Sáng 5-3, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 2 để cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng, Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (5 và 6-3-2012). Đồng chí Phạm Xuân Đương, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị (ảnh).
Trong ngày làm việc thứ nhất, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào Đề án sắp xếp tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong các doanh nghiệp (DN) của tỉnh về trực thuộc Đảng bộ Khối DN quản lý; Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2015, đến năm 2020; Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; Kế hoạch học tập, quán triệt triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, BCH TW Đảng khóa XI.
Theo Đề án sắp xếp TCCSĐ trong các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh hiện có trên 3 nghìn DN, 225 DN đã có TCCSĐ với trên 8 nghìn đảng viên, trong đó Đảng bộ Khối DN quản lý 63 TCCSĐ, chiếm 27,6% TCCSĐ với 2.850 đảng viên. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hoạt động của các TCCSĐ trong các DN còn gặp một số khó khăn như: hệ thống TCCSĐ trong các DN phân tán và do nhiều cấp quản lý, chưa có sự sắp xếp đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị; có tình trạng một DN sản xuất kinh doanh trong tỉnh nhưng có nhiều TCCSĐ hoạt động độc lập trực thuộc nhiều cấp uỷ khác nhau... Từ thực tế trên, phương án sắp xếp tổ chức Đảng trong các DN trên địa bàn tỉnh được đưa ra theo 4 mô hình là: Tỉnh uỷ, Đảng bộ Khối DN, Đảng bộ huyện, thành thị và Đảng bộ xã, phường, thị trấn quản lý.
Đóng góp ý kiến vào đề án này, đa số các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết của việc sắp xếp các TCCSĐ trong các DN của tỉnh. Tuy nhiên, việc sắp xếp phải có lộ trình. Giai đoạn đầu các đơn vị thuộc ngành dọc sắp xếp trước, các đơn vị lớn, thuộc Trung ương vẫn để trực thuộc các Đảng bộ địa phương và sẽ sắp xếp sau. Sự sắp xếp phải phù hợp với địa phương để hạn chế bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát động thực hiện các phong trào đoàn thể. Đảng bộ Khối DN cần xây dựng quy chế phối hợp với Đảng bộ các huyện, thành thị để thực hiện tốt các nội dung của Đề án. Về tên gọi nên đặt là Đề án sắp xếp TCCSĐ, đoàn thể trong các DN.
Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Phạm Xuân Đương hoan nghênh các ý kiến đã tham gia đóng góp cho đề án. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đây là đề án có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các DN trên địa bàn và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, đề án phải được xây dựng một cách chặt chẽ. Đồng chí yêu cầu Đảng uỷ Khối DN phải nghiên cứu, xây dựng lại đề án, tham mưu cho Tỉnh ủy bổ sung thêm một số nội dung, trong đó có sự phân cấp rõ ràng, cụ thể hơn, trên cơ sở các căn cứ pháp lý, khoa học, quá trình tổ chức, thời gian thực hiện. Mục tiêu đề ra là phải phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, phát triển đội ngũ DN, doanh nhân và đảng viên trong DN. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy giúp Thường trực Tỉnh ủy phối hợp Đảng uỷ Khối DN tiếp tục hoàn chỉnh đề án và triển khai thực hiện vào đầu quý II-2012…
Đối với Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 -2015, định hướng đến năm 2020, hiện toàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề, trong đó có 47 cơ sở đã đi vào hoạt động với quy mô tuyển sinh năm 2010 đạt trên 38 nghìn người/năm. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề không đều, tập trung ở khu vực thành phố. Quy mô tuyển sinh dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp vẫn còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nghề. Cơ sở vật chất, đội ngũ... đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế... Mục tiêu thực hiện đề án phát triển các cơ sở dạy nghề là nhằm đào tạo nâng cao nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp phục vụ các ngành kinh tế quốc dân; có năng lực thực hành nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Thái Nguyên cũng như Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế...
Góp ý vào Đề án, các ý kiến tập trung nhấn mạnh việc đào tạo nghề phải gắn với thị trường lao động (tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với DN...). Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ, đổi mới giáo trình giảng dạy…
Kết luận nội dung này, đồng chí Phạm Xuân Đương cho rằng: Tính cấp thiết của Đề án phải đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Cần đánh giá kỹ thực trạng lao động hiện nay cũng như mạng lưới dạy nghề. Quan điểm quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề phải phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội bổ sung thêm số liệu, chỉ tiêu để hoàn thiện Đề án trình Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh ủy nghe dự thảo Báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của BCH TW Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước”. Kết quả nổi bật là sau 4 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã phát triển được 14.565 đoàn viên công đoàn (đạt 97% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2013), thành lập 196 công đoàn cơ sở (đạt 78,4% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2013). 185/210 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng được thỏa ước lao động tập thể (đạt 88% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2013). Đặc biệt, có 2.102 công nhân đã được kết nạp vào Đảng.
Tham gia ý kiến vào nội dung này, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá trong dự thảo báo cáo. Phần kiến nghị với TW, có ý kiến đề nghị nâng mức phạt đối với các DN trốn nợ bảo hiểm xã hội của công nhân lên mức cao hơn để đảm bảo tính răn đe. Bổ sung thêm một số kết quả của tỉnh đã làm được khi thực hiện Nghị quyết như: xây dựng các cơ chế chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư của DN; tổ chức các cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN; hằng năm đều tổ chức tôn vinh DN tiêu biểu. Về hạn chế cần nêu rõ những kết quả đạt chưa cao được so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết như: việc nắm bắt tình hình tư tưởng, công tác giáo dục lý luận chính trị cho bộ phận công nhân còn hạn chế. Một số tổ chức công đoàn trong DN hoạt động còn chưa tương xứng với yêu cầu CNH-HĐH…
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, vì thế cần đánh giá được những mặt tích cực và những việc chưa làm được; nêu bật những lợi thế so sánh của tỉnh, các khó khăn, thuận lợi từ đó có những định hướng để thực hiện nghị quyết trong thời gian tới được tốt hơn, xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Muốn làm được điều đó cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các TCCSĐ, phát huy lợi thế ngành nghề sẵn có. Đề nghị các bộ, ngành TW quan tâm, kiến nghị lên Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách đối với công nhân làm ở khu vực độc hại; đẩy mạnh mở rộng sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian nghe dự thảo Kế hoạch triển khai học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, BCH TW Đảng khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Dự kiến, Hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt của tỉnh sẽ được tổ chức trong 2 ngày 28 và 29-3.
Ngày mai (6-3), BTV Tỉnh ủy tiếp tục làm việc để bàn và quyết định một số nội dung quan trọng.