Cần những việc làm thiết thực

14:08, 11/09/2012

Trong nhóm giải pháp “Tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng” của NQTW 4 (Khóa XI) có một nội dung rất quan trọng, đó là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Tổ chức cơ sở đảng” (NLLĐ&SCĐ). Lâu nay, khi nói về công tác xây dựng đảng, người ta hay nói tới cụm từ này như một câu thuộc lòng, có lúc dùng nó như  một khẩu hiệu tới mức… sáo mòn. Nhưng nếu có ai đó đặt câu hỏi: Nội dung của NLLĐ&SCĐ là gì? thì việc đi tìm câu trả lời cũng có nhiều lý thú và bổ ích..

NLLĐ&SCĐ của tổ chức cơ sở đảng là hai vế của một vấn đề, có mối quan hệ bổ sung cho nhau. Nhưng mỗi vế lại có những khía cạnh độc lập riêng. Bài viết này chỉ đi sâu tìm hiểu về Năng lực lãnh đạo (NLLĐ) của tổ chức cơ sở đảng.

 

Lãnh đạo vốn là bản chất của hoạt động chính trị; tức là tạo ra “sản phẩm” trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Hoạt động lãnh đạo khác với hoạt động hành chính; nó không theo một chương trình hay kế hoạch định sẵn. Đó là sự hoạt động của tư duy, trên cơ sở những dữ liệu (sự hiểu biết về chính trị, xã hội, cơ sở vật chất…), phương pháp luận khoa học (những kiến thức nhất định về triết học), cùng với những bài học rút ra từ lịch sử (giống như một công cụ khoa học). Năng cao NLLĐ là nâng cao hoạt động tư duy, để hiểu biết về “đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước” (dưới đây gọi chung là ĐLCS). Lựa chọn, sáng tạo ra cách thức tổ chức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương. Có thể nhận biết NLLĐ trên mấy nội dung chủ yếu như sau:

 

Một là, nhận thức sâu sắc cả nội dung, ý nghĩa ĐLCS. ĐLCS ở cấp vĩ mô là thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn đảng, toàn dân, trên cơ sở lý luận khoa học và những vấn đề thực tiễn trong cả nước, nếu có kèm theo giải pháp thì cũng chỉ là những giải pháp chung nhất. Nó không thể đáp ứng được hết thực tế và nguyện vọng của người dân ở mỗi vùng, miền khác nhau. Đòi hỏi lực lượng lãnh đạo ở cơ sở phải có công sức nghiên cứu để hiểu rõ bản chất của vấn đề, xác định những điều kiện thực tế ở địa phương, bao gồm: cơ sở vật chất, trình độ cán bộ, dân trí, phong tục tập quán, việc vận dụng những bài học chung của Cách mạng trong phạm vi địa phương như thế nào, xác định được những yếu tố nội lực, những vấn đề cần sự chi viện của trên… NLLĐ của tổ chức cơ sở đảng, trước hết là NLLĐ của người đứng đầu. Để có được năng lực nói trên, người đứng đầu mỗi tổ chức cơ sở đảng phải có những kiến thức nhất định về thời cuộc (bao gồm kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay). Hiểu biết xã hội, phát hiện ra những vấn đề của cuộc sống đương đại là công việc quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo; từ đó có thể tự tin trong lý giải, thuyết phục, tạo nên nhận thức chung của cả tổ chức. Trong nội dung thứ nhất này, NLLĐ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt để nhận thức được sâu sắc, thực chất của ĐLCS.

 

Hai là, NLLĐ còn bao gồm hệ thống phương pháp, nghệ thuật, trong công tác tuyên truyền, giáo dục ĐLCS tới cán bộ, đảng viên và quần chúng. Công tác này không chỉ dừng lại ở một buổi lên lớp, căng vài pa nô, khẩu hiệu, tờ rơi, mặc dù việc đó rất cần nhưng mới chỉ dừng ở hình thức có tính chất gợi mở, hỗ trợ, nhắc nhở. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành với hai nội dung: Thứ nhất là có nhiều hình thức, bằng nhiều lực lượng để nói cho dân nghe, giải thích cho dân rõ (tức là làm tốt công tác dân vận). Thứ hai là tạo điều kiện để nghe dân nói, qua đó biết được dân nghĩ gì, muốn gì, mức độ quan tâm của họ với vấn đề đặt ra như thế nào? Tìm ra các nhân tố tích cực… đặc biệt phải chú ý đến những ý kiến trái chiều. Dù cho “trung ngôn” vốn “nghịch nhĩ” nhưng thông thường chỉ người có những hiểu biết nhất định, có nhiệt huyết mới đưa ra được những ý kiến trái chiều (loại trừ những phần tử tiêu cực, chống đối). Ý kiến trái chiều sẽ giúp cho lãnh đạo hiểu thêm những khía cạnh khác nhau của cuộc sống; có thêm cảm hứng trong tư duy, phát hiện thêm nhân tố tích cực và tiêu cực để có cách hành xử hợp lý.

 

Nội dung thứ ba của NLLĐ là khả năng tổ chức lực lượng để thực hiện ĐLCS và chủ trương công tác của địa phương. Việc này hiện có rất nhiều công cụ; đó là cả một hệ thống chính trị, cùng với nhiều hiệp hội quần chúng, từng có kinh nghiệm hoạt động từ hàng chục năm qua. Vấn đề là lực lượng lãnh đạo cần có những động thái để “cầm tay day việc” giúp các thành viên đó biết phải làm gì, làm như thế nào và liên kết ra sao giữa các thành viên với nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở đây, NLLĐ của tổ chức cơ sở đảng có thể ví như vai trò của một “nhạc trưởng” trong một giàn nhạc.

 

Bốn là, NLLĐ còn thể hiện ở khả năng tổ chức công tác giám sát, kiểm tra; qua đó bổ sung những ý kiến chỉ đạo cần thiết, uốn nắn những lệch lạc, trì trệ, phát hiện những nhân tố tích cực, cách làm hay, kịp thời rút kinh nghiệm, nhân điển hình. Sau cùng là công tác sơ, tổng kết. Nội dung này của NLLĐ đòi hỏi một phương pháp nhìn nhận khách quan những việc làm được và chưa làm được, biểu dương tập thể và cá nhân tiên tiến; đồng thời khái quát thực tiễn thành những bài học kinh nghiệm. Hoạt động sơ, tổng kết là thước đo rất sinh động với NLLĐ của một tổ chức.

 

Tóm lại, NLLĐ có nội dung rất cụ thể và ý nghĩa rất quan trọng. Nó chẳng những tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong tổ chức, giúp cán bộ đảng viên tự làm công tác tư tưởng cho mình: Tin vào ĐLCS, tin vào dân, tin vào chính mình để có dũng khí hoàn thành nhiệm vụ được giao. NLLĐ là yếu tố quan trọng nhất để tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tăng cường sức mạnh chung của toàn Đảng. Với những nội dung trên đây, thiết nghĩ để nâng cao NLLĐ là cả một quá trình công phu, không phải là việc riêng của cấp nào; nó cũng đang là một đòi hỏi khách quan, phải đổi mới cả nội dung và phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho cán bộ, đảng viên nói chung và đặc biệt cho những cán bộ chủ chốt của Đảng nói riêng.