Hội đồng Hiến pháp chưa rõ thực quyền

16:11, 19/02/2013

Quyền con người, Hội đồng Bảo hiến và cơ chế sở hữu đất đai là những nội dung được tập trung góp ý trong cuộc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa tổ chức với sự tham dự của các cán bộ nguyên là thành viên của Ủy ban.

Theo nguyên Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai: Khi đặt ra Hội đồng Hiến pháp, quyền lực không có, chỉ có kiến nghị, rõ ràng là thực quyền và thẩm quyền không đủ mạnh, không đủ sức bảo vệ Hiến pháp. Phải có một cơ quan là Hội đồng Hiến pháp có thể "thổi còi" tất cả các cơ quan nếu như có những ban hành văn bản pháp luật sai tinh thần cơ bản của Hiến pháp, kể cả Quốc hội. Cơ quan này phải đủ mạnh và đề nghị làm rõ trong Hội đồng này có số lượng bao nhiêu, cơ cấu thành phần và quyền hạn như thế nào? Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng: Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo do Quốc hội lập đang còn yếu, chỉ có chức năng tham mưu, kiến nghị. Nếu đã đưa vào Hiến pháp phải có thực quyền để xử lý những hành vi vi hiến.

 

 

Các ý kiến cũng cho rằng, sửa Hiến pháp cũng cần lưu ý đến vấn đề bức xúc hiện nay là sở hữu đất đai, cần phải mạnh dạn sửa đổi cách hiểu về sở hữu, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Theo ĐHQH Trần Du Lịch, thành viên Ban soạn thảo Hiến pháp, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai đã không còn hợp lý vì đất của một cá nhân có sổ đỏ thì không thể là của chung, Nhà nước muốn lấy lại cũng phải bồi thường. Khi pháp lý không chính danh thì không chế định được. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay không thể xác định được chủ sở hữu dẫn đến các vi phạm. Sửa Hiến pháp liên quan đến sở hữu đất đai nên tôn trọng sự phát triển của thị trường.

 

Đưa ra vấn đề đang được nhắc nhiều hiện nay là chất lượng và nghĩa vụ của công chức, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng: Trong Điều 8 của Dự thảo có ghi "Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân", như thế hơi dài dòng, chỉ cần ghi "để phục vụ nhân dân", còn "được tổ chức và hoàn thiện" là chuyện cụ thể phải làm. Còn đoạn "cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền..." nên thay bằng cụm từ thể hiện tinh thần học tập Bác Hồ là "Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân và thực hiện “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư". 8 chữ đó là đủ hết tất cả".

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, tất cả các ý kiến góp ý sẽ được tập hợp, chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp nghiên cứu. Dự kiến đến tháng 10/2013 Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi.