Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI

14:48, 12/03/2012

Sáng 12/3, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ (2012 – 2017) với chủ đề “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển” chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Đại hội vinh dự đón: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng.

 

Phụ nữ góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước

 

Báo cáo đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2007 – 2012, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017 nêu rõ, 5 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và phụ nữ cả nước đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2007 – 2012), thiết thực góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ – TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

 

Về phong trào phụ nữ, trong nhiệm kỳ qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ngày càng được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng rộng rãi, được gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cụ thể hóa vào phong trào thi đua của ngành, địa phương, tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Chiếm tới 51,37% lao động khu vực nông thôn, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, lao động nữ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, giầy da, thương mại, dịch vụ và tham gia ngày càng nhiều vào các ngành kinh tế đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ cao.

 

Thành tựu giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ 5 năm qua có sự đóng góp đáng kể của phụ nữ. Đội ngũ nữ trí thức tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và được trẻ hóa, chiếm 39,7% số người có trình độ thạc sỹ, 21,4% số người có học vị tiến sỹ, 10,27% số giáo sư và 25,78% phó giáo sư được phong tặng trong 5 năm qua.

 

Công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, coi trọng phát huy nội lực của phụ nữ để giảm nghèo bền vững. Các phong trào phụ nữ, các cuộc vận động triển khai sâu rộng khắp cả nước đã tạo được nguồn lực vật chất to lớn trị giá trên 3.400 tỷ đồng, giúp cho trên 5,6 triệu lượt phụ nữ trong nhiệm kỳ vừa qua.

 

Công tác dạy nghề có bước chuyển biến quan trọng với việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015” trên phạm vụ toàn quốc. Đến cuối năm 2011, các cấp Hội đã tổ chức và phối hợp, liên kết dạy nghề cho hơn 1,1 triệu lượt lao động nữ, trong đó có gần 300.000 lao động nữ được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 800.000 lao động.

 

Chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở được nâng lên; 95% cơ sở Hội xây dựng được lực lượng hội viên nồng cốt; số cơ sở được xếp loại vững mạnh và xuất sắc đạt 98,27%. Đến cuối nhiệm kỳ, đã thu hút, tập hợp được trên 15,3 triệu phụ nữ vào tổ chức Hội, đạt 72,73%, tăng 9,11% so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ phát triển hội viên trong hộ gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đạt 80,42%.

 

Những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội trong 5 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân: 7 Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, 7 Huân chương Hồ Chí Minh, 412 Huân chương Độc lập các hạng, 2.101 Huân chương Lao động các hạng, 29 Nhà giáo Nhân dân.

 

Xác định một số khâu công tác đột phá

 

Các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2012 – 2017 được Hội đề ra là: 80% phụ nữ trở lên được Hội tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và giáo dục phẩm chất đạo đức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đến cuối nhiệm kỳ có ít nhất 700.000 chủ hộ nghèo là phụ nữ được vay vốn và được Hội giúp đỡ, trong đó có khoảng 400.000 hộ thoát nghèo; hàng năm tư vấn nghề, giới thiệu và tạo việc làm cho 100.000 lao động nữ; đào tạo nghề cho 50.000 lao động nữ, trong đó khoảng 70% có việc làm sau học nghề; 100%  cán bộ chủ chốt cấp trung ương và tỉnh đạt chuẩn chức danh theo quy định; 90% trở lên cán bộ chủ chốt cấp huyện Chủ  tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp có sở đạt chuẩn chức danh về  trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

 

Trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định 3 khâu đột phá là tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả cuộc vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững. Xây dựng được cơ chế quy định trách nhiệm của Hội trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt cấp Trung ương và cơ sở.

 

Đại hội cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong nhiệm kỳ, trong đó có tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phầm chất đạo đức; nâng cao trình độ nhận thức.

 

Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường.

 

Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, phụ nữ Việt Nam có truyền thống yêu nước và cách mạng, đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bày tỏ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 – 2017 mà Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa X trình Đại hội, đặc biệt là mục tiêu và các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét.

 

Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần nắm vững và quán triệt sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Cương lĩnh Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới… Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời chăm lo bảo vệ lợi ích, bảo vệ quyền của chị em phụ nữ.

 

Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các cấp hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện hiệu quả các chính sách về hôn nhân – gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ  - trẻ em, bảo vệ môi trường… Phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể để bồi dưỡng cho phụ nữ kiến thức về nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ thuần phong, mỹ tục… Lên án những hành vi vô đạo đức, vô trách nhiệm trong quan hệ gia đình.

 

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo tinh thần Nghị quyết 11 - NQ/TWvề công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Kết luận số 62 – KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi  mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ.

 

Cho biết vừa qua Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các cấp hội cần tổ chức thật nghiêm túc việc quán triệt, học tập, triển khai Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị tới toàn thể cán bộ, hội viên của Hội đồng thời hướng dẫn để cán bộ, hội viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng vững mạnh.

 

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, công việc nhiệm kỳ tới của Hội sẽ có những việc khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Hội đủ sức lãnh đạo phong trào và công tác Hội. Tại Đại hội này, cùng với việc đóng góp vào Báo cáo Chính trị, Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung, các đại biểu Đại hội còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng là hiệp thương để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội bao gồm các đồng chí có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhiệt tình và trách nhiệm cao, đủ sức lãnh đạo phong trào và công tác Hội nhiệm kỳ tới.