Để “hạt giống đỏ” nảy mầm và phát triển

08:33, 06/09/2012

Nâng cao năng lực lãnh đạo (NLLĐ) với nâng cao sức chiến đấu (SCĐ) của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), tuy là hai nhưng lại là một. Khi nâng cao NLLĐ cũng đồng thời nâng cao SCĐ của TCCSĐ. Đây là những khái niệm rất trừu tượng, nếu không “mổ xẻ” để nhận diện những nội dung cấu thành, nó sẽ mất đi ý nghĩa chỉ đạo hành động. 

Một câu hỏi cần được quan tâm là, vì sao theo thời gian, càng ngày trong các cuộc họp chi bộ, càng ít đảng viên tham gia thảo luận? Đặc biệt là từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Lý giải vấn đề này, về khách quan, có người ví: từ nền kinh tế quan liêu bao cấp, (với một xã hội tương ứng), chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập với kinh tế toàn cầu, con thuyền Việt Nam như từ sông, rạch ra biển lớn đầy sóng gió và rủi ro; người ở trên thuyền thì đang còn bỡ ngỡ, những người điều khiển nó lại vừa làm vừa rút kinh nghiệm…  Nguyên nhân chủ quan thì NQTW4 (KXI) chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”. Các cuộc họp chi bộ chỉ còn mang tính hình thức, người ta cố tình tránh né sự thật, làm mất đi cái dũng khí của những “chiến sĩ tiên phong”, khi cuộc sống đang rất cần họ phải đi tiên phong. Theo đó, SCĐ của đảng viên và của TCCSĐ cũng dần bị mai một…

 

SCĐ của TCCSĐ trước hết là SCĐ của mỗi đảng viên; nó thể hiện ở tinh thần dám nghĩ (có tâm huyết và trăn trở với công việc); dám làm (sự xả thân và ý thức phụ trách); dám chịu trách nhiệm (phẩm chất tự tin và tinh thần bảo về lẽ phải). Tác phong nói đi đôi với làm và năng lực thuyết phục quần chúng. Để có được những phẩm chất nói trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết sâu sắc, cả chuyên môn và xã hội; đồng thời ý thức được vai trò đảng viên của mình. Trong tình hình hiện nay, muốn nâng cao SCĐ của đảng viên, cần có một cuộc giải tỏa tâm lý đang ngự trị bấy lâu trong mỗi con người; đó là sự bất lực, cam chịu trước tình trạng tiêu cực đang hiện hữu ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng xã hội. Quá trình tổ chức thực hiện các giải pháp của NQTW4, là cuộc giải tỏa tâm lý khá đồng bộ, nó đang tạo ra môi trường phục hồi SCĐ của đảng viên. Đặc biệt với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.  Nếu hệ thống cơ chế chính sách mới được cải tiến, sao cho những người có chức, có quyền, không muốn, không thể và không dám làm điều xấu, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến SCĐ của đảng viên. Bên cạnh đó, nâng cao SCĐ của đảng viên và TCCSĐ còn phải bắt đầu từ công tác phát triển Đảng, giáo dục và rèn luyện đội ngũ đảng viên.

 

Trong công tác phát triển Đảng, theo yêu cầu của tình hình hiện nay, đã đến lúc phải chú ý đến năng lực tư duy của đối tượng, trước khi kết nạp họ vào Đảng. Ai đó nói rất trúng rằng, muốn lãnh đạo nền kinh tế trí thức, thì phải chú trọng trí thức hóa đội ngũ đảng viên. Một mặt động viên những đảng viên tại vị, tự trí thức hóa mình, mặt khác phải coi trọng vận động, lôi cuốn được những người có tài vào Đảng.

 

Thêm vào đó, cần coi trọng đúng mức, thường xuyên kiểm điểm  việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên (có thể coi là tiêu chí đánh giá phẩm chất tiên phong của người đảng viên). Việc này chúng ta quên đi quá lâu, đến nỗi ít có đảng viên nhớ nội dung các nhiệm vụ đó. Mặt khác, cần tính đến và công khai cơ chế lợi ích của người đảng viên (giống như chính sách bảo về cán bộ). Vấn đề này sẽ không có gì “phạm húy”. Một khi chúng ta thừa nhận tính quy luật của kinh tế thị trường (và định hướng XHCN để hạn chế và khắc phục mặt trái của nó). Chúng ta chấp nhận đảng viên làm kinh tế thì việc công khai lợi ích, kèm theo những “chế tài” trong thực hiện những điều cấm đảng viên không được làm, sẽ tạo ra động lực để mỗi đảng viên có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

 

Tuy nhiên, dù trong mỗi đảng viên đã hội tụ được những yếu tố của SCĐ thì cũng mới chỉ dừng ở dạng tiềm năng, mới chỉ là những điều kiện “cần”. Tiềm năng đó chỉ được khai thác, phát huy và trở thành hiện thực trong môi trường có thêm những điều kiện “đủ”, nếu không nó sẽ bị “teo” đi như đã từng diễn ra. Những điều kiện “đủ” đó là tính dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Một chế độ sinh hoạt thực sự dân chủ để mọi người có thể nói thẳng, nói thật, cởi mở tâm tư của mình sẽ là “mảnh đất” mầu mỡ để cho các “hạt giống đỏ” nảy mầm và phát triển. Khi đó, SCĐ của mỗi đảng viên sẽ được liên kết lại và nhân lên gấp bội, thành CSĐ của TCCSĐ theo tinh thần NQTW4 (KXI) cũng như lòng mong muốn của toàn Đảng, toàn dân.