Việt Nam mong sớm có Quy tắc ứng xử Biển Đông

14:41, 03/10/2012

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh hôm qua phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong những năm qua trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột ở các khu vực, tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình. Việt Nam mong đợi Liên Hợp Quốc tiếp tục phát huy những kinh nghiệm của mình và thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và đối thoại giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và ngăn ngừa sự bùng phát của các xung đột mới.

 

Đánh giá tình hình tại Đông Á, ông Vinh cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực và đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có an ninh hàng hải ở Biển Đông.

 

"Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố Sáu nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC)", Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói.

 

Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia cần phải cam kết mạnh mẽ tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp và không sử dụng vũ lực, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng ta cần thúc đẩy đối thoại và các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, nhất là vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như phát huy các cơ chế pháp lý quốc tế.

 

Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 35 năm ngày gia nhập Liên Hợp Quốc. Trong suốt thời gian đó, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, và thịnh vượng chung của các dân tộc, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.