chí mà Người hết lòng yêu thương, chăm lo: Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân không gần đường.

 

Với vị trí đắc địa “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ), trong suốt quãng thời gian từ 1947 đến năm 1954, ATK Định Hóa trở thành bộ não, là thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam. Với diện tích tự nhiên hơn 50 nghìn ha (số liệu năm 2005) Định Hóa có mật độ di tích lịch sử dày đặc ghi dấu những tháng ngày chống Pháp gian khổ của quân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của vị Cha già dân tộc. Những địa danh như: Tỉn Keo (Phú Đình), nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 1947-1948, cũng là nơi Hồ Chủ tịch cùng Bộ Chính trị quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953-1954; đồi Nà Đình (xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình), nơi Hồ Chủ tịch ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; đồi Khau Tý (xã Điềm Mạc) nơi ở đầu tiên của Bác Hồ khi đặt chân về ATK Định Hóa ngày 20/5/1947; Phụng Hiển (xã Điềm Mặc) nơi làm viêc của đồng chí Trường Chinh; xóm Bảo Biên, (xã Bảo Linh) nơi cơ quan Bộ Quốc phòng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng từ 1949-1954; làng Quặng, xã Định Biên, tại đây ngày 15/5/1945 diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đội Cứu Quốc quân thành đội Việt Nam Giải phóng quân; Nhà tù Chợ Chu Định Hoá được xây dựng năm 1916 để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam; địa điểm thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá. Tại đây ngày 21/4/1950 đã điễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay)… tất cả đã thành những di tích, là chứng nhân của lịch sử và là những mốc son chói lọi của đất và người Thái Nguyên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm vẻ vang của dân tộc Việt.

 

Cũng chính tại những địa danh ấy, 65 năm trước đây Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã “Vạch đường đi từng bước, từng giờ” để làm nên những chiến thắng vang dội có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp giành độc lập tự do dân tộc. Những định hướng, chiến lược, quyết sách kịp thời để làm nên chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Điện Biên Phủ (1954) đều được bàn bạc, phân tích, tập dượt chuẩn bị rất kỹ lưỡng và bảo đảm sự tuyệt mật nhờ sự bao bọc, che chở của nhân dân và núi rừng Định Hóa.

(Vũ Thiệu)