Vai trò Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố: Chú trọng nhiều hơn công tác cán bộ

11:52, 16/03/2012

Chất lượng cán bộ là một nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động Hội đồng nhân dân (HĐND) không cao. Đó là ý kiến nhiều đại biểu dự Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 3, nhiệm kỳ 2011-2016, diễn ra tại Hà Nội chiều 15-3 (ảnh). Chủ đề hội nghị lần này là “Vai trò của Thường trực HĐND trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND”.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Bích, công tác tổ chức cán bộ là khâu quan trọng nhất quyết định hiệu lực, hiệu quả của HĐND. Tuy nhiên công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ, trong đó có lãnh đạo chuyên trách của cơ quan dân cử thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng quy hoạch cán bộ chưa kịp thời, bị động trong bố trí, sử dụng cán bộ còn khá phổ biến. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo chưa tương xứng với cương vị được giao, cơ chế hoạt động, chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ về làm công tác HĐND còn thiếu.

 

Về chất lượng cán bộ làm công tác HĐND còn thiếu và yếu so với yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND trong tình hình mới- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thành Công thẳng thắn thừa nhận.

 

Ông Công nhận xét, thực tế đội ngũ chuyên viên được ví như “biết tuốt” vì phải tham mưu cho thường trực HĐND tất cả các vấn đề, và đó là lý do khiến chất lượng công tác chưa cao.

 

Theo quy định, đại biểu HĐND có quyền báo cáo nguyện vọng cử tri, nắm bắt những vấn đề bức xúc trong dư luận, nhưng ông Trương Anh Tuấn - Thường trực HĐND tỉnh Nam Định cho hay, thực tế rất ít cử tri gửi câu hỏi đến cơ quan này nên HĐND thường lại không phải là đơn vị đầu tiên phát hiện các vụ việc xảy ra ở địa phương.

 

Tình trạng lựa chọn đơn vị mạnh, thuận để tổ chức tiếp xúc cử tri vẫn còn nên thông tin thu được từ tiếp xúc cử tri chưa đa dạng. Đó là lý do dẫn đến nhiều thông tin ở chính đơn vị mình “vỡ” ra, nơi khác biết rõ mà thường trực HĐND nơi này không biết.

 

Nguyên nhân của tình trạng này liên quan nhiều đến chất lượng đại biểu mà cụ thể là cái tâm và tầm của họ. Theo ông Tuấn, trình độ đại biểu còn thấp, nhiều nơi đại biểu không đủ thông tin, đủ tầm để giải đáp những thắc mắc của cử tri. Nhiều đại biểu chưa hiểu rõ quyền, trách nhiệm của họ chưa có kĩ năng, kinh nghiệm trong tiếp xúc cử tri. Có đại biểu dân cử khi được bầu rồi vẫn không biết mình phải làm gì khiến việc giám sát, thực hiện lời hứa trong trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa đạt yêu cầu.

 

Ông Nguyễn Bá Toan - Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, chất lượng tiếp xúc cử tri còn yếu, nhiều cuộc tiếp xúc cử tri còn tình trạng “đại biểu thì kiêm nhiệm, cử tri thì chuyên trách”. Việc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp ở một số nơi còn mang tính hình thức. Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn trường hợp trả lời vòng vo, né tránh không đi thẳng vào vấn đề và đổ trách nhiệm cho hoàn cảnh khách quan. Tình trạng kiêm nhiệm, thiếu thực quyền của đại biểu HĐND cũng khiến cho nhiều kết luận giám sát, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai chưa được quan tâm giải quyết.

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại vướng mắc về công tác giám sát, ban hành văn bản pháp luật…Vì vậy thời gian tới, hoạt động của HĐND các cấp cần khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát huy vai trò, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đặt ra với hoạt động của các cơ quan dân cử.