Khởi nghĩa Thái Nguyên – Một thời để nhớ

15:54, 29/08/2012

“Khởi nghĩa Thái Nguyên - một thời để nhớ” là tên gọi chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ kỷ niệm 95 năm khởi nghĩa Thái Nguyên do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức vào tối 31/8.

Sau cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế (Bắc Giang) giai đoạn 1887-1913 gắn liền cùng tên tuổi của người anh hùng Hoàng Hoa Thám với danh xưng hùm thiêng Yên Thế làm thực dân Pháp ngày đêm lo sợ, mất ăn mất ngủ, người dân Việt Nam và Thái Nguyên có quyền tự hào về khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 - cuộc khởi nghĩa vũ trang hào hùng vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc đầu thế kỷ XX.

 

Nhân dân rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trước tình cảnh đó, những người con của quê hương Thái Nguyên đã tập hợp anh em có tinh thần yêu nước thương nòi, dựng cờ khởi nghĩa, đứng đầu là Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến làm nên một cuộc khởi nghĩa vũ trang kéo dài gần 6 tháng, trong đó có khoảng 6 ngày quân ta làm chủ thị xã Thái Nguyên. Sau 95 năm, nét hào hùng, bi tráng của cuộc khởi nghĩa lại được tái hiện lại trong chương trình nghệ thuật đặc biệti “Khởi nghĩa Thái Nguyên - một thời để nhớ”. Ngoài màn thả đèn hoa đăng, dâng hương trong đền thờ Đội Cấn, khán giả sẽ được xem một loại hình sử thi đặc biệt: vũ kịch.

 

Anh Đặng Tiến Sơn, Trưởng Phòng sản xuất phim, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, đạo diễn chương trình nghệ thuật này cho biết: Xây dựng kịch bản này chúng tôi có một thuận lợi là nội dung tư liệu lịch sử chúng tôi đã nắm rõ qua thời gian sản xuất bộ phim “Dưới cờ phục quốc” năm 2010. Trên cơ sở đó chúng tôi đưa ra ý tưởng làm vũ kịch, dùng âm nhạc và ánh sáng với điệu múa thể hiện nội tâm...

 

Trong thời gian 40 phút, màn sử thi tái hiện lại quãng thời gian khoảng 6 ngày khi quân ta đánh chiếm và làm chủ thị xã Thái Nguyên. Chúng tôi lựa chọn vũ kịch vì loại hình nghệ thuật này thể hiện rõ nét những cảm xúc nội tâm của con người thông qua các động tác, điệu bộ, hình thể, múa kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc và hiệu ứng ánh sáng thể hiện nét bi tráng của các nghĩa sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên. Khó nhất với chúng tôi là có thể viết được cảnh kết của màn sử thi, làm sao vừa diễn tả đúng lịch sử vừa hào hùng vừa bi tráng của cuộc khởi nghĩa.

 

Cảnh mở đầu của màn sử thi tái hiện lại phiên chợ quê bình dị, nhân dân ta sống trong lầm than, cơ cực dưới sự bóc lột của bọn thực dân xâm lược và lũ Việt gian bán nước thường xuyên bắt bớ, đàn áp. Không thể đứng yên, người dân đã tự phát nổi dậy chống địch và bị bắt vào lao tù. Trong tù ngục tăm tối, cuộc gặp của hai con người với chí hướng lớn vì độc lập tự do của nhân dân và dân tộc đã soi sáng nhà lao và tâm hồn biết bao người cùng khổ đó là Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến.

 

Không lời thoại của nhân vật nhưng qua những vũ điệu, diễn xuất dưới nền nhạc của các diễn viên, người xem sẽ cảm nhận được cả sân khấu như bừng lên sự căm hờn, phẫn uất đến đỉnh điểm. Sau đó là màn vũ kịch tái hiện khung cảnh chiến đấu ào ào của quân và dân ta nhất tề xông lên giết giặc, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của giặc nhưng cũng gặp phải không ít thương vong. Trong tiếng nhạc chiến tranh khốc liệt, những động tác múa nhanh, mạnh, dứt khoát giúp chúng ta như cảm nhận rõ hơn về không khí những năm tháng hào hùng của khởi nghĩa Thái Nguyên đầu thế kỷ XX. Nổi bật trong đó là lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của những nghĩa sĩ mặc dù đối mặt với cái chết cận kề. Và ấn tượng nhất là hình ảnh lá cờ đỏ 5 ngôi sao vàng phấp phới bay, là điểm khởi đầu để cách mạng Việt Nam phát triển với sự ra đời sau này của Đảng cộng sản, sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trên con tàu Latutsơ…

 

Tham gia chương trình nghệ thuật lần này, 60 diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh và Đoàn Văn nghệ Quân khu I đã tích cực tập luyện hàng tháng nay. Ngày 28/8, ngoài trời nắng nóng oi bức, phòng tập của Đoàn Nghệ thuật Quân Khu I hầm hập nhưng hòa vào không khí tập luyện say mê của các diễn viên, biên đạo múa, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết mà họ gửi vào vở diễn. Trò chuyện với chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao, anh Trần Tú Nam, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh, người vào vai Lương Ngọc Quyến cho biết: Đã tham gia nhiều vai diễn nhưng tôi hay vào vai phản diện, lần này được giao vai Lương Ngọc Quyến tôi có chút lo lắng. Tuy nhiên, tôi đã dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, con người ông để có thể nhập tâm hết mình vào vai diễn, thể hiện được tính cách và con người ông thông qua các hành động dứt khoát và nội tâm day dứt nghĩ mưu lược...

 

Còn anh Nguyễn Chiến Thắng, biên đạo Đoàn Văn công Quân khu I, tham gia biên đạo chương trình nghệ thuật này cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia biên đạo vũ kịch lịch sử có liên quan đến lịch sử địa phương nên cảm thấy rất gần gũi, nhập tâm nhanh. Mong muốn của chúng tôi là tạo nhân vật có điểm nhấn, thân thiện với khán giả. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ đạo, động viên anh em văn nghệ sĩ cố gắng hết mình tập luyện vì thành công của chương trình. Trong màn sử thi này, khi nghĩa quân chiếm được thị xã Thái Nguyên, chúng tôi có tạo dựng một chi tiết thể hiện tình yêu nam nữ, điều ấy nói lên dù chiến tranh khốc liệt đến đâu thì niềm khát khao sự sống, tự do và tình yêu mãnh liệt vẫn cháy bỏng trong trái tim mỗi người con đất Việt. Đó là nguồn mạch tiếp sức cho các nghĩa sĩ, bần nông đứng dậy khởi nghĩa vũ trang, tiếp lửa cho các phong trào cách mạng nổi dậy và thành công sau này...

 

Hồi kết của màn sử thi tạo ấn tượng mạnh với người xem khi các nhân vật xếp thành hình tượng đài các nghĩa sĩ, sau đó là hình ảnh trên clip về Lênin với Cách mạng tháng Mười Nga và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước… Rồi thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945; miền Nam hoàn toàn giải phóng vào mùa xuân 1975 lịch sử… Khớp nối với các hình ảnh trên clip là hai bài hát về Thái Nguyên đổi mới, với những điệu múa thể hiện trên quê hương tươi mới hôm nay, nhân dân không quên tri ân với quá khứ hào hùng của các nghĩa sĩ trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên ngày ấy... tạo sự liên tưởng phát triển liền mạch giữa quá khứ với hiện tại.

 

Với tâm huyết của những người làm chương trình, sự nỗ lực, say mê tập luyện của các diễn viên, hy vọng rằng chương trình nghệ thuật đặc sắc thấm đẫm chất sử thi “Khởi nghĩa Thái Nguyên - một thời để nhớ” sẽ mang đến cho người xem những giây phút hào hùng mà bi tráng về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên; tái hiện lại hình ảnh quả cảm, lẫm liệt của lực lượng nghĩa sĩ thời kỳ ấy gồm binh lính trại Khố xanh, tù quốc sự phạm, dư binh cuộc khởi nghĩa Yên Thế và người dân Thái Nguyên, trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo của Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến.