Việc "làm theo" của đảng viên sẽ được chi bộ giám sát

09:24, 05/03/2012

Mới đây, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 26 tháng 9 năm 2011 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015”. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với đồng chí Lê Quang Dực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án về vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí, chúng ta đã qua 4 năm triển khai Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có ý kiến cho rằng chúng ta mới làm mạnh được ở bề rộng, nghĩa là triển khai học tập, xây dựng chương trình hành động, tổ chức các cuộc thi… mà chưa đạt được sự chuyển biến thật sự ở chiều sâu. Nhiều phong trào, điển hình được nêu gương còn “lẫn” với phong trào, cuộc vận động khác. Đồng chí nghĩ thế nào về điều này?

 

Đồng chí Lê Quang Dực: Ý kiến nhận xét trên có một phần đúng.

 

4 năm qua, Cuộc vận động đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo của tỉnh cũng nhận thấy còn hạn chế, như: còn một số chi, đảng bộ cơ sở triển khai các nội dung Cuộc vận động chưa đúng theo yêu cầu, kế hoạch đề ra; cá biệt còn đảng bộ cơ sở mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức cho đảng viên, công chức, viên chức học tập mà chưa có hình thức mở rộng tuyên truyền trong hội viên, đoàn viên và nhân dân; việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Cuộc vận động chưa được ban chỉ đạo các cấp quan tâm; một số cơ sở chưa gắn nội dung Cuộc vận động với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương…

 

Như vậy, có thể khẳng định rằng mục tiêu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức” và “đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị” đã đạt được kết quả tốt. Tuy vậy, cũng còn một số nội dung khác như đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội; sự chuyển biến trong làm theo thì đúng là vẫn còn hạn chế. Chính bởi vậy, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14 tháng 5 năm 2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh cũng xây dựng Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 26 tháng 9 năm 2011 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015” để triển khai thực hiện.

 

Về việc các tấm gương, các điển hình còn “lẫn” với điển hình của các phong trào, cuộc vận động khác, tôi cho rằng ta nên nhìn nhận, đánh giá ở khía cạnh chiều sâu, chứ không nên chỉ xét qua hình thức. Những tấm gương và điển hình mang tính chất, đặc thù riêng có trong Cuộc vận động này thì rất ít; mà chủ yếu là những gương, điển hình xuất hiện sau thời điểm phát động Cuộc vận động, được gắn liền với sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức. Việc có sự “trùng lặp”, “giao thoa” giữa các gương, điển hình như vậy cũng dễ hiểu, vì tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác không phải là những gì cao xa, dị biệt, mà ngược lại, rất đời thường, dung dị, là những phẩm chất đạo đức vốn đã có trong đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Bởi vậy, những tấm gương như thế đã có sẵn, có nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Một người bình thường có thể đã có ý thức cần cù từ khi chưa được học tập tư tưởng, tấm gương của Bác. Sau khi học tập, họ lại tiếp tục suy nghĩ, vận dụng, làm theo; nhưng có thể khi đó họ đã nâng cao hơn về nhận thức, ý thức để thực hiện. Chẳng hạn, họ biết thêm rằng: cần cù còn phải đi đôi với có lao động kế hoạch; không phải là làm xổi, cố sống cố chết trong một ngày, một tuần, hoặc một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc…Những tấm gương đó, dù có gắn liền với Cuộc vận động, thì vẫn là những điển hình, tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước hay phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư…

 

P.V: Đồng chí có cho rằng kết quả chưa như mong muốn trên có nguyên nhân của việc chỉ đạo còn chung chung, chưa lượng hóa, giám sát chặt ở tất cả các khâu?

 

Đồng chí Lê Quang Dực: Khi phân tích vào những mặt còn hạn chế thì có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về chỉ đạo. Nếu nói công tác chỉ đạo chưa đạt thì cũng phải xem đó là chỉ đạo ở cấp nào? về khía cạnh gì? nội dung các biện pháp chưa phù hợp hay do việc tổ chức thực hiện còn yếu?... Theo tôi, nội dung chỉ đạo ở chặng tiếp theo này (thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Đề án số 09 của BCH Đảng bộ tỉnh) có nhiều nội dung được lượng hoá, vì nó liên quan đến mục tiêu làm theo là chủ yếu, chứ không phải mục tiêu học tập, nâng cao nhận thức như giai đoạn trước nữa. Bên cạnh đó, việc thực hiện ở giai đoạn này còn gắn liền với Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”, trong đó, hàng loạt vấn đề về xây dựng đảng như: xác định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ; việc quy hoạch, bố trí, luân chuyển cán bộ; việc kê khai tài sản; quy chế giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp… đều có sự đổi mới mạnh mẽ, từ đó sẽ có tác dụng tích cực đến quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

P.V: Theo đồng chí, khâu quan trọng và điểm mới nhất trong Đề án số 09-ĐA/TU chúng ta phải làm là gì?

 

Đồng chí Lê Quang Dực: Khâu quan trọng nhất vẫn là việc tổ chức triển khai thực hiện ở cơ sở; trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Đi liền với đó là công tác kiểm tra của cấp uỷ các cấp, việc tự giác thực hiện cũng như tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc triển khai Đề án 09 gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị. Sẽ có nhiều điểm mới, cả về nội dung và cách thức triển khai. Chẳng hạn, việc học tập các chuyên đề năm nay sẽ không tổ chức học tập chung, mà học tại chi bộ. Chi ủy sẽ tự lựa chọn và quyết định nội dung học tập hằng tháng dựa trên tài liệu của Trung ương và hướng dẫn của Tỉnh uỷ, của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Sau khi nghiên cứu, cán bộ, đảng viên trong chi bộ sẽ tập trung thảo luận, liên hệ với thực tiễn ở cơ quan, đơn vị; với chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên… đồng thời đăng ký những việc cụ thể để làm theo và thông báo trước chi bộ cho mọi người cùng theo dõi, giúp đỡ thực hiện. Tại buổi sinh hoạt kế tiếp sẽ kiểm điểm việc thực hiện của tháng trước. Toàn bộ kết quả thực hiện trong năm sẽ là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ và đánh giá, phân loại đảng viên.

 

P.V: Đến nay, chúng ta đã triển khai Đề án này đến đâu, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Lê Quang Dực: Sau khi có Kế hoạch số 10-KH/TU, ngày 08/12/2011 về triển khai thực hiện Đề án, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tại đảng bộ. Một số đảng bộ thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai, đồng thời kết hợp triển khai Đề án số 09 với các Đề án khác của Tỉnh uỷ về công tác xây dựng Đảng. Theo Kế hoạch số 10, trong quý I hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xây dựng nội dung và hướng dẫn học tập gửi các đơn vị. Do năm nay là năm đầu tiên thực hiện, nên ngay từ cuối năm ngoái, Ban Tuyên giáo đã ban hành 02 Hướng dẫn (Hướng dẫn bổ sung chuẩn mực đạo đức theo theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hướng dẫn việc học tập chuyên đề tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh); đồng thời, vừa tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Hướng dẫn số 05, ngày 08/02/2012 về việc đưa việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Để việc thực hiện đạt kết quả tốt, Lãnh đạo Ban đã phối hợp với Chi uỷ Ban Tuyên giáo tổ chức thí điểm việc học tập chuyên đề tại Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sau đó rút kinh nghiệm và giao cho cán bộ phụ trách đơn vị xuống từng đảng bộ giúp triển khai các buổi sinh hoạt điểm tại đảng bộ đó. Thời gian triển khai điểm trong các đảng bộ trực thuộc là vào đầu tháng 3/2012, sau đó sẽ triển khai đồng loạt và duy trì thực hiện hằng tháng tại các chi bộ. Đây là cách làm mới, sáng tạo, thể hiện việc đề cao trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương của Bác trong toàn đảng bộ tỉnh.

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!