Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1970-1972

14:46, 27/08/2012

Đầu tháng 2 năm 1970, Quân ủy Trung ương Lào đề ra quyết tâm giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Cuộc tiến công bắt đầu từ ngày 10 đến 21 tháng 2 năm 1970.  

NĂM 1970

Tháng 1

Trong mùa khô 1970, tình hình cách mạng Lào vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trước tình hình đó, ngày 12 tháng 1 năm 1970, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Chỉ thị về một số mặt công tác lớn cần chỉ đạo trong mùa khô 1970, nêu rõ: tổ chức chống càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng của địch. Di tản, bảo vệ dân và chống âm mưu gom dân của địch. Trong đợt này, các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An (Việt Nam) đã đón tiếp, giúp đỡ hàng nghìn người dân Lào sang sơ tán. Hành động nhường cơm sẻ áo của nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An với nhân dân Lào sang lánh nạn đã góp phần vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt.

Tháng 2
Đầu tháng 2 năm 1970, Quân ủy Trung ương Lào đề ra quyết tâm giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Cuộc tiến công bắt đầu từ ngày 10 đến 21 tháng 2 năm 1970. Kết quả là, 6.000 tên (phần lớn là lực lượng đặc biệt) bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng nghìn tên khác bỏ trốn. Liên quân Lào - Việt Nam thu giữ, phá hủy hàng nghìn súng và phương tiện chiến tranh các loại, trong đó có 25 đại bác, 70 xe quân sự (cả xe tăng và xe bọc thép), trên 100 máy vô tuyến điện, bắn rơi và phá hủy 42 máy bay.

Chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lần này đã giáng một đòn vào đế quốc Mỹ và tay sai, đập tan cố gắng cao nhất của chúng trên một địa bàn chiến lược quan trọng ở Lào, đánh lùi một bước những ý đồ và thủ đoạn chiến lược mới của Mỹ ở Lào, đẩy chúng đến những khó khăn mới. So sánh lực lượng tiếp tục chuyển biến có lợi cho cách mạng Lào.
Tháng 3

- Nhằm thực hiện nhiệm vụ giải phóng thị xã Áttapư, tiến tới giải phóng thị xã Xalavăn, tháng 3 năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào thống nhất thành lập Mặt trận X. Đồng chí Hoàng Kiện - Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm Tư lệnh kiêm chính uỷ. Đồng chí Trần Quyết Thắng - phó chính uỷ, đồng chí Nguyễn Quốc Thước (Trung đoàn 24/B3 Tây Nguyên) - phó tư lệnh. Lực lượng chiến dịch gồm 2 tiểu đoàn bộ binh và 3 đại đội; Đại đội đặc công S4 của Đoàn 968, Trung đoàn 24/B3 sang phối hợp với lực lượng vũ trang của Lào và chuyên gia quân sự Việt Nam đang hoạt động ở Hạ Lào...

- Từ ngày 2 đến 4 tháng 3 năm 1970, Đảng ủy Mặt trận 139 đã họp đánh giá kết quả hoạt động tác chiến bước 2 và đề ra phương hướng tác chiến bước 3. Về địch, đã tiêu diệt 4.000 tên, chiếm 1/3 lực lượng đặc biệt, thu 12 pháo, bắn rơi 16 máy bay, thu hồi vùng giải phóng Cánh đồng Chum, Mương Xủi và mở rộng vùng giải phóng ra Mương Pốt, Phu Hủa Xàng, Xen Chồ. Thắng lợi trên có ý nghĩa to lớn về chính trị và quân sự; đánh bại kế hoạch chiến lược hòng chiếm lâu dài Cánh đồng Chum; tạo thế cân bằng cho đấu tranh ngoại giao. Phá vỡ thế chiến lược của Mỹ ở Lào, tạo so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng Lào.

 

Chủ trương, phương hướng bước 3: địch tuy thất bại nhưng chúng chưa từ bỏ âm mưu... Cần khuếch trương thắng lợi, tiếp tục tiến công vào trung tâm của lực lượng đặc biệt, tiêu diệt phần lớn lực lượng này, giải phóng đất đai, nối liền với vùng giải phóng Sầm Nưa. Nhiệm vụ là tiếp tục tiến công địch, đánh chiếm địa bàn có lợi, mở rộng vùng giải phóng. Phương châm là thừa thắng xốc tới, vừa tiến công quân sự vừa đẩy mạnh địch vận... Trong khi tiến công, tranh thủ chuẩn bị kế hoạch phòng thủ. Tích cực giúp Lào củng cố vùng giải phóng, xây dựng lực lượng...

 

- Để giúp cách mạng Lào phát triển hơn nữa, ngày 3 tháng 3 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) tiến hành họp bàn về công tác giúp Lào. Tham gia cuộc họp có các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương, Song Hào, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn, Hoàng Thế Thiện - Ủy viên Thường trực Quân ủy. Cơ quan có các đồng chí: Lê Ngọc Hiền, Đoàn Thế Hùng, Đỗ Trình.

 

Về tình hình toàn Lào, cuộc họp nhận định: địch tiến hành xây dựng một số binh đoàn cơ động (GM). Về không quân, chúng tăng cường đánh phá vào các trọng điểm giao thông. Các cuộc tiến công bằng bộ binh tập trung vào các địa bàn chiến lược, nhất là Cánh đồng Chum. Tại đây, ta đã đánh bại nhiều cuộc hành quân của địch, giành thắng lợi lớn ở Phu Cút, Phả Thí, Nặm Bạc,... Địch từ chủ động dần chuyển vào thế phòng ngự bị động, lúng túng.

 

Về vấn đề lực lượng, công tác bảo đảm và chuẩn bị cho những trận đánh lớn nhằm đánh bại các bước leo thang của Mỹ ở chiến trường Lào, hội nghị quyết định một số vấn đề về chủ trương hoạt động của bộ đội chủ lực, quân tình nguyện ở chiến trường Lào...

 

Tháng 4

 

- Quyết tâm giữ vững địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, ngày 3 tháng 4 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) ra nghị quyết về nhiệm vụ giúp Lào ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Nghị quyết chỉ rõ: tháng 8 năm 1969, Mỹ và tay sai dùng lực lượng đặc biệt Vàng Pao cùng với không quân Mỹ tiến công Cánh đồng Chum nhằm thu hẹp vùng giải phóng của Lào. Từ tháng 10 năm 1969, các lực lượng liên quân đã phối hợp chiến đấu, đánh bại các biện pháp tác chiến mới của địch, giải phóng toàn bộ Cánh đồng Chum.

 

Chiến dịch Cánh đồng Chum đã giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược, đánh bại kế hoạch chiếm đóng lâu dài của địch, giải phóng toàn bộ vùng địa bàn chiến lược quan trọng này; đánh bại thủ đoạn dùng lực lượng Vàng Pao kết hợp với không quân Mỹ đánh phá ở mức cao nhất từ trước tới nay.

 

Thời gian tới, kế hoạch của Việt Nam giúp Lào tập trung vào một số nội dung: tiếp tục hoàn thành mục đích và nhiệm vụ của chiến dịch, cùng Lào triển khai kế hoạch củng cố và phòng thủ khu vực chiến lược Cánh đồng Chum, đẩy mạnh hoạt động trên các hướng khác và vùng sau lưng địch; giúp Lào củng cố vùng giải phóng, ổn định sinh hoạt cho nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang...

 

- Theo sáng kiến của Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanúc, ngày 24 tháng 4 năm 1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đã khai mạc tại vùng biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Tham dự Hội nghị có: Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đoàn Campuchia và Đoàn đại biểu Neo Lào Hắc Xạt.

 

Hội nghị ra tuyên bố chung, khẳng định: nhân dân ba nước Đông Dương có kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Nhân dân Lào, Campuchia và Việt Nam cùng sống trên bán đảo Đông Dương, gắn bó chặt chẽ với nhau, có quan hệ hữu nghị lâu đời. Sau nhiều năm đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ, ba nước đã giành được độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ theo Hiệp định Giơnevơ 1954. Mười lăm năm qua, Mỹ đã trắng trợn chà đạp lên công lý, nguyện vọng của nhân dân Đông Dương; xâm lược Đông Dương, biến Đông Dương thành thuộc địa...

 

Nhân dân ba nước Đông Dương hãy tăng cường đoàn kết và chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, khẳng định mục tiêu chiến đấu là: độc lập, hòa bình, trung lập, không cho phép nước ngoài có quân đội trên đất nước mình. Hội nghị ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào, Campuchia và Việt Nam. Quyết tâm bảo vệ, phát triển tình hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt giữa ba nước...


Tháng 5

- Tháng 5 năm 1970, tại Hà Nội (Việt Nam), Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) và Quân uỷ Trung ương (Lào) tiến hành hội đàm về tình hình Lào từ năm 1968 đến tháng 5 năm 1970, đề ra chủ trương, nhiệm vụ trong thời gian tới. Tham dự hội đàm, phía Việt Nam có các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Lê Quang Đạo, Nguyễn Chính Giao, Nguyễn Đôn, Nguyễn Trọng Vĩnh, Xuân Thuỷ, Huỳnh Đắc Hương. Phía Lào có các đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Lào, Xỉxávạt Kẹo Bunphăn, Khăm Tày Xiphănđon, Xámản Vinhakệt.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày về âm mưu và các hoạt động của địch từ năm 1968 đến nay, nêu rõ: Níchxơn lên thay Giônxơn nhưng bản chất không có gì thay đổi. Chúng vẫn tỏ ra rất ngoan cố và xảo quyệt. Địch đã tăng cường Chiến tranh đặc biệt ở Lào với mức độ cao chưa từng có. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai tăng cường đánh phá vùng giải phóng Lào một cách toàn diện. Trong vùng tạm kiểm soát, chúng ráo riết bình định và củng cố. Tuy có nhiều cố gắng nhưng địch vẫn bị thất bại nặng nề và rơi vào thế bị động.

Lực lượng cách mạng đã giành được thắng lợi to lớn, tương đối toàn diện, đánh bại các cuộc tấn công lấn chiếm vùng giải phóng của địch và giáng cho địch thêm nhiều đòn đau. Các lực lượng vũ trang qua chiến đấu ác liệt đã trưởng thành hơn trước về mọi mặt. Vùng giải phóng được củng cố hơn trước. Phong trào đấu tranh trong vùng sau lưng địch cũng phát triển khá hơn trước. Số lượng cũng như trình độ đảng viên, cán bộ đều tăng lên về mọi mặt.

 

Về chủ trương, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh: tiếp tục tấn công tiêu diệt sinh lực địch, làm cho tương quan lực lượng thay đổi, ngày càng có lợi cho cách mạng. Tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển mạnh lực lượng bán vũ trang để đẩy mạnh chiến tranh du kích. Ra sức xây dựng và củng cố cách mạng, giải phóng về mọi mặt. Đẩy mạnh công tác vùng sau lưng địch. Thúc đẩy mạnh mẽ công tác mặt trận và công tác binh vận. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chính trị và hoạt động quốc tế. Tăng cường chất lượng cán bộ, đảng viên và sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp...

 

Đồng chí Võ Nguyên Giáp phát biểu: ở miền Nam Việt Nam, Mỹ sẽ tiếp tục rút quân, nhưng trước khi rút chúng sẽ tranh thủ đánh chiếm một số địa điểm, tiếp tục bình định, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Ở Lào, Mỹ có thể đưa vào thêm quân Thái Lan và quân ngụy Sài Gòn có thể đánh sang Trung - Hạ Lào...

Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam: kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, đập tan âm mưu Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Phối hợp, giúp đỡ các lực lượng Lào, Campuchia cùng chiến đấu. Về chủ trương, nhiệm vụ ở Lào, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhất trí với đồng chí Cayxỏn Phômvihản và khẳng định những thắng lợi của cách mạng Lào là to lớn và rất cơ bản.

 

- Ngày 7 tháng 5 năm 1970, Thường trực Quân ủy Trung ương (Việt Nam) thông qua nghị quyết về phương hướng giúp cách mạng Lào trong các năm 1970-1971. Đánh giá hai năm 1968-1969, nghị quyết chỉ rõ: với sự cố gắng của Lào và sự giúp đỡ của Việt Nam, cách mạng Lào đã giành thắng lợi to lớn, toàn diện trên các mặt: diệt sinh lực địch, nhất là lực lượng đặc biệt, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng nhiều cơ sở, lực lượng vũ trang Lào trưởng thành...

 

Nghị quyết nhận định: sắp tới, Mỹ có khả năng tăng cường can thiệp, dùng ngụy Lào là chủ yếu, một phần phản động Thái Lan và ngụy miền Nam; cần theo dõi Mỹ có thể dùng một bộ phận bộ binh để đẩy mạnh Chiến tranh đặc biệt ở Lào, hỗ trợ âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam... Để thực hiện âm mưu trên, địch tăng cường củng cố lực lượng; có thể mở các cuộc hành quân quy mô lớn đánh ra vùng giải phóng ở Trung - Hạ Lào, đánh phá ra đường hành lang 559...

 

Mùa khô 1970-1971, ý định của Việt Nam và Lào là tiêu diệt và làm tan rã lực lượng đặc biệt, giải phóng Xảm Thông-Loòng Chẹng, Nha Hớn, tiêu diệt một bộ phận quân chính quy phái hữu, giải phóng Phả Xan, Xalavăn, đẩy mạnh hoạt động vùng địch hậu, đô thị...

 

Quân ủy Trung ương (Việt Nam) giao cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu tổ chức, biên chế cụ thể các lực lượng giúp Lào với tổng quân số 20.000 đến 25.000 người, trong đó nhấn mạnh thống nhất chuyên gia quân sự toàn Lào, tăng cường chuyên gia tỉnh đội, tổ chức một số đại đội độc lập kết hợp với các đơn vị xây dựng cơ sở ở các vùng mới giải phóng để quét phỉ, củng cố chính quyền; tăng cường thêm một số đại đội đặc công để đẩy mạnh hoạt động vào vùng địch hậu đông dân, nhiều của...

Về tổ chức lãnh đạo, Quân ủy Trung ương chia chiến trường Lào thành bốn khu vực: Quân khu Tây Bắc phụ trách bốn tỉnh Thượng Lào; Bộ Tư lệnh quân tình nguyện kiêm nhiệm chuyên gia phụ trách Khu trung tâm (bao gồm Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn); khu Trung Lào, từ Bolikhămxay trở xuống tỉnh Xalavăn do Quân khu 4 phụ trách; Bộ Tư lệnh Tây Nguyên phụ trách Hạ Lào. Tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương (Việt Nam) và các tổng cục. Quân ủy giao cho Bộ Tổng Tham mưu quy định cụ thể về quan hệ chỉ đạo chuyên gia quân sự toàn Lào giữa Bộ Tư lệnh quân tình nguyện với các quân khu và chuyên gia các tỉnh.

 

- Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng 5 năm 1970, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Mặt trận Z (chiến dịch giải phóng thị xã Xalavăn) do đồng chí Hoàng Biền Sơn, Đoàn trưởng Đoàn 968 làm Tư lệnh; đồng chí Đình Dư làm phó chính uỷ; đồng chí Hoàng Hải làm tham mưu trưởng. Lực lượng gồm các Tiểu đoàn 1, 4 và 6, Đại đội đặc công S4 và một số đơn vị pháo, cùng Tiểu đoàn 12 của Lào.

Sáng ngày 9 tháng 6, Đại đội đặc công S4 và Tiểu đoàn 1 nổ súng tiến công các mục tiêu trong thị xã. Địch chống cự quyết liệt, nhưng liên quân đã làm chủ sân bay và thị xã Xalavăn vào buổi sáng cùng ngày. Trong các ngày tiếp theo, liên quân đánh bại các đợt phản kích của địch, giữ vững thị xã.

Kết quả là, liên quân Lào - Việt Nam đã làm chủ thị xã, giải phóng 10.000 dân; loại khỏi chiến đấu 567 tên địch, gọi hàng 250 tên, bắn rơi 2 máy bay; thu và phá huỷ hơn 700 súng, 187 xe ô tô và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Đánh giá về thắng lợi này, Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) khẳng định: lực lượng tình nguyện Mặt trận Z đã phối hợp cùng Quân giải phóng nhân dân Lào đánh nhanh gọn, chiến thắng giòn giã, giải phóng hoàn toàn thị xã Xalavăn. Chiến thắng Xalavăn có giá trị về chiến thuật và chiến dịch; có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung trên chiến trường ba nước Đông Dương, đẩy Mỹ và tay sai vào thế bị động, lúng túng...

Đồng chí Khăm Chăn, Uỷ viên Khu uỷ Quân khu Nam Lào khẳng định: đây là một thắng lợi mang tính lịch sử cả về chính trị và quân sự, có ý nghĩa trong nước và quốc tế, tiêu diệt nhiều địch, giải phóng cả một vùng đất đai rộng lớn. Sau Áttapư, đây là thị xã thứ hai ở vùng chiến thuật 4 Lào mà thực dân đã đô hộ hàng trăm năm nay được hoàn toàn giải phóng...

- Căn cứ tình hình nhiệm vụ mới, do yêu cầu bảo vệ vững chắc hành lang vận chuyển Bắc - Nam và bảo vệ, củng cố, mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào, ngày 25 tháng 5 năm 1970, Quân ủy Trung ương (Việt Nam) ra Quyết định số 34-QĐ/QU tổ chức Mặt trận 968 trực thuộc Quân ủy Trung ương (Việt Nam) để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang Việt Nam hoạt động ở Trung - Hạ Lào (từ Xavẳnnakhệt trở vào), bao gồm các đơn vị chiến đấu của Quân khu 4 và Đoàn 559 đang hoạt động ở khu vực này, Đoàn 565 (chuyên gia quân sự hai tỉnh Khăm Muộn và Bolikhămxay) cùng những đơn vị phối thuộc khác.

 

Mặt trận 968 có nhiệm vụ: chỉ huy các lực lượng phối thuộc phối hợp chặt chẽ với Đoàn 559, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương (Việt Nam) về tác chiến, xây dựng, đập tan mọi cuộc tiến công lấn chiếm của địch; củng cố và mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào thành căn cứ địa vững chắc, trên cơ sở đó cải tiến tuyến chi viện chiến lược, mở rộng khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ, phục vụ bộ đội Việt Nam chiến đấu lâu dài...

 

- Sau khi nhận định tình hình, âm mưu của địch, ngày 25 tháng 5 năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho Đoàn 968 hoạt động trên chiến trường Hạ Lào có nhiệm vụ: chỉ đạo các đơn vị tình nguyện, Đoàn 559, các đơn vị Quân khu 4 và các đơn vị của Bộ trên chiến trường Hạ Lào; phối hợp với Lào kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân của địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, hành lang kho tàng; giúp Lào về quân sự để mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị.

 

Phương thức: tích cực đánh máy bay, nhất là máy bay trực thăng, đánh địch đổ bộ đường không, tiến công địch ngay từ căn cứ xuất phát; đánh nhỏ nhưng kiên quyết đánh thắng, chú trọng đánh giao thông; sử dụng lực lượng tại chỗ, khi cần thiết, Bộ có thể tăng cường cho mặt trận từ hai đến ba sư đoàn. Tổ chức và bảo đảm hình thành Bộ Tư lệnh và cơ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh. Các đơn vị Quân khu 4, Bộ Tư lệnh 959, Tổng cục Hậu cần kiểm tra để bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu.

 

NĂM 1972

 

Tháng 1

 

- Nhằm bảo vệ an toàn khu Trung ương Lào, ngày 6 tháng 1 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Quyết định số 01-QĐ/TM điều thêm một đại đội của Trung đoàn 144 thuộc Bộ Tổng Tham mưu, tổ chức thành tiểu đoàn (thiếu), tăng cường bảo vệ khu Trung ương Lào đến ngày 15 tháng 2 năm 1972. Đại đội tăng cường của Trung đoàn 144, ngoài công tác bảo vệ, có nhiệm vụ phối hợp với đại đội công binh làm thêm công trình ẩn nấp dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật công binh.

 

Bộ Tư lệnh Công binh cử cán bộ hướng dẫn làm công trình bảo vệ, chỉ đạo công binh và đại đội của Trung đoàn 144 xây dựng công trình. Bộ Tư lệnh Thông tin bảo đảm thông tin chỉ huy theo yêu cầu của Cục Tác chiến.

 

- Ngày 14 tháng 1 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Điện số 16C/TK gửi Đoàn 559. Sau khi nêu những thắng lợi lớn đã giành được ở chiến trường Lào, những tổn thất nặng nề của địch, nhận định tình hình địch - ta trên chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Đoàn 559 làm tốt các nhiệm vụ sau:

 

Về tác chiến: cần tập trung tiêu diệt, quét sạch địch ở ngã ba Lao Ngam cùng các vùng phụ cận, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiêu diệt một bộ phận địch nếu chúng phản công. Phải chốt giữ các điểm quan trọng như Pạc Xoòng, Bu Kích; tổ chức một bộ phận phối hợp với cách mạng Lào đẩy mạnh hoạt động ra đường 13 để đánh phá giao thông, uy hiếp Pạc Xê, Khôngxêđôn và những nơi địch tập trung lực lượng.

 

Về củng cố vùng giải phóng: cần kết hợp chặt chẽ với lực lượng cách mạng Lào để xây dựng cơ sở nơi đóng quân, sử dụng một số cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, được giáo dục, bồi dưỡng, kết hợp với Lào xây dựng phong trào cơ sở ở những khu vực trọng điểm như Pạc Xoòng, Xalavăn...

 

Về xây dựng tổ chức: căn cứ vào nhiệm vụ cấp trên giao mà tổ chức biên chế, trang bị cho phù hợp. Cụ thể, ở đường 9 tổ chức một trung đoàn với 2 tiểu đoàn bộ binh, một số phân đội thiết giáp, pháo binh, cao xạ 12,7 ly, một số bộ phận chốt hoặc trung đoàn với một tiểu đoàn cơ động tăng cường và một số đại đội độc lập để chốt cùng lực lượng lẻ. Vùng Pạc Xê xây dựng lực lượng như ở Xalavăn nhưng phải bảo đảm có một bộ phận chốt ở Bu Kích. Trung đoàn 9 phải xây dựng thành trung đoàn cơ động mạnh, được tăng cường pháo binh, xe tăng...

- Ngày 30 tháng 1 năm 1972, Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) có Thư số 09/QUTW chỉ đạo Đảng uỷ Mặt trận Cánh đồng Chum - Loòng Chẹng thực hiện nhiệm vụ bước 2 của chiến dịch: tiếp tục tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí; giải phóng hoàn toàn vùng Loòng Chẹng cho đến Nặm Ngừm; từng bước củng cố, giữ vững vùng giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng cũng như Loòng Chẹng để các vùng này trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Lào; giúp cách mạng Lào tiến công quân địch, phát triển du kích, xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân.

 

Trước mắt, cần giữ vững tuyến trung gian, những điểm cao có lợi gần Loòng Chẹng, tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, đánh trực thăng, triệt đường tiếp tế và đánh bại các cuộc phản kích của chúng; tích cực, khẩn trương chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để đánh nhanh, gọn, giải phóng và giữ vững Loòng Chẹng; công tác chỉ đạo cần tập trung làm xong đường vận chuyển và tích cực, khẩn trương củng cố lực lượng; có kế hoạch bảo vệ hậu phương, nhất là kho tàng, đề phòng địch tập kích, lấn chiếm, phá hoại; chuẩn bị thật tốt kế hoạch đánh Buôm Loọng; phối hợp với lực lượng cách mạng Lào đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch, uy hiếp Bạn Son, Na Xu, củng cố và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng cả về quân sự, chính trị, kinh tế.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, Đảng ủy Mặt trận cần tăng cường lãnh đạo tư tưởng, động viên, giáo dục bộ đội nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến dịch; từ đó, đề cao trách nhiệm chính trị, kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác quản lý, chăm lo đời sống, sức khỏe bộ đội, nuôi dưỡng thương, bệnh binh...

 

Tháng 2

 

- Tháng 2 năm 1972, Bộ Công nghiệp nhẹ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngành công nghiệp thuộc Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã ký hiệp định thoả thuận Việt Nam viện trợ cho Neo Lào Hắc Xạt một số hạng mục công nghiệp nhẹ trong hai năm 1972-1973. Theo hiệp định, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp Neo Lào Hắc Xạt:

 

1. Xây dựng Xí nghiệp dệt 12-10 tại tỉnh Sầm Nưa;

 

2. Giúp các cơ sở dệt thảm thủ công cải tiến;

 

3. Giúp các ngành thủ công nghiệp khác;

 

4. Giúp đào tạo cán bộ, công nhân dệt, may mặc;

 

5. Giúp tổ chức trường đào tạo nghiệp vụ và quản lý xí nghiệp Trung ương ở Sầm Nưa.

 

- Ngày 3 tháng 2 năm 1972, tại Sầm Nưa (Lào), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Nhân dân Lào đã chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có 125 đại biểu thay mặt cho hơn 2 vạn đảng viên đang chiến đấu, công tác, lao động sản xuất trên khắp mọi miền của nước Lào. Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tham dự Đại hội do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu...

 

Đại hội quyết định đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đồng thời xác định rõ tính chất tôn chỉ, mục đích của Đảng Nhân dân cách mạng Lào là Đảng Mác - Lênin chân chính của giai cấp công nhân Lào, là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Lào. Đảng Nhân dân cách mạng Lào đoàn kết và lãnh đạo nhân dân các dân tộc Lào hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đảng Nhân dân cách mạng Lào là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Lào...

 

Đại hội thông qua nghị quyết về tăng cường sự đoàn kết Lào - Việt Nam, xác định tình đoàn kết Lào - Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và trên tinh thần quốc tế vô sản, đồng thời đó cũng là mối quan hệ đặc biệt...

- Nhân dịp Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào, thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gửi thư chúc mừng. Bức thư có đoạn viết: “... Đảng và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào sẽ đưa đất nước Lào đến thắng lợi hoàn toàn; tin tưởng vào tinh thần đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân Lào và Việt Nam là nguồn sức mạnh giúp nhân dân hai nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, đưa dân tộc mình tiến lên. Đảng, quân đội, nhân dân Việt Nam luôn luôn sát cánh cùng nhân dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhân dịp này, chúc Đại hội của Đảng Nhân dân Lào thành công rực rỡ, chúc tình đoàn kết Việt Nam - Lào đời đời bền vững...”.

 

- Nhân dịp sang dự Đại hội lần thứ II Đảng Nhân dân Lào, ngày 4 tháng 2 năm 1972, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã gặp và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia Việt Nam đang công tác tại Lào.

 

Đồng chí khái quát âm mưu và hành động xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam và Lào. Những nỗ lực của Đảng, quân đội, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn, buộc Mỹ phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc kháng chiến của chúng ta là chính nghĩa nên đã quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh của thời đại.

Đồng chí nêu lên tình hình quốc tế, những thuận lợi, khó khăn, xu hướng phát triển. Tình hình Lào phát triển tốt như Trung ương Lào đã đánh giá, có thắng lợi nổi bật nhưng cũng có khuyết điểm nổi bật: vùng dân cư đông do địch kiểm soát, vùng giải phóng rộng nhưng yếu về kinh tế. Muốn có vùng giải phóng mạnh về quốc phòng thì phải mạnh về kinh tế. Đối với chuyên gia Việt Nam, phải coi cách mạng Lào như cách mạng Việt Nam, coi việc giúp Lào là cống hiến cho Tổ quốc mình. Phải khắc phục tư tưởng hẹp hòi, tư tưởng nước lớn, coi trọng Lào, tôn trọng chủ quyền độc lập của Lào. Lào có khả năng về kinh tế thì nên giúp Lào tiến bộ về kinh tế. Cuối cùng, đồng chí căn dặn chuyên gia, quân tình nguyện phải giúp Lào toàn diện, liên tục, lâu dài.

 

- Ngày 20 tháng 2 năm 1972, tại Hà Nội (Việt Nam), đồng chí Hoàng Bửu Đôn thay mặt Tổng cục Lâm nghiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng chí Bun Xu Xỉphayngam thay mặt ngành lâm nghiệp Lào đã ký hiệp định về việc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp Neo Lào Hắc Xạt xây dựng kinh tế lâm nghiệp trong hai năm 1972-1973. Theo thoả thuận giữa hai bên, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ giúp ngành lâm nghiệp Neo Lào Hắc Xạt một số công tác cụ thể như sau: cung cấp phương tiện và cử cán bộ sang điều tra lại khu rừng gỗ ở Na Pê, khẩn trương điều tra rừng gỗ ở một số xã thuộc huyện Sằm Tớ (Sầm Nưa) và bàn giao tài liệu điều tra vào cuối năm 1973. Trung ương Neo Lào Hắc Xạt cử cán bộ địa phương tham gia điều tra rừng và vận động nhân dân bảo vệ các khu rừng được điều tra...

 

Cùng ngày, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngành công nghiệp Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã ký hiệp định xác định Việt Nam giúp Lào thăm dò địa chất ở vùng giải phóng Lào trong hai năm 1972-1973.

 

Theo hiệp định, phía Việt Nam giúp Neo Lào Hắc Xạt điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản phục vụ đời sống, xây dựng kinh tế và chiến đấu trước mắt, đồng thời chuẩn bị kế hoạch giúp đỡ xây dựng ngành địa chất Neo Lào Hắc Xạt hoạt động lâu dài. Theo thoả thuận, trước mắt Tổng cục Địa chất Việt Nam Dân chủ Cộng hoà giúp Neo Lào Hắc Xạt điều tra, khảo sát mỏ muối, than, nguyên liệu xây dựng (đất sét làm gạch, ngói), mănggan, fêrít sắt.

 

Tháng 3

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu giúp cách mạng Lào trong tình hình mới, ngày 20 tháng 3 năm 1972, Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trình Trung ương Đề án công tác chuyên gia giúp Lào năm 1972-1973. Sau khi điểm lại tình hình địch, những hoạt động của lực lượng ta và yêu cầu của cách mạng Lào trong thời kỳ mới, Đề án chỉ ra những công tác cần giúp Lào trong thời gian tới.

Về quân sự, giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang mà khâu chủ chốt là cán bộ. Cụ thể, giúp đẩy mạnh hoạt động quân sự, trọng điểm là làm thất bại kế hoạch tác chiến tập trung của địch ở hướng Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Chú ý thích đáng đến bộ đội địa phương. Khẩn trương xây dựng các cụm chủ lực: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nam Lào, Sầm Nưa. Đẩy mạnh công tác quân sự địa phương. Hết sức giúp Lào đẩy mạnh công tác vùng địch hậu, tăng cường, chấn chỉnh công tác bảo đảm hậu cần. Coi trọng giúp Lào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

 

Về chuyên gia, tăng cường chỉ đạo của các cấp đối với lực lượng chuyên gia, hết sức coi trọng nâng cao chất lượng chuyên gia. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định về quan hệ Lào - Việt Nam, kỷ luật dân vận, kỷ luật quần chúng và chỉ thị mới của Trung ương.


Tháng 4


- Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào, tháng 4 năm 1972, ngành giao thông vận tải nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngành giao thông vận tải Neo Lào Hắc Xạt đã ký hiệp định về kế hoạch hai năm (1972-1973). Theo hiệp định, ngành giao thông vận tải Việt Nam sẽ giúp Neo Lào Hắc Xạt một số hạng mục cụ thể: sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng và bảo đảm giao thông trên đường 42 từ Tây Teng đến Mương Khoa dài 70km; đường 6 dài 26km từ Pha Hàng đến Xốp Bầu; đường 217 từ Na Mèo đến Mương Liệt; khảo sát và thiết kế đoạn đường từ Pha Háng đến Mương Liệt. Ngoài ra, theo yêu cầu của ngành giao thông Neo Lào Hắc Xạt, phía Việt Nam sẽ giúp một khối lượng công tác cụ thể khác như: vận tải, sửa chữa cơ khí, quản lý thiết bị vật tư giao thông vận tải và đào tạo cán bộ.

 

- Trước yêu cầu cần giành thắng lợi quyết định, phát triển lực lượng cách mạng, ngày 1 tháng 4 năm 1972, Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) và Quân uỷ Trung ương (Lào) quyết định tổ chức chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Nhiệm vụ chiến dịch được xác định: hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, khẩn trương triển khai kế hoạch phòng thủ khu vực Cánh đồng Chum - Mương Xủi - Xiêng Khoảng, trong bất kỳ tình huống nào cũng phải kiên quyết bảo vệ vững chắc khu vực Cánh đồng Chum, bao gồm cả tuyến trung gian; kiên quyết đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của địch trong mùa mưa 1972, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, trên cơ sở đó xây dựng Cánh đồng Chum thành một địa bàn chiến lược, căn cứ địa vững chắc...

 

Lực lượng tham gia chiến dịch: quân tình nguyện Việt Nam có 2 trung đoàn 174 và 148 (Sư đoàn 316), 2 trung đoàn 866 và 335, 2 tiểu đoàn đặc công (41 và 27), Tiểu đoàn pháo binh 42, 4 tiểu đoàn phòng không, một tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh. Quân giải phóng nhân dân Lào có 7 tiểu đoàn tham gia, một đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, một đại đội công binh, 4 đại đội địa phương và dân quân du kích...

 

Cùng ngày, Thường vụ Quân ủy Trung ương (Việt Nam) chỉ đạo Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 959, Bộ Tư lệnh Mặt trận 31 tác chiến ở khu vực Cánh đồng Chum, Xảm Thông, Loòng Chẹng.

- Nhân dịp nhân dân Việt Nam bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.500 của Mỹ, ngày 23 tháng 4 năm 1972, đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Tổng Tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Lào đã gửi điện chúc mừng tới Đại t­ướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Bức điện có đoạn: “... Nhân dân Lào chúng tôi rất vui mừng trước những chiến công vang dội của quân và dân Việt Nam trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhân dân Việt Nam anh hùng đã kiên cường chiến đấu và giành thắng lợi trên mọi mặt trận, bảo vệ vững chắc hậu phương chiến lược, không chỉ cho cách mạng miền Nam mà cho cả cách mạng Lào chúng tôi.

 

Thay mặt nhân dân và lực lượng vũ trang Lào, xin gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp lời chúc sức khoẻ, chúc nhân dân và quân đội Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Chúc tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...”.

 

Tháng 5

 

- Để giúp Neo Lào Hắc Xạt áp dụng những kinh nghiệm về chỉ đạo và quản lý nông nghiệp mà phía Việt Nam đã tích luỹ được, tháng 5 năm 1972, Uỷ ban Nông nghiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ngành nông nghiệp Neo Lào Hắc Xạt đã ký hiệp định về hợp tác trong hai năm (1972-1973). Theo đó, hai bên sẽ hợp tác tiến hành một số công việc cụ thể sau: phía Việt Nam sẽ cử hai đoàn cán bộ sang cùng cán bộ Lào tiến hành nghiên cứu, điều tra tình hình thiên nhiên, xã hội để xác định phương hướng sản xuất cho các vùng Uđômxay, Hủa Phăn. Xây dựng một số cơ sở sản xuất thí điểm điển hình. Bồi dưỡng và đào tạo công nhân, cán bộ kỹ thuật. Nghiên cứu lại việc bố trí chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở các cơ sở để có kế hoạch bổ sung thích đáng. Ngoài ra, phía Việt Nam còn đáp ứng một số yêu cầu cụ thể trước mắt của Neo Lào Hắc Xạt.

- Tháng 5 năm 1972, tại Sầm Nưa, đồng chí Nguyễn Đức Quy, Thứ trưởng Bộ Văn hoá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đồng chí Xỉxanạ Xixản, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Neo Lào Hắc Xạt đã hội đàm và ký kết hiệp định về trao đổi văn hoá giữa hai nước. Theo hiệp định, Bộ Văn hoá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ cử chuyên gia văn hoá nghệ thuật, cán bộ kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp thuộc ngành văn hoá sang giúp nhân dân Lào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các ngành văn hoá của Neo Lào Hắc Xạt, như ngành văn công, trường nghệ thuật, nhà in, chiếu phim; cung cấp thêm cho phía Lào các thiết bị của ngành văn hoá. Để giúp Việt Nam tìm hiểu nền văn hoá Lào, phía Neo Lào Hắc Xạt nhận giới thiệu tình hình và cung cấp những tài liệu cần thiết về văn hoá, nghệ thuật của Lào...

- Theo kế hoạch giúp đỡ Neo Lào Hắc Xạt của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 3 tháng 5 năm 1972, ngành thuỷ lợi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký hiệp định giúp Ban Kinh tế Neo Lào Hắc Xạt một số công trình trong hai năm (1972-1973) như sau: tiếp tục xây dựng và hoàn thành ba công trình thuỷ lợi cho các năm 1972-1973 ở Sầm Nưa và Xốp Tan, Xiêng Hông và Xiêng Mèn. Chuẩn bị khởi công xây dựng 11 công trình mới vào cuối năm 1972, trong đó có chín công trình ở Hủa Phăn và hai công trình ở Uđômxay. Tiếp tục cử cán bộ tiến hành kiểm tra và chuẩn bị để có điều kiện sẽ tiếp tục khởi công hoặc sửa chữa một số công trình bị phá hoại hoặc do chiến tranh phải tạm ngừng.

 

- Được sự đồng ý của hai Quân uỷ Trung ương (Việt Nam) và Lào, ngày 25 tháng 5 năm 1972, Đoàn đại biểu cán bộ quân chính các trường sơ, trung và cao cấp Quân giải phóng nhân dân Lào sang tham quan và trao đổi kinh nghiệm tại một số trường của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn gồm 23 thành viên, do đồng chí Xổm Xắc, Chính uỷ Trường trung - cao cấp làm trưởng đoàn. Trong thời gian ở Việt Nam, Đoàn đã được Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp đón và làm việc. Đoàn đã trao đổi nghiệp vụ với Cục Nhà trường, Trường Sĩ quan Lục quân, Học viện Chính trị và tham quan công tác huấn luyện ở một số nơi.

 

Kết thúc chuyến thăm, thay mặt Đoàn, đồng chí Xổm Xắc phát biểu: trong suốt 40 ngày qua, chúng tôi đã được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của những người đồng chí anh em. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm huấn luyện, tôi thấy kết quả to lớn nhất là đã xây dựng và củng cố thêm tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào...

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011.