Phát huy quyền làm chủ của công nhân, viên chức, lao động

08:23, 23/01/2013

Với truyền thống của tổ chức Công đoàn (CĐ)  tỉnh Thái Nguyên trong hơn 60 năm qua, tin tưởng rằng, các cấp CĐ trong tỉnh, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế của tổ chức CĐ trong thời kỳ đổi mới, cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.

Những năm vừa qua, nhất là từ năm 2008 đến nay tình hình kinh tế của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát và chính sách thắt chặt tín dụng trong một số thời điểm, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực không ổn định; thị trường tiêu dùng bị thu hẹp. Nguồn vốn đầu tư xây dựng giảm đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của công nhân viên chức, lao động (CNVC,LĐ). Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung với quyết tâm chính trị cao của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền và nỗ lực cố gắng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nền kinh tế của tỉnh ta vẫn duy trì ổn định và phát triển.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; các hoạt động thu hút đầu tư được tăng cường. Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng, vì vậy số lượng và chất lượng đội ngũ CNLĐ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 12,8 vạn công nhân viên chức lao động (CNVC,LĐ) đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong đó CNLĐ làm việc trong các thành phần kinh tế là 8,6 vạn (tăng tăng 12% so với năm 2008). Cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

 

Trong nhiệm kỳ 2008 - 2013, Công đoàn (CĐ) tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới trong nội dung và phương pháp hoạt động. Tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong CNVCLĐ, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phát triển được 16.570 đoàn viên mới, đạt 110% kế hoạch đề ra. Hàng năm có trên 82% CĐ cơ sở vững mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp CĐ đã giới thiệu cho Đảng trên 3000 quần chúng ưu tú. Nhiều cán bộ trưởng thành từ đội ngũ CNVC,LĐ hiện được giới thiệu tham gia các cơ quan lãnh đạo của Đảng, HĐND, UBND các cấp.

 

Phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ được khẳng định bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: Đã tổ chức kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 680 đơn vị về thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật lao động; 101 vụ tai nạn lao động nặng. Phối hợp chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đạt 98%, các doanh nghiệp đạt 81%. Đến nay đã có 87% đơn vị, doanh nghiệp (có tổ chức CĐ) thực hiện việc ký thỏa ước lao động tập thể. Gần 2.000 lượt CNVC,LĐ được tư vấn pháp luật. Các phong trào thi đua yêu nước triển khai có hiệu quả, đặc biệt là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Với những đóng góp của các tập thể, cá nhân của tổ chức CĐ tỉnh Thái Nguyên, trong nhiệm kỳ qua đã có 327 đơn vị, doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước, đoàn thể các cấp khen thưởng; 399 CNVC,LĐ tiêu biểu được tôn vinh. Có thể khẳng định những kết quả mà phong trào CNVC và hoạt động CĐ của tỉnh trong nhiệm kỳ 2008 - 2013 có ý nghĩa rất to lớn, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Trong thời gian tới, trước yêu cầu của tình hình mới, để phong trào CNVC,LĐ và hoạt động CĐ đạt được nhiều kết quả góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tôi đề nghị các cấp CĐ trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt cho CNVC,LĐ; Phát huy quyền làm chủ của CNVC,LĐ. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phát huy tối đa các nguồn lực trong CNVC,LĐ; kịp thời phát hiện các nhân tố điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất để phổ biến kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong CNVC,LĐ; giáo dục đạo đức, lối sống, lập trường tư tưởng, bản chất chính trị của giai cấp công nhân; tin tưởng vào con đường lên chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức CĐ vững mạnh là trách nhiệm không chỉ của riêng tổ chức CĐ mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để công đoàn hoạt động thuận lợi, thực hiện tốt chức năng và vai trò của mình theo đúng quy định  pháp luật.