Một số sự kiện lịch sử về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào năm 1975 và 1977

14:55, 13/09/2012

Ngày 2 tháng 12 năm 1975, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thành lập, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lào kết thúc thắng lợi.

 

Ngày 1 tháng 12 năm 1975

 

Ngày 1 tháng 12 năm 1975, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào. Đại hội đã quyết nghị một số vấn đề quan trọng: xoá bỏ nhà nước quân chủ, thành lập Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, cử Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch nước, đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thành công của Đại hội mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử của nhân dân các bộ tộc Lào, đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và thịnh vượng.

 

Ngày 2 tháng 12 năm 1975

 

Sau chiến thắng của nhân dân Việt Nam (tháng 4 năm 1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1975, nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã nổi dậy khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền trong cả nước. Ngày 2 tháng 12 năm 1975, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào thành lập, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Lào kết thúc thắng lợi.

 

Ngày 15 tháng 7 năm 1977

 

Nhận lời mời của Đảng và Chính phủ Lào, ngày 15 tháng 7 năm 1977, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Lào. Trong buổi chiêu đãi trọng thể tại Thủ đô Viêng Chăn, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “... Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua, càng phấn khởi và tự hào bao nhiêu về những thắng lợi huy hoàng của nhân dân hai nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng tôi càng phấn khởi và tự hào bấy nhiêu về mối quan hệ Việt - Lào, một mối quan hệ đặc biệt bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc anh em, được hai Đảng chúng ta và Chủ tịch Hồ Chủ tịch kính mến dày công xây dựng, vun đắp, và đã hòa thành tình cảm cao đẹp trong lòng nhân dân hai nước chúng ta:

 

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

 

Có ai đếm được bao nhiêu ngọn núi, khúc sông, bao nhiêu đỉnh đèo, con suối mà các chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã vượt qua? Và làm sao đo được chiều sâu của nghĩa tình giữa hai dân tộc chúng ta trong cuộc trường chinh hơn 30 năm đằng đẵng? Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ Việt Nam và Lào đã nối tiếp nhau cầm súng chiến đấu chống kẻ thù chung để giành độc lập. Biết bao mồ hôi, xương máu của thanh niên hai nước đã đổ theo độ dài của những con đường hành quân ra mặt trận! Trái tim của những bà mẹ Việt và Lào đã đập cùng một nhịp khi hàng triệu tấn bom Mỹ dội xuống núi rừng và đồng ruộng hai nước, khi những đứa con thân yêu của mình cùng chiến đấu bên nhau và cùng ngã xuống trên một chiến hào! Từng tấc đất, ngọn cây của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ mãi mãi thấm sâu tình nghĩa son sắt cao cả Việt Nam - Lào.

 

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đời đời là niềm tự hào của hai dân tộc chúng ta. Đó là mối quan hệ mẫu mực hiếm có, vô cùng trong sáng, rất mực thủy chung, gian khó không đổi thay, đạn bom không lay chuyển. Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thấm thía lời nói chí tình của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Cayxỏn Phômvihản kính mến, người chiến sĩ kiên cường của cách mạng Lào, nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân Lào, người bạn chí tình và thắm thiết của nhân dân Việt Nam: Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa có ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy. Hơn ba mươi năm đã qua mà vẫn trong sáng như xưa. Đó là một thực tế khách quan, một quy luật của sự phát triển của cách mạng hai nước chúng ta...

 

Ngày nay, hai nước chúng ta đều hoàn toàn độc lập, tự do, hai Đảng chúng ta đều nắm chính quyền, nhân dân hai nước đều cùng một mục tiêu phấn đấu tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện đó, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào càng có những cơ sở vững chắc để không ngừng được củng cố và tăng cường, và nhất định sẽ nhân lên gấp bội sức mạnh của nhân dân mỗi nước trong sự nghiệp bảo vệ đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên Tổ quốc mình...”.

 

Ngày 18 tháng 7 năm 1975

 

Ngày 18 tháng 7 năm 1977, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), đã diễn ra lễ ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hiệp ước gồm bảy điều với những nội dung:

 

- Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng c­ường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

 

Mỗi bên ra sức giáo dục toàn Đảng, toàn dân của mình mãi mãi quý trọng, bảo vệ và vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đời đời trong sáng và bền vững.

 

- Trên nguyên tắc việc bảo vệ độc lập dân tộc và giữ gìn an ninh quốc gia là sự nghiệp của nhân dân mỗi nư­ớc, hai bên cam kết hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tăng cư­ờng khả năng phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn công cuộc lao động hoà bình của nhân dân, chống mọi âm m­ưu và hành động phá hoại của đế quốc và lực lượng phản động nước ngoài.

 

- Để tạo cho nhau những thuận lợi, giúp nhau khắc phục những khó khăn, phát huy có hiệu quả nhất tiềm lực vật chất của mỗi nước nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hai bên sẽ tăng c­ường các quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa, hai bên cùng có lợi về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác tài nguyên thiên nhiên và về các lĩnh vực kinh tế khác; hết lòng viện trợ cho nhau về kinh tế và kỹ thuật; giúp nhau đào tạo cán bộ; trao đổi chuyên gia các ngành kinh tế, văn hoá và khoa học - kỹ thuật; mở rộng quan hệ mậu dịch theo chế độ ­ưu đãi đặc biệt.

 

Hai bên mở rộng trao đổi khoa học - kỹ thuật, hợp tác về văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thông tấn, báo chí, phát thanh, điện ảnh, thể dục thể thao và về các lĩnh vực văn hoá khác.

 

Hai bên tăng cư­ờng các cuộc tiếp xúc giữa các ngành hữu quan của hai nước, để cùng nhau bàn bạc thực hiện các kế hoạch hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá.

 

- Hai bên khẳng định quyết tâm xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hữu nghị anh em lâu dài giữa hai ­nước trên cơ sở bản Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa n­ước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và n­ước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977.

 

- Hai bên hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ đ­ường lối quốc tế độc lập, tự chủ của nhau.

 

Hai bên ra sức tăng cư­ờng tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác với các n­ước xã hội chủ nghĩa anh em; tích cực góp phần cùng các n­ước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản quốc tế, tăng cư­ờng đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; không ngừng tăng c­ường tình đoàn kết chiến đấu, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau với nước Campuchia anh em theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các nư­ớc Đông Nam châu Á vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và trung lập thật sự, thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các n­ước trong khu vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm l­ược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại trong hoà bình; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các n­ước tư­ bản chủ nghĩa giành quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội; nguyện làm hết sức mình nhằm góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

 

- Hai bên sẽ tiến hành các cuộc trao đổi ý kiến đều đặn về những vấn đề thuộc quan hệ hai n­ước và những vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm bằng các cuộc gặp giữa các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nư­ớc, các cuộc thăm của các đoàn đại biểu chính thức và các đại diện đặc biệt hoặc bằng con đường ngoại giao. Hai bên khuyến khích việc mở rộng quan hệ giữa các đoàn thể nhân dân của hai nước.

 

Mọi vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nư­ớc sẽ đư­ợc giải quyết bằng thương lượng với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, có lý có tình...

 

Việt Nam - Lào ra Tuyên bố chung

 

Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Lào của Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Chính phủ Việt Nam, ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai bên ra Tuyên bố chung nêu rõ:

 

Hai bên hết sức phấn khởi và tự hào về mối quan hệ đặc biệt, trong sáng, thủy chung, đã gắn bó chặt chẽ nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong suốt 30 năm đấu tranh chống kẻ thù chung, đang ngày càng được tăng cường và phát triển trong giai đoạn mới của cách mạng mỗi nước.

 

Hai bên nhất trí rằng, khối đoàn kết Việt Nam - Lào được xây đắp trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, theo nguyên tắc giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình và tôn trọng đường lối độc lập tự chủ của nhau, đã nhân lên gấp bội sức mạnh của mỗi dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển thắng lợi của cách mạng mỗi nước. Những bước đi lên của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Từ thực tế sinh động đó, hai bên khẳng định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một truyền thống quý báu, một sức mạnh không gì phá vỡ nổi, một quy luật phát triển của cách mạng mỗi nước…

 

Hai bên cho rằng, việc tăng cường các quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa về mọi mặt giữa hai nước là rất cần thiết để tạo cho nhau những thuận lợi, giúp nhau khắc phục những khó khăn, phát huy hiệu quả nhất tiềm lực vật chất và tinh thần của mỗi nước nhằm bảo vệ đất nước và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội theo điều kiện cụ thể của mỗi nước.

 

Hai bên hết sức vui mừng về việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 18 tháng 7 năm 1977. Văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại này đánh dấu bước phát triển mới toàn diện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, vì sự nghiệp bảo vệ độc dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của nhân dân mỗi nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân các nước Đông Nam châu Á đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và trung lập thật sự, với lợi ích gìn giữ và củng cố hòa bình trên thế giới.

 

Hai bên đánh giá cao Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 1977, và khẳng định quyết tâm xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hữu nghị anh em lâu dài giữa hai nước. Hiệp ước này là một biểu hiện tốt đẹp của việc giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc trên tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, là mẫu mực về chính sách láng giềng hữu nghị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

 

(còn tiếp)


 

Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 1 (1930-1975), Nxb. CTQG, H, 2011 và Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Biên niên sự kiện, tập 2 (1976-2007), Nxb. CTQG, H, 2012.